15/11/2018 22:19 GMT+7

Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - 'Nếu em là nhạc sĩ em sẽ viết khúc ca, đem tấm lòng đàn em đến thầy cô yêu quý/Nếu em là văn sĩ em sẽ viết bài văn, về tấm gương thầy cô ngời sáng không phai mờ'. Những ca từ da diết là món quà các em khuyết tật gửi đến các thầy cô.

Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tặng bằng khen chúc mừng các thầy, cô giáo - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Tối 15-11 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018, vinh danh 48 thầy, cô giáo đang làm công tác giảng dạy học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội.

Nhiều thầy, cô giáo trẻ chọn ngã rẽ gian nan

Có mặt tại lễ tuyên dương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chân thành gửi lời tri ân đến những người thầy, người cô giáo có mặt hôm nay không chỉ mang đến kiến thức mà là tấm lòng, lẽ sống, ý thức vươn lên, có trách nhiệm với cộng đồng.

"Đặc biệt, các thầy cô giáo có mặt hôm nay, chắc tôi không phải nói thêm một lời nào nữa vì nói bao nhiêu cũng không đủ, ngoài nghị lực, kiên trì còn có tấm lòng bao la", ông Đam nói.

Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại chương trình - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Phó thủ tướng nhận "dù tuổi lớn" nhưng chân thành biết ơn các em học sinh dù khuyết tật vẫn luôn có khát vọng vươn lên trong học tập, nhiều tấm gương người khuyết tật làm được những việc mà người có điều kiện thuận lợi cũng không làm được.

Phó thủ tướng cũng chỉ ra thực tế, có 100 trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học thì chỉ có 6 trẻ được đến trường.

"Số trẻ được đến trường còn quá thấp. Điều này phải trở thành nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục trong thời gian tới", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cho rằng, để có được hạnh phúc thì điều cần thiết là có tri thức, phải được học tập. Phó thủ tướng đánh giá cao các trường phổ thông đón học sinh khuyết tật và đánh giá việc đón các cháu khuyết tật hòa nhập không chỉ là nỗ lực của các thầy cô giáo mà còn là nỗ lực của phụ huynh, học sinh, là trách nhiệm của toàn xã hội.

Đồng thời đánh giá cao nỗ lực của nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đã đồng hành, giúp các trẻ khuyết tật bằng nhiều hình thức, hỗ trợ họ trong công việc.

"Tôi vui mừng vì có nhiều thầy cô giáo tuổi đời còn trẻ, có nhiều sự lựa chọn khác nhưng lại chọn ngã rẽ gian nan là đi chung con đường với học sinh khuyết tật", Phó thủ tướng nói.

Những ước mơ lấp lánh

Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật - Ảnh 3.

Các em khiếm thị gửi đến món quà cho các thầy, cô giáo - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Hơn 22 năm gắn bó với trẻ em khuyết tật, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thái Bình) chưa bao giờ có ý nghĩ nghỉ sớm vì có tình yêu với nghề nghiệp. "Ngay từ khi còn học phổ thông, ước mong của tôi là trở thành một người giáo viên. Các em khuyết tật thực sự có nhiều tình cảm với các thầy cô, nhất là người trực tiếp dạy mình", cô Hiếu xúc động nói.

Cả hội trường xúc động trước món quà của các em khiếm thị ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Những ca từ như là lời tri ân đến những tấm gương thầm lặng: "Nếu em là nhạc sĩ, em sẽ viết khúc ca, đem tấm lòng đàn em đến thầy cô yêu quý/Nếu em là văn sĩ em sẽ viết bài văn, về tấm gương thầy cô ngời sáng không phai mờ".

Tôn vinh thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật - Ảnh 4.

Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Thay mặt thế hệ trẻ Việt Nam, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, gửi đến thầy, cô giáo lời tri ân nhân ngày 20-11.

Theo thống kê, tính đến nay có hơn 2,5 triệu trẻ em khuyết tật, Bí thư thứ nhất khẳng định đó là những mầm non cần được chăm sóc, dạy dỗ với tất cả tình yêu thương, là những ước mơ cần được nâng niu, chấp cánh để bay cao.

"Chúng tôi tự hỏi: "Vì sao các thầy cô lại lựa chọn con đường gian nan đến thế? Chúng tôi đã tìm được câu trả lời từ chính câu chuyện đời, chuyện nghề của các thầy, các cô. Có những người lựa chọn con đường này từ đầu vì sự cảm thương với những đứa trẻ thiệt thòi, mong muốn các em có cuộc đời ý nghĩa. Có những người đồng cảm với trò, khi đã gắn bó thì không chỉ 5 năm, 10 năm mà quyết tâm đi với các em trọn con đường trồng người của mình".

Bí thư thứ nhất nhấn mạnh các thầy cô giáo đang gắn bó với công tác giảng dạy những đứa trẻ này đều có chung lẽ sống: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?" và mong muốn lan tỏa câu chuyện đẹp của các thầy cô giáo.

Phó chủ tịch nước tôn vinh giáo viên dạy trẻ khuyết tật

TTO - Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, những thầy cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ngoài lòng yêu nghề còn có lòng yêu trẻ, kiên trì, tâm huyết và tình thương tha thiết.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên