Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã “nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh anh chị em khuyết tật, những người vượt qua rất nhiều khó khăn, vượt lên số phận vươn lên làm chủ bản thân, là niềm tự hào của gia đình, của quê hương và đất nước. Tôi bày tỏ sự khen ngợi và tình cảm thân thương, trìu mến nhất đối với các cháu mồ côi, các cháu đã chịu nhiều thiệt thòi nhưng không vì thế mà mềm lòng vẫn vươn lên với những hoài bão ước mơ…”.
Chủ tịch nước mong trẻ em mồ côi, người khuyết tật tiếp tục nỗ lực, cố gắng vươn lên, làm nhiều việc tốt hơn nữa cho bản thân mình và cho xã hội. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với các nhà bảo trợ, các Đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã có những nghĩa cử cao đẹp, lòng hảo tâm giúp đỡ những trẻ mồ côi, người khuyết tật VN.
Theo Chủ tịch nước, đất nước còn khó khăn, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước cũng dành sự quan tâm, hỗ trợ hết mức cho trẻ mồ côi, người khuyết tật. Chủ tịch nước cũng đề nghị các địa phương, ban ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa, làm tốt hơn nữa để động viên, chăm sóc, hỗ trợ trẻ mồ côi, người khuyết tật kể cả vật chất lẫn tinh thần…
Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN, năm 2012, nhà nước đã dành 5.600 tỷ đồng để thực hiện trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội, với trên 2,65 triệu người ở cộng đồng và trên 42.000 người ở các cơ sở bảo trợ xã hội. Về phần Hội, ba năm qua các cấp Hội cũng đã vận động quyên góp, tiếp nhận 555,5 tỷ đồng để triển khai hàng loạt chương trình, như: mổ mắt miễn phí gần 20.000 ca, phẫu thuật chỉnh hình cho hơn 4.000 người, tặng 30.000 xe lăn, xe lắc, xe đạp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, tặng trên 22.000 suất học bổng…
Hội nghị vô cùng xúc động trước những tấm gương vượt khó vươn lên, như Nguyễn Công Hoàng (Vĩnh Phúc), bị tai nạn gãy cổ, liệt tứ chi nhưng vẫn vươn lên học hành, thành lập Trung tâm tin học, giúp tám người cùng hoàn cảnh có việc làm với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trương Quang Y (Bắc Ninh) là người khuyết tật nhưng vẫn lập cơ sở sản xuất thu hút 20 lao động. Phương Nam (Bình Phước), liệt chân nhưng vẫn học giỏi, tốt nghiệp ĐH Y và nay trở thành bác sĩ giỏi của bệnh viện đa khoa Bình Phước. Nguyễn Thị Kim Chi (TP.HCM), nạn nhân chất độc da cam nhưng vẫn học giỏi, đỗ 2 trường ĐH và hiện công tác trong ngành thuế TP.HCM. Tu sĩ Hồ Thị Duyên Nhi (Đồng Nai) mở cơ sở nuôi dưỡng trên 1.000 trẻ mồ côi, người khuyết tật suốt từ năm 1983 đến nay. Đã có trên 100 đối tượng mồ côi ở cơ sở này đã tốt nghiệp ĐH, CĐ trở thành những bác sĩ, giáo viên, kỹ sư…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận