Sáng 25-7, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (25-7-1948 - 25-7-2023).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại buổi lễ.
Văn nghệ sĩ trẻ đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng các văn nghệ sĩ dịp kỷ niệm này.
Tổng bí thư khẳng định các nghệ sĩ có thể tự hào rằng trải qua những năm tháng đầy hy sinh gian khổ của những cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các văn nghệ sĩ đều có đóng góp xứng đáng.
Sự cống hiến của anh chị em văn nghệ sĩ đã góp phần lớn vào bồi dưỡng lòng yêu nước, gìn giữ các giá trị văn hóa, xây dựng hệ giá trị quốc gia, con người Việt Nam mới.
Tình cảm của đội ngũ văn nghệ sĩ góp phần vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội.
Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng lưu ý chúng ta không tránh khỏi hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục.
Những thành tựu văn học nghệ thuật đã đạt được trong những năm qua còn chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ nổi tiếng.
"Xưa có nhà văn nhà thơ có lẽ nhiều đời sau còn ghi nhớ mãi. Có tác phẩm còn sống mãi với thời gian. Gần đây vẫn có nhưng không được nhiều tác phẩm lớn như trước", Tổng bí thư nói.
Ngày nay, sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng cũng sẽ còn diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, văn hóa số… đã và đang làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa toàn cầu, vừa đem lại cơ hội vừa tạo ra thách thức trong xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới.
Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục giữ gìn, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn nghệ thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển và soi đường cho quốc dân đi.
"Trên mặt trận văn hóa, các văn nghệ sĩ phải làm thế nào, làm gì để đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước? Chúng ta không say sưa với thắng lợi, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Nhân dân trông chờ rất nhiều. Mong các đồng chí nhớ cho điều đó.
Tôi nhắc lại, vừa qua chúng ta đã làm tuyệt vời rồi nhưng không chủ quan, thỏa mãn", Tổng bí thư nhắn nhủ.
Nhắc lại trí thức, nhân tài chính là nguyên khí của quốc gia, là vốn quý của dân tộc, văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng, Tổng bí thư mong hơn lúc nào văn nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, sáng tạo các tác phẩm phản ánh chân thực đời sống.
Tâm sự thêm với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ, Tổng bí thư nói thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có nhiều điều để nói, để viết, nhưng nói, viết như thế nào?
"Nhiều người thường bảo văn nghệ phải là nơi chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Văn nghệ bồi dưỡng nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó, để xứng đáng với kỳ vọng mới của nhân dân.
Đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. Không bằng lòng với những gì chúng ta đã làm được trong quá khứ, các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân đi xa hơn, vững vàng hơn, phải hòa nhịp đập với trái tim dân tộc.
Không lấy tiểu xảo để thay cho tài năng, nhìn đời bằng con mắt chật hẹp. Thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản là thú vui giải trí, một cuộc chơi tầm thường. Mà phải có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi được xa và bền vững" - Tổng bí thư nhắn nhủ các văn nghệ sĩ trẻ.
Tổng bí thư đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luôn luôn cổ vũ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp.
Ông khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng vững chắc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
Văn nghệ sĩ biết ơn nhân dân, đồng bào
Đọc diễn văn kỷ niệm, PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam kể từ khi thành lập vào ngày 25-7-1948 tại xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, với tên gọi Hội Văn nghệ Việt Nam.
Ngay từ khi mới thành lập, lớp văn nghệ sĩ đã luôn thấm nhuần những quan điểm về văn hóa văn nghệ và văn nghệ sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tư tưởng kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng…
Qua 75 năm với ba tên gọi, đến nay Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam có 4 vạn văn nghệ sĩ sinh hoạt trong 10 hội trung ương và 63 hội ở 63 tỉnh, thành cả nước.
Các văn nghệ sĩ luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, góp phần xứng đáng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Kỷ niệm 75 năm thành lập, người đứng đầu Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn với các văn nghệ sĩ tiền bối.
Đặc biệt biết ơn nhân dân, đồng bào, đồng chí đã đồng cam cộng khổ, bao năm chở che đùm bọc văn nghệ sĩ để họ được sống và làm việc trong lòng nhân dân, phục vụ đất nước, nhân dân. Biết ơn bạn bè quốc tế, văn nghệ sĩ Việt kiều quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài…
Qua 75 năm, giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý:
Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 1987, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2008, Huân chương Sao vàng năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tính đến tháng 5-2023, đã có 136 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 665 văn nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước, hàng trăm văn nghệ sĩ được trao tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, các huân chương cao quý, 452 văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, 2.921 nghệ sĩ ưu tú…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận