07/11/2024 18:27 GMT+7

Tổng Bí thư Tô Lâm: Khắc phục ngay mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật; thực hiện cơ chế "sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật" để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: TTXVN

Ngày 7-11, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11).

Khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại

Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng những thành tích, kết quả mà ngành tư pháp đã đạt được trong những năm qua.

Tổng Bí thư lưu ý vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần lưu tâm, sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể là một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi.

Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Đáng chú ý, dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển...

Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, theo Tổng Bí thư, thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiều yêu cầu, bao gồm đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.

Trong đó, có đổi mới tư duy xây dựng pháp luật với tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Tuyệt đối không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ.

Mục tiêu vươn tới của các điều luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; duy trì và đảm bảo trật tự xã hội.

Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội; thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch và dễ tiếp cận; mang tính hệ thống và chặt chẽ; góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển...

Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra hai yêu cầu đối với chương trình xây dựng luật, pháp luật.

Thứ nhất, phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ.

Những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa để xây dựng, đề xuất chương trình.

Trong đó phải tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.

Thứ hai, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Thực hiện cơ chế "sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật" để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.

Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư lưu ý tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Đánh giá tác động chính sách thực chất

Tổng Bí thư yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với "3 bảo đảm". Gồm bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao "năng suất và chất lượng" xây dựng pháp luật.

Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất.

Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật với 4 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật…

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu Bộ Tư pháp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

Đồng thời phát huy tinh thần "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".

Tổng Bí thư Tô Lâm: Khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại - Ảnh 3.Toàn văn bài viết 'tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả' của Tổng Bí thư Tô Lâm

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên