Trên cơ sở phân tích báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, hoạt động trong 10 nhóm ngành cụ thể, báo cáo chỉ ra từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu các ngành giảm từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là bất động sản và xây dựng.
Khó khăn tồn kho tạo áp lực lớn
Đến quý 2-2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, chỉ có ngành công nghệ thông tin là tăng quy mô.
Dù niêm yết nhưng doanh nghiệp Việt có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay. Vì vậy khi huy động vốn khó khăn, ngay lập tức doanh nghiệp gặp khó khăn và dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp, tồn kho tăng lên nhiều lần.
Riêng doanh nghiệp bất động sản, hàng tồn kho tăng. Với tình hình bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.
Trước tình hình đó, Ban IV cho rằng các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua tiếp cận vốn, giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo dòng tiền ngắn hạn đến nửa đầu năm 2024.
Cụ thể, về chính sách tiền tệ, khảo sát của doanh nghiệp cho thấy lãi suất cho vay phải giảm thực sự để hỗ trợ. Vì hiện nay lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước; ngân hàng cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng, chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp. Ưu tiên lãi suất thấp cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là thời điểm phải “khoan thư sức dân”
Trong bối cảnh nội lực của doanh nghiệp suy yếu, lại phải đối mặt nhiều khó khăn do tổng cầu giảm, cần xem xét chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu. Gồm đẩy mạnh đầu tư công, tập trung cơ sở hạ tầng lớn, phát triển nhà ở xã hội...
Xem xét các giải pháp giãn, giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp vì đây là thời điểm phải “khoan thư sức dân”.
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cũng mong muốn không ban hành các quy định làm phát sinh các loại phí, chi phí mới. Với khoản thu “kinh phí công đoàn” đang chiếm 2% quỹ lương, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét sửa quy định, cho doanh nghiệp giữ lại toàn bộ 2% này trong ít nhất 2 năm tới, các năm tiếp theo cũng giảm dần mức đóng góp cho công đoàn cấp trên.
Ngoài ra, để giải quyết một cách dài hạn các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, một trong các giải pháp cần đặc biệt lưu tâm là phát triển thị trường vốn hiện đại, đáp ứng chuẩn mực quốc tế nhằm dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tránh để tăng trưởng quá phụ thuộc vào tín dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận