Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 15-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 18 đến 20-8. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Quan hệ thực chất nhất từ trước đến nay
Trả lời báo chí về chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định đây là hoạt động đối ngoại "đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo".
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Trung Quốc đã thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Nhìn lại sau hơn 30 năm bình thường hóa, đặc biệt là sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có "những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực".
Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10-2022 và chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12-2023, hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn", mở ra chương mới cho quan hệ song phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.
"Hai bên đều đánh giá quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay", ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Trong đó trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp từ trung ương đến địa phương được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, qua đó góp phần tăng cường tin cậy chính trị và tạo xung lực mới cho các cấp, các ngành hai bên.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có hai đoàn lãnh đạo chủ chốt gồm Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Trung Quốc. Ngoài ra, một số Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương Việt Nam cũng đã đến thăm Trung Quốc.
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư chứng kiến những con số ấn tượng như kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2024 tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 94,5 tỉ USD.
Số dự án FDI nửa đầu năm nay tiếp tục đứng đầu với 447 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỉ USD, trong khi du lịch phục hồi tích cực với bảy tháng đầu năm có 2,1 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, cao hơn cả năm 2023.
Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có tiến triển mới, với việc hai bên cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi, chanh leo,...
Giao lưu hữu nghị nhân dân được tăng cường, số lượng lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc lên tới hơn 23.000 người, cao gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết tình hình biên giới trên đất liền về tổng thể duy trì ổn định, tình hình Biển Đông cơ bản được kiểm soát tốt, đồng thời các cơ chế trao đổi, đàm phán giữa hai bên về vấn đề trên biển được duy trì thường xuyên.
Hai bên đang hướng đến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Thống nhất phương hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định hai bên đều rất mong đợi chuyến thăm và kỳ vọng sẽ đạt được những thành quả trên một số phương diện.
Điều đầu tiên phải kể ra đó là tiếp nối và phát huy hơn nữa xu thế phát triển tốt đẹp, thuận lợi của quan hệ Việt - Trung có được sau các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước thời gian qua.
Đồng thời duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, củng cố nền tảng tin cậy chính trị, tăng cường định hướng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong giai đoạn mới.
Hai bên cùng kỳ vọng sự thống nhất về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm xây dựng hiệu quả Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn" đã được hai bên nhất trí.
Trong đó trọng tâm là tiếp tục triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết, đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như kết nối đường sắt, thương mại nông sản, đầu tư chất lượng cao, tài chính tiền tệ, văn hóa - du lịch, giao lưu nhân dân,...
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, thông qua trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành và thực chất, hai bên sẽ cùng nhau xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước. Từ đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
"Tôi tin tưởng rằng với sự coi trọng đặc biệt và phối hợp chặt chẽ của cả hai bên, chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ thành công tốt đẹp, trở thành một mốc son mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận