Tuổi Trẻ xin lược ghi và chia sẻ cùng bạn đọc.
1. Một đêm cuối năm 1968, trời rất lạnh. Trong một căn nhà lá nhỏ nơi sơ tán dưới chân núi Tam Đảo của Ban Chính trị Trung đoàn 202 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, tôi trùm chăn, vặn nhỏ đèn ngồi đọc tạp chí nghiên cứu văn học số mới nhất.
Trong số tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 11 năm 1968 đáng nhớ ấy, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài Phong vị dân ca, ca dao trong thơ Tố Hữu của một tác giả trẻ xuất hiện lần đầu với bút danh Nguyễn Phú Trọng.
Tôi rất bất ngờ, vì đây là một tác giả trẻ mà có một bài nghiên cứu rất công phu, nhiều phát hiện tinh tế, thể hiện một khả năng thẩm thấu và phẩm bình thơ rất già dặn.
Đây phải là người rất yêu và rất hiểu thơ Tố Hữu đã đành, mà còn phải rất thuộc và rất am tường về dân ca, ca dao.
2. Đến năm 1994, khi công tác tại tuần báo Văn Nghệ, tôi mới may mắn được gặp tác giả Nguyễn Phú Trọng lần đầu trong hội thảo về tác phẩm Văn hóa và Đổi mới của bác Phạm Văn Đồng mà báo Văn Nghệ được giao tổ chức.
Cuộc hội thảo tác phẩm Văn hóa và Đổi mới được tổ chức sau đó không lâu, trong 76 bài tham luận gửi đến, tôi lại gặp tác giả Nguyễn Phú Trọng với tham luận "Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa". Đến lúc ấy tôi mới biết tác giả đang là phó tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản.
Đó là một bài viết rất hay và đương nhiên có trong chương trình chính thức của hội thảo.
Đến buổi chiều thì bác Phạm Văn Đồng đến dự. Vì nhiều lý do khách quan, thời lượng chương trình bị ảnh hưởng, rất tiếc tác giả Nguyễn Phú Trọng không có cơ hội trình bày bản tham luận của mình. Kết thúc hội thảo, tôi phải đến xin lỗi và mong được thông cảm.
Anh Nguyễn Phú Trọng bắt tay tôi, cười rất thoải mái: "Chúc mừng hội thảo thành công. Tôi rất thông cảm với ban tổ chức!". Nụ cười cởi mở và cái bắt tay thân mật của anh làm tôi nhẹ hẳn nỗi băn khoăn thường gặp của người làm tổ chức hội thảo.
3. Tháng 3 năm 1995, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị và được phân công phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng.
Trước ngày tổ chức hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 5, tôi lên Văn phòng Trung ương Đảng kính mời đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo vào phiên khai mạc.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tôi rất thân mật. Sau lời thăm hỏi, đồng chí xem lịch công tác và cho hay không thể đến dự khai mạc rồi hỏi đến dự bế mạc được không.
Rồi hôm bế mạc, bài nói của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với hội nghị không dài. Nhưng những lời phát biểu ấy khiến mọi người ấn tượng và còn nhớ mãi.
Đồng chí nói: "Chúng ta thường nói văn học phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Văn học bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.
Mong sao các nhà văn trẻ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân. Đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình...".
Từ đó, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, bài học từ những thế hệ trước để lại là khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp trái tim mình cùng trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại với cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn chương như thú vui giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường.
4. Trong ba nhiệm kỳ làm tổng bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành nghị quyết 33 (ngày 9-6-2014) về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Sau 5 năm ban hành nghị quyết, Tổng bí thư lại chủ trì hội nghị Bộ Chính trị tiến hành tổng kết việc đưa nghị quyết vào cuộc sống và ban hành kết luận 76 tiếp tục thực hiện nghị quyết 33.
Từ khi nhận trọng trách Tổng bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cho khôi phục lại việc tổ chức cuộc gặp mặt các nhà khoa học và văn nghệ sĩ tiêu biểu nhân dịp Tết và đích thân Tổng bí thư dự chủ trì, lắng nghe những ý kiến của các nhà trí thức văn nghệ sĩ.
Các dịp Tết đó, Tổng bí thư còn dành thời gian đến chúc Tết gia đình các nhà khoa học và văn nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác nhau khiến ai cũng cảm động.
Có một việc làm còn ít người biết đến đó là việc Ban Bí thư ban hành quyết định tạm thời trợ cấp cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu gặp khó khăn trong đời sống khiến giới khoa học, văn học nghệ thuật hết sức phấn khởi và cảm động.
Ngày 16-6-2024, tôi đến số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với sự ngỡ ngàng và vui mừng về sự bề thế, to đẹp của trụ sở mới của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Chúng tôi định bụng sẽ bàn nhau và mời Tổng bí thư đến thăm trụ sở mới, nhưng việc chưa kịp làm thì đồng chí đã đi xa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận