
Giáo sư Trần Văn Giàu chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu thiếu nhi TP.HCM - Ảnh tư liệu
Sống trọn đại thọ 100 tuổi giữa nhân gian, nhà cách mạng - nhà hùng biện - nhà triết học - thầy của những nhà sử học - là những danh xưng mà mọi người thường gắn với cái tên Trần Văn Giàu khi nhắc đến những ngày Cách mạng tháng Tám ở miền Nam, nhắc đến những bộ sử được coi là kinh điển của Việt Nam thế kỷ 20.
Với mỗi danh xưng ấy, người ta đều thấy một con người Trần Văn Giàu lấp lánh.
"Tôi là một nhà cách mạng chuyên nghiệp"
Và khi nhắc về đời mình, ông Trần Văn Giàu luôn nói: những ngày ý nghĩa nhất chính là thời thanh niên sôi nổi với những "ước mơ siêu nhân" và những ngày rực lửa làm một "nhà cách mạng chuyên nghiệp", viết nên lịch sử ở Sài Gòn.
Là con út trong một gia đình nông dân ở Tân An, Long An, cậu Mười Ký (tên ở nhà của Trần Văn Giàu) được cha mẹ, anh chị hết lòng thương yêu, dồn sức lo cho ăn học.
12 tuổi, học hết cấp sơ học, tiểu học ở quê nhà, cậu trúng tuyển vào trường Tây Chasseloup Laubat và từ giã gia đình lên Sài Gòn, bước vào những cánh cửa mở rộng. Quê nhà nuôi cho cậu tình yêu thương gia đình, quê hương, đất nước, dạy cho cậu truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông thì những ngày học trường Tây mở cho cậu hiểu về tư tưởng dân chủ, tự do, độc lập.
Vừa học, cậu vừa bắt nhịp với những sinh hoạt sôi động của giới học sinh Sài Gòn, tham gia phong trào yêu nước của Phan Chu Trinh, nhanh chóng chọn cho mình một thần tượng chính là người đàn anh cùng trường, học trước mình nhiều khóa: nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.
Học theo Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu xin gia đình cho sang Pháp du học với lời hứa "sẽ mang về hai bằng tiến sĩ".
Rồi anh quyết định gia nhập Đảng Cộng sản khi đang học trường luật ở Toulouse (Pháp), quyết định dấn thân khi được học sinh, thanh niên, thợ thuyền người Việt ở đây cử lên Paris để tham gia cuộc biểu tình phản đối thực dân Pháp đàn áp khởi nghĩa Yên Bái dù cầm chắc sẽ bị đuổi học.
Anh đã quyết sẽ "trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp" với lòng tự tôn của người Việt Nam, ý thức trách nhiệm của một đảng viên Cộng sản. Trần Văn Giàu tham gia cuộc biểu tình, rồi bị đuổi học, trục xuất về nước. Cánh cửa đầu tiên mở ra đón cậu là Khám lớn Sài Gòn.
Thế mà Trần Văn Giàu đã có được một người cha, bà má và cô vợ trẻ tuyệt vời. Cha mẹ không hề la rầy vì chuyện bị đuổi học, chỉ dặn con: "Tận trung cũng là tận hiếu", gia đình vợ không thất vọng vì chàng rể sẽ không bao giờ còn có thể trở thành luật sư.
Tất cả đều thấm nỗi đau mất nước và hiểu con đường mà Trần Văn Giàu chọn. Ông thơ thới bước hẳn vào con đường làm cách mạng.
Trần Văn Giàu tìm đường quay lại Pháp, sang Liên Xô, rồi về nước. Và bị bắt, bị đày từ Khám lớn ra Côn Lôn (Côn Đảo), rồi lại quay về Khám lớn.
Đã quyết chí hy sinh tất cả cho lý tưởng, Tổ quốc, đồng bào, ông ung dung vào tù ra khám, lấy xà lim làm lớp học, giảng dạy lý tưởng cộng sản và quyết tâm độc lập cho anh em bạn tù. Danh tiếng "giáo sư đỏ" Trần Văn Giàu vang khắp các nhà ngục.
Năm 1940, lần thứ ba mãn hạn tù, ra khỏi Khám lớn, Trần Văn Giàu đã thấy cô vợ trẻ đứng chờ bên kia đường. Lần đầu tiên hai vợ chồng được nắm tay nhau đi dạo trên phố Sài Gòn là như thế. Về nhà, bà mẹ chỉ bầy gà giò nuôi sẵn chờ con trai về tẩm bổ. Niềm vui sum họp rộn rã được vỏn vẹn bảy ngày, lính lại đến.
Lệnh của thống đốc Nam Kỳ bắt tập trung những phần tử thuộc diện có vấn đề trong lúc Xứ ủy Nam Kỳ đang chuẩn bị khởi nghĩa. Bà má té xỉu. Người vợ trẻ té xỉu. Trần Văn Giàu bước đi, bụng bảo dạ "càng đứt ruột thì càng phải can đảm".

Góc triển lãm tư liệu về Trần Văn Giàu và Xứ ủy Nam Kỳ - Ảnh: L.ĐIỀN
Khởi nghĩa Nam Kỳ bị dìm trong biển máu. Trong căng Tà Lài, Trần Văn Giàu cùng các đồng chí mình lên kế hoạch vượt ngục để trở về gây dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào.
Sau này các học trò của ông tìm được một bản báo cáo của mật thám thành Vinh (Nghệ An) về ông: "Cực kỳ nguy hiểm. Hắn đi qua nơi nào, các tổ chức mọc lên ở nơi ấy". Nhận xét ấy chính xác.
Chỉ vài năm sau khi Trần Văn Giàu và các bạn của ông vượt ngục, các chi bộ lại xuất hiện ở khắp nơi, phong trào lại phát triển rộng khắp, bắt nhịp trùng khớp với những diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới, trùng khớp với những phong trào được Trung ương Đảng phát động ở ngoài Bắc dù khi ấy tổ chức Đảng ở hai miền hoàn toàn mất liên lạc.
Trần Văn Giàu vững tin mình không đơn độc, ông phân tích: "Người cộng sản sử dụng chung một phương pháp luận biện chứng sẽ dẫn đến những hành động giống nhau trong hoàn cảnh giống nhau".
Theo dõi tình hình Thế chiến 2, sự vào cuộc của phát xít Nhật và đầu hàng của thực dân Pháp, rồi tới sự thắng thế của quân đồng minh, đến lượt Nhật đầu hàng, Pháp lăm le quay lại, ông biết thời cơ đã đến.
Bản lĩnh của nhà cách mạng chuyên nghiệp được thể hiện trong những ngày mùa thu Sài Gòn. Tối 16-8-1945, trong một căn nhà ở làng Tân Nhựt ven sông Chợ Đệm, mấy tấm đệm bàng được trải xuống, một nồi cháo gà được bắc lên, hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng bắt đầu.
Phân tích tình hình, thảo luận điều hơn lẽ thiệt, nhưng đến tận trưa 17 quyết định khởi nghĩa hay không vẫn chưa ngã ngũ.
Thời cơ chín muồi nhưng bài học đẫm máu của khởi nghĩa Nam Kỳ còn đó. Các phái viên ra Bắc dự hội nghị trung ương vẫn chưa về. Hành động của Việt Minh ngoài Bắc vẫn bặt vô âm tín. Các địa phương đều sẵn sàng cho khởi nghĩa nhưng hội nghị vẫn buộc phải tạm dừng.
Sáng 21-8, các thành viên lại lần lượt đến điểm hẹn. Họp. Tranh cãi, căng thẳng. Cuối cùng hội nghị ra quyết định để Tân An (Long An) thí điểm cướp chính quyền trước nhất.
Sáng 23-8, đoàn đại biểu Tân An không trở lên Chợ Đệm bằng xe đạp, thay vào đó là một chiếc ô tô treo lá cờ đỏ sao vàng thật to. Chính quyền ở thị xã đã giành được không cần một tiếng súng.

Giáo sư Trần Văn Giàu trong một cuộc hội thảo - Ảnh tư liệu
Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba diễn ra chớp nhoáng với quyết định triển khai giành chính quyền ở Sài Gòn và miền Nam trong đêm 24-8. Một bữa cháo lòng Chợ Đệm nóng hổi, ngọt lành, "đã" tới tận bây giờ là món mà dân Chợ Đệm chiêu đãi những nhà lãnh đạo khởi nghĩa.
Từ chiều tối đến nửa đêm 24-8, thực hiện kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ, các công tư sở, nhà máy, xí nghiệp đồng loạt được đoàn viên công đoàn, thanh niên tiền phong, liên đoàn công chức… chiếm lĩnh một cách suôn sẻ, êm thắm, không gặp sự chống đối nào. Lá cờ đỏ sao vàng đã được thanh niên tiền phong kéo lên ở dinh khâm sai, nhà dây thép, nhà đèn, nhà máy nước, nhà thương…
Sáng 25-8-1945, Xứ ủy Nam Bộ đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình - tuần hành theo chủ trương của bí thư Trần Văn Giàu: chứng tỏ với trong nước và nước ngoài biết đây không phải một cuộc đảo chính mà là cuộc khởi nghĩa toàn dân nhằm giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do sau hơn 80 năm bị bóc lột. Hơn một triệu người đã tập trung trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), khán đài được dựng phía sau Nhà thờ Đức Bà. 9h30 sáng, lễ chào cờ được cử hành.
Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu tuyên bố: "Đồng bào! Quốc dân!
Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhựt, chúng tôi, Ủy ban lâm thời hành chánh, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ tuyên bố trước mặt hoàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng: chế độ cộng hòa dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam.
Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.
... Những trở ngại không ít, nhưng một chính phủ do toàn thể quốc dân ủng hộ, một chính phủ của dân chúng bao giờ cũng thắng.
Năng lực của dân chúng là vô tận.
... Chủ quyền về tay ta rồi nhưng còn phải chờ sức nỗ lực làm việc và phấn đấu của ta thì nó mới vững bền và rực rỡ".

Giáo sư Trần Văn Giàu trong ngày nhận danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 29-11-2002 - Ảnh: N.C.T.
Chính quyền non trẻ ra đời với ngồn ngộn công việc, với hứng khởi vô bờ, nhưng ai cũng biết trùng trùng hiểm nguy đang ở phía trước.
2-9-1945, 14h chiều, cùng với Hà Nội, Chủ tịch Trần Văn Giàu tổ chức Lễ Độc Lập. Không thu được sóng từ đài Hà Nội, ông ứng khẩu trên khán đài: "Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa".
Chỉ 20 ngày sau, ông đã phải tiếp tục triệu tập Hội nghị Cây Mai để ra lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến trước sự khiêu khích của quân Pháp: "Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục mà lại đã chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam.
... Đồng bào phải kiên quyết, giữ vững sự tin ở tương lai và lập tức thi hành những lời thề quả quyết trong ngày độc lập".
Sài Gòn tắt đèn, đóng cửa. Người Sài Gòn lần lượt rời khỏi thành phố. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Nhưng Trần Văn Giàu không được sát cánh cùng Sài Gòn, Nam Bộ trong cuộc kháng chiến này. Ông được gọi ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, rồi từ năm 1947 được tổ chức yêu cầu chuyển hướng sang hoạt động chuyên môn, giảng dạy. Con người khí phách ấy chấp nhận phân công không một lời thắc mắc.

Thầy trò trường Lê Quý Đôn thăm giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh: Tư liệu
Dòng sử nhỏ mồ hôi
Mấy mươi năm, tên tuổi của giáo sư Trần Văn Giàu vững như bàn thạch trong khoa học lịch sử. Ông là thầy của những người thầy: bộ tứ đầu ngành lịch sử: Lâm - Lê - Tấn - Vượng, giáo sư Hoàng Như Mai…
Ông rèn cho học trò mình ở Đại học Tổng hợp Hà Nội cách làm việc khoa học nghiêm túc, không ngừng nghỉ bằng những lời nhắc nhở cụ thể, bằng chiếc đồng hồ đặt trên bàn, bằng trà nước ngay nơi góc phòng, bằng những hộp sưu tầm tư liệu được cập nhật liên tục và bằng phong cách làm việc của ông. Cứ như thế, những công trình đã ra đời.
Đó là những công trình dày hàng ngàn trang nằm trong danh mục trích dẫn của hầu hết công trình nghiên cứu sau này về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.
Đọc bộ Giai cấp công nhân Việt Nam và Lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam mà ông tự mình viết từng chữ, từng trang, người đọc sẽ thấy những trang sử nhỏ từng giọt mồ hôi và cả máu của những năm tháng đầy biến động đau thương của dân tộc.
Sử của giáo sư Trần Văn Giàu không khô khan dù chăng đầy số liệu, không làm mỏi mắt người đọc dù dày đặc sử liệu, bởi từng trang, từng trang thấm đẫm tình cảm và sự cẩn trọng của giáo sư, của một người từng đích thân mình làm nên lịch sử.
Trải qua hai cuộc chiến tranh, đất nước hòa bình, thống nhất, giáo sư Trần Văn Giàu cùng vợ trở lại Sài Gòn - TP.HCM yêu thương của mình và sống ở đây thêm 35 năm. Mỗi ngày ông đích thân ngồi vào bàn, cầm bút nắn nót những dòng lịch sử. Mỗi ngày ông đến thư viện tìm kiếm sử liệu.
Ông viết sách, viết báo, giảng dạy, hướng dẫn, không để một ngày nào là một ngày vô ích. Ông nghiêm khắc nhưng lại rất tin tưởng học trò mình: "Cái nghiệp của người nghiên cứu như con trâu kéo cày. Kéo cho đến khi sức tàn lực kiệt mới chịu gục ngã trên luống cày. Nhưng khỏi lo ruộng cày dang dở, con cháu sẽ kéo cày tiếp, kéo hay hơn là cái chắc".

Ông Võ Văn Hoan đến thăm gia đình cố giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Một ngày kia ông bán căn biệt thự ở trung tâm thành phố, dọn đến một căn nhà nhỏ hơn, xa hơn. Khoản tiền vàng dư ra, ông lập Quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu, quy định mỗi năm trao thưởng cho các công trình nghiên cứu lịch sử miền Nam, lịch sử tư tưởng miền Nam.
Đến nay, mỗi năm các học trò ông vẫn thực hiện công việc bình chọn, phản biện thật nghiêm cẩn để tìm ra những tác phẩm có hàm lượng lịch sử khoa học và trung thực nhất, như ông từng yêu cầu. Kho sách đồ sộ mà ông dành cả đời sưu tầm, gìn giữ cũng được trao tặng để làm nguồn tham khảo cho đời sau.
TP.HCM đã chọn con đường tỉnh lộ 10 để đặt tên Trần Văn Giàu, ghi dấu 100 năm ông để lại cho đời, cho đất nước, cho thành phố của mình: những ngày cách mạng rực lửa, những bộ sử đồ sộ ngồn ngộn tư liệu sống, những buổi hùng biện hừng hực đam mê, cách sống tận tụy, tận hiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận