
Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 15-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phấn đấu nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ mức 74,5 tuổi lên 80 tuổi
Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ xúc động khi được gặp mặt các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, các cựu chiến binh, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng...
Tổng Bí thư khẳng định, thế hệ hôm nay, mai sau tiếp tục phải tri ân, tạc ghi công lao trời biển của Đảng, Bác Hồ, hàng triệu chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã hiến dâng những gì quý giá nhất trong cuộc sống, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, giàu mạnh...
Tổng Bí thư điểm lại những thành tựu của đất nước đạt được. Trong đó, từ năm học 2025 - 2026, Nhà nước sẽ miễn học phí cho trẻ em từ mẫu giáo đến THPT.
Nhiều chính sách xã hội sẽ tiếp tục được triển khai áp dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đặc biệt là với người lao động, người già, người yếu thế trong xã hội, người có công với đất nước.
Nhiều người dân được hỗ trợ bảo hiểm y tế, Tổng Bí thư nêu mục tiêu "phấn đấu để mỗi năm mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần", phấn đấu nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ 74,5 tuổi lên 80 tuổi vào những năm 2045 - 2050.
Tổng Bí thư cho biết Trung ương đã xác định ba nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến năm 2030.
Đó là giữ vững, duy trì môi trường hòa bình, an ninh trật tự để phát triển đất nước; phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tất cả vì nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu - Ảnh: GIA HÂN
Mọi thủ tục hành chính, vấn đề liên quan đến người dân phải ở cấp xã giải quyết
Tổng Bí thư thông tin thêm Hội nghị Trung ương 11 vừa qua được coi là "hội nghị lịch sử trong chặng đường cách mạng của nước ta".
Trung ương thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính của tổ chức chính quyền địa phương hai cấp với tầm nhìn xa, trông rộng ít nhất cho 100 năm.
Đảm bảo cho sự hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển và hội nhập của đất nước.
Ông cho biết mô hình chính quyền địa phương mới có hai cấp, đó là cấp tỉnh (tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo giảm từ 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay và không tổ chức cấp huyện.
Theo Tổng Bí thư, với mô hình tổ chức hành chính mới thì cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương vừa là cấp ban hành các chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Ngoài ra cấp tỉnh còn trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên phạm vi địa bàn.
Với cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương, cấp tỉnh ban hành. Cấp xã cũng được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.
"Mọi thủ tục hành chính, mọi vấn đề liên quan đến người dân phải ở cấp xã giải quyết. Những vấn đề xã hội, đời sống của nhân dân là phải ở xã. Người dân không phải lên tỉnh, lên trung ương để giải quyết các việc.
Nếu tất cả các vấn đề của người dân không được giải quyết ở cấp xã thì không còn cấp hành chính nào có thể giải quyết. Mọi thủ tục hành chính ở cấp xã... Vừa qua đã cải cách rất nhiều việc và nhân dân đồng tình, ủng hộ", Tổng Bí thư nêu.
Xã phải biết được tình hình sức khỏe của nhân dân
Tổng Bí thư dẫn chứng trong giáo dục, cấp xã phải tổ chức với trường liên cấp, cấp 1, cấp 2. Chủ tịch xã phải quản lý, biết ngay xã có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học.
Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm "mỗi người dân được ít nhất khám sức khỏe một lần" và chính quyền xã phải biết được tình hình sức khỏe của nhân dân.
"Mọi việc ở trong dân mà xã chưa làm được thì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Xã phải gần dân, sát dân, nắm được những yêu cầu của dân", Tổng Bí thư nhắc lại yêu cầu.
Kỷ luật 28 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ đó là "tham nhũng, lãng phí và tiêu cực".
Theo Tổng Bí thư, lãng phí cũng đang là vấn đề rất đáng báo động. Trên khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại cao hơn tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư thông tin thời gian qua các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 107 tổ chức đảng, 3.209 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Trong đó, có 28 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, gồm ba lãnh đạo chủ chốt, ba phó thủ tướng, 6 bộ trưởng, 10 bí thư, nguyên bí thư các thành tỉnh ủy, 11 cấp thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 26 chủ tịch, nguyên chủ tịch cấp tỉnh, 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư thường trực cấp tỉnh.
Tổng Bí thư lưu ý đặc biệt trong quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã sẽ không loại trừ tình trạng "đục nước béo cò, tranh tối tranh sáng để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực".
Do vậy cùng với trách nhiệm chính của hệ thống chính trị, của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh, Tổng Bí thư mong nhân dân vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận