Ngày 11-9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có văn bản gửi Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt - Trại Mát gấp 10 lần trước đây.
Tăng giá vé tham quan ga Đà Lạt không hợp lý
Trước đó, Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn thông báo việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt - Trại Mát từ ngày 1-10 tới. Du khách khi tham quan ga Đà Lạt (TP Đà Lạt) sẽ phải trả giá vé vào cổng 50.000 đồng/lượt so với mức 5.000 đồng hiện nay.
Theo thông báo, việc tăng giá vé dựa trên quyết định công nhận ga Đà Lạt là điểm du lịch của UBND tỉnh Lâm Đồng (nhiều năm qua, ga cổ này hoạt động du lịch với cơ chế của ngành vận tải). Mục tiêu của việc tăng giá vé là để đảm bảo nguồn lực duy tu, bảo tồn và nâng cấp cơ sở hạ tầng của nhà ga, đáp ứng các tiêu chuẩn di sản quốc gia và nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Quyết định của Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn gặp phải sự phản ứng mạnh của du khách và người làm du lịch. Đa số các ý kiến phản hồi về việc tăng giá vé cho rằng không phù hợp với mức độ đầu tư, trải nghiệm và chất lượng sản phẩm du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn cân nhắc, điều chỉnh mức thu phí để phù hợp với du khách khi đến tham quan tại đơn vị thời điểm hiện tại.
Sở cũng đề nghị đơn vị đã nêu cần xây dựng lộ trình, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đề xuất phương án tối ưu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tránh dư luận xấu đến nỗ lực xây dựng hình ảnh thương hiệu của di tích kiến trúc ga Đà Lạt trong suốt thời gian qua.
Không nên lấy di sản ga Đà Lạt để tận thu
Quan điểm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng dựa trên mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững gắn liền với quan điểm "tăng trưởng xanh" trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch.
Trong đó, tập trung vào việc khai thác các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh; thành phố Festival hoa duy nhất của Việt Nam, là thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí của cả nước và đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản.
Anh Trần Nhân (hướng dẫn viên tại TP.HCM) cho biết hầu như đoàn khách nào anh cũng đưa đi ga Đà Lạt. Theo anh, việc tăng giá vé vào cổng từ 5.000 lên 50.000 đồng không gây sốc, nhưng một đơn vị xác định làm du lịch mà không có đầu tư gì thêm cho sản phẩm của mình, không cơ cấu giá sản phẩm theo hướng phù hợp với khách hàng mà đùng một phát tăng giá vé thì du khách có thể nghĩ họ không được tôn trọng, hoặc đang tận thu ga Đà Lạt.
"Do đó, ngành đường sắt nên chứng minh việc tăng giá vé hợp lý", anh Nhân đề nghị.
Đại diện một công ty du lịch lớn tại Đà Lạt cho hay giá vé tăng lên 100.000 đồng hay nhiều hơn nữa cũng không phải vấn đề. Vấn đề là sự hợp lý khi tăng giá: có gì mới hơn, có gì thêm cho du khách. Nói chung, giá sản phẩm du lịch tăng thì trải nghiệm cũng tăng.
"Du khách có thể không chấp nhận và họ có thể không đến thăm ga Đà Lạt. Họ mất cơ hội tham quan di sản độc đáo của quốc gia. Còn đơn vị sở hữu ga Đà Lạt thì mất nhiều hơn giá trị một tấm vé", vị này nói.
Ga Đà Lạt là di tích cấp quốc gia
Ga Đà Lạt thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) với vai trò là doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đang được Nhà nước giao sử dụng và khai thác tuyến Đà Lạt - Trại Mát để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ga đường sắt Đà Lạt là nhà ga cổ nằm gần trung tâm thành phố Đà Lạt, được người Pháp xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938 thì hoàn thành, đây là ga đầu mối trên tuyến đường sắt từ Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt.
Di tích kiến trúc ga Đà Lạt đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc cấp quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận