Nhiều người tổn thương thận vì nhiễm giun chó mèo
Mới đây, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ 67 tuổi nhiễm giun đũa chó mèo có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 kiểm soát kém.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt, đường huyết cao. Qua xét nghiệm các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc hội chứng thận hư.
Ban đầu bệnh nhân này nghi mắc phải hội chứng thận hư trên nền đái tháo đường, tuy nhiên vì bệnh diễn tiến nhanh, bệnh nhân phù người nhiều, tăng ký tích nước nên được các bác sĩ cho làm xét nghiệm thêm để đánh giá.
Kết quả cho thấy bệnh nhân mắc phải hội chứng thận hư do giun đũa chó mèo.
Các bác sĩ cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc trị ký sinh trùng, đồng thời kiểm soát đường huyết và huyết áp.
Sau khi điều trị bệnh nhân giảm hơn 10kg, tình trạng tổn thương thận được cải thiện hiện, bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục tái khám và theo dõi.
Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân nam T.N. (39 tuổi) được các bác sĩ chẩn đoán mắc phải hội chứng thận hư đã sáu tháng, điều trị không đáp ứng.
Anh N. nhập viện vì sốt nhẹ, tiêu chảy, phù chân trái tăng dần. Khi xét nghiệm tầm soát thì phát hiện nhiễm Toxocara IgG pos (giun đũa chó mèo), tuy nhiên bệnh nhân không ngứa da.
Sau hai ngày được điều trị bằng thuốc trị giun sán, bệnh nhân hết sốt và tiêu chảy. Hai tháng sau, hội chứng thận hư đã ổn định và tiếp tục được tái khám định kỳ.
Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy - trưởng khoa nội thận lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - cho hay gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca mắc phải hội chứng thận hư do giun sán, thường nhiễm giun đũa chó mèo và nhiễm giun lươn.
Độ tuổi nhiễm giun từ rất trẻ cho đến rất già, may mắn những trường hợp khi phát hiện điều trị hội chứng thận hư do nhiễm giun sán được cải thiện.
Nhiều người nhiễm giun khó điều trị
Bác sĩ Đan Thùy cho biết thêm, hội chứng thận hư là tình trạng thận không giữ được đạm, gây thất thoát đạm qua nước tiểu, giảm albumin trong máu và gây ra tình trạng thiểu niệu (tiểu ít) và bệnh nhân sẽ bị phù. Đồng thời, mất kháng thể bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Hội chứng thận hư bao gồm hai nguyên nhân là nguyên nhân vô căn (không tìm ra nguyên nhân), nguyên nhân thứ phát do bệnh ung thư (đại tràng, phổi…), các bệnh lý miễn dịch, nhiễm các ký sinh trùng, viêm gan B…
Thời gian gần đây, hội chứng thận hư do nhiễm giun sán gặp khá phổ biến.
“Trứng giun sán thường nằm trong môi trường đất, người nhiễm giun sán do ăn phải thức ăn nhiễm trứng giun hoặc ăn phải những con vật có chứa giun sán do không được nấu chín.
Hoặc trứng giun đi vào cơ thể qua đường da do tiếp xúc với đất. Sau khi nhiễm trứng sẽ phát triển thành ấu trùng và lan tới các cơ quan trong cơ thể”, bác sĩ Thùy cho hay.
Theo bác sĩ Thùy, hội chứng thận hư do giun sán thường gặp là do nhiễm giun lươn, giun đũa chó mèo, sán máng và các ký sinh trùng khác…
Hội chứng thận hư do giun sán thường có các biểu hiện như: ngứa, phát ban, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khó thở…
Điều trị hội chứng tùy thuộc vào mức độ nhiễm giun đó, nếu giun lan tràn đến các cơ quan như não hoặc mắt sẽ khó điều trị hơn.
Một số trường hợp khi điều trị đáp ứng tốt, tuy nhiên có trường hợp phải sử dụng các biện pháp ức chế miễn dịch, rất khó điều trị.
Phòng ngừa nhiễm giun đũa chó mèo ra sao?
Bác sĩ Thùy khuyến cáo để phòng ngừa hội chứng thận hư do giun sán cần xổ giun cho chó mèo định kỳ, có khu vực vệ sinh cho chó mèo riêng và cẩn trọng khi tiếp xúc.
Đồng thời, cần cẩn thận trong vấn đề ăn uống, đặc biệt là rau sống, chú ý những thức ăn hay nhiễm giun như ốc chưa được nấu chín.
Bên cạnh đó, khi có những triệu chứng ngứa, nổi sẩn ở da, rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy xen kẽ cần đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận