Tôn giáo & kinh tế học

HẢI MINH 26/06/2024 10:12 GMT+7

TTCT - Nói chuyện kinh tế của tôn giáo dễ mắc tội báng bổ nhưng như mọi hoạt động xã hội, hoạt động tôn giáo, dù siêu thoát cao vợi đến đâu, cũng (đành phải) có những nền tảng kinh tế nhất định.

Tôn giáo & kinh tế học- Ảnh 1.

Tất nhiên là cảm giác choáng ngợp vì đức tin hay những khoảnh khắc đốn ngộ nhiệm màu không thể so sánh ngang hàng với các sản phẩm hay dịch vụ được mua bán bình thường. 

Nhưng trước khi lên đến thiên đường hay các cõi xa xăm, hoạt động tôn giáo trước hết phải diễn ra nơi trần thế và nếu coi đó là một sản phẩm - dịch vụ đặc biệt của đời sống thì nó đã thành công ngoài dự kiến.

Adam Smith nói gì về tôn giáo

Đó là lập luận của giáo sư người Anh Paul Seabright (Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse, Pháp) trong cuốn sách đáng chú ý mới in tháng 5-2024, The Divine Economy: How Religions Compete for Wealth, Power and People (Nền kinh tế linh thiêng: Các tôn giáo cạnh tranh về của cải, quyền lực và con người như thế nào), được điểm trên báo The Economist số hạ tuần tháng 5 vừa rồi.

Những yếu tố kinh tế của tôn giáo đã được tìm hiểu từ thời của ông tổ kinh tế học hiện đại Adam Smith. 

Ông viết trong cuốn The Wealth of Nations lừng danh: "thu nhập [của nhà thờ]" làm lợi cho giáo hội và giới tăng lữ, đôi khi không chỉ phản ánh tình yêu Chúa hay Thượng đế, mà bởi cả "động cơ tư lợi mạnh mẽ". 

Smith cũng lập luận rằng nếu các yếu tố thị trường vận hành tốt hơn với những tổ chức và cá nhân cung cấp "dịch vụ" tôn giáo, thì các tôn giáo cũng sẽ trở nên hòa hợp hơn.

Nhưng ngay cả ngày nay, thống kê chính thức về quy mô kinh tế của các tôn giáo cũng khó tìm vì nhiều lý do. 

Đó là những hoạt động phức tạp, không chỉ khu biệt ở một địa phương hay như một ngành nghề cụ thể, với những giao cắt và chồng lấn cùng tình trạng nhiều khi không rõ ràng về quản lý tài chính hay thuế, khiến tôn giáo là lĩnh vực khó tính toán sòng phẳng chuyện tiền nong.

Ảnh: humanprogess.org

Ảnh: humanprogess.org

Quy mô lớn

Chúng ta có thể xem qua vài con số đại khái.

Theo The Economist, giáo hội Mormon ở Mỹ là chủ đất tư nhân lớn nhất nước này. 

Nghiên cứu năm 2016 đăng trên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với các tổ chức có tính cách tôn giáo (bao gồm tổ chức phi lợi nhuận có xu hướng tôn giáo) ở Mỹ cho thấy họ có tổng doanh thu 378 tỉ đô la một năm, tức hơn tổng doanh thu của Apple và Microsoft cộng lại (và đáng nói là họ thường không phải đóng thuế như các doanh nghiệp. 

Cũng nghiên cứu đấy cho biết đóng góp của hoạt động tôn giáo vào nền kinh tế Mỹ là 1,2 nghìn tỉ đô la, "nhiều hơn 50% so với tổng doanh thu của 6 công ty dầu khí lớn nhất nước Mỹ cộng lại".

State of the Global Islamic Economy Report (Báo cáo Tình trạng kinh tế toàn cầu của Hồi giáo, đăng trên Sharia Knowledge Center) thì cho biết tài sản tài chính mà các tổ chức Hồi giáo đang nắm giữ vào năm 2019 trên toàn cầu giá trị tương đương 2,88 nghìn tỉ đô la.

Với Công giáo La Mã, riêng tổng giáo phận Cologne ở Đức, theo Reuters năm 2015, có tổng tài sản đã là 3,8 tỉ đô la. (Con số tổng cộng khó thống kê hơn nhiều nhưng khó thể là nhỏ với một tôn giáo có 1,36 tỉ người theo trên toàn cầu).

Các con số của Phật giáo và những tôn giáo phương Đông khó tìm và có lẽ cũng khó xác định hơn do tính chất thường phân tán của các tôn giáo này. 

Tuy nhiên, một tính toán ở Nhật (trên trang greenshinto.com) cho thấy chỉ trong ba ngày lễ đầu năm mới, hai ngôi đền Thần đạo lớn nhất nước, đền Meiji ở Tokyo và Naritasan Shinshoji ở tỉnh Chiba, thu về số tiền cúng dường (ở Nhật gọi là saisen) xấp xỉ 9 triệu đô la mỗi đền.

Đền Meiji ở Tokyo ngày đầu năm mới. Ảnh: The Japan Times

Đền Meiji ở Tokyo ngày đầu năm mới. Ảnh: The Japan Times

Từ góc nhìn kinh tế học

Trở lại với cuốn sách của giáo sư Seabright, ông phân tích kinh tế tôn giáo trên cơ sở coi đó là những "nền tảng" cung cấp dịch vụ "để gắn kết các mối quan hệ". Nói chung, nhìn nhận kiểu Seabright chưa nhiều, ngay cả ở quy mô quốc tế. 

Những chuyện thiêng liêng và tâm linh, cũng là dễ hiểu, thường là lĩnh vực của các nhà thần học hay học giả tôn giáo hơn là các kinh tế gia. 

Ý tưởng trộn lẫn kinh tế học trần tục với giáo lý và đức tin cao cả "thật lạ lùng, và có thể là báng bổ", theo giáo sư kinh tế học Laurence Iannaccone ở Đại học Chapman (California, Mỹ).

Nhưng tôn giáo, như các con số đã nêu cho thấy, thực sự là một lĩnh vực kinh tế học quan trọng của gần như mọi xã hội. 

Họ cũng có "sản phẩm" và "dịch vụ" - gồm cảm giác an yên, đáp ứng các nhu cầu quần tụ xã hội, được quan tâm hỗ trợ, được cứu chuộc hay siêu thoát...; cũng có mạng lưới "nhà cung cấp" - những giáo hội, người hướng dẫn tu tập, thầy giảng, đức cha, mục sư, thầy tư tế, hòa thượng...; cũng được truyền theo các mạng lưới thương mại hàng hóa và dịch vụ - mọi tôn giáo lớn trong lịch sử đều đã mở rộng như vậy.

Dẫu vậy sau Smith, mãi tới những năm 1970 một số kinh tế gia mới bắt đầu tiếp cận tôn giáo từ quan điểm học thuật. Cách tiếp cận mới này soi rọi một số tri kiến lên những dữ kiện cũ. 

Khi các sử gia nói về phong trào Kháng cách Tin lành châu Âu thế kỷ 16, họ thường nói về "thuyết biến thể" (transubstantiation) trong khi các kinh tế gia, với khuôn khổ lý thuyết của họ, đơn giản mô tả đó là khi "nhà cung cấp độc quyền" (Giáo hội La Mã) bị thách thức bởi một nhà cung cấp khác, rồi sau đó là nhiều nhà cung cấp cạnh tranh nhau của các hệ phái Tin lành khác nhau, dẫn tới "chi phí dịch vụ" giảm xuống (ví dụ như không phải đóng tiền mới được xá tội hay cúng dường mới được hưởng phước chẳng hạn). 

Góc nhìn "hiệu suất kinh tế" cũng có thể áp dụng cho quá trình chuyển đổi từ tôn giáo đa thần ở châu Âu thời Hy Lạp - La Mã cổ đại sang tôn giáo độc thần sau này; hay kể cả giải thích những sự kiện thời sự như xung đột Ấn giáo (đa thần) - Hồi giáo (độc thần) ở Ấn Độ hiện giờ.

Cũng từ góc nhìn kinh tế học, các cuộc ly giáo - Ki tô cổ điển chia làm Chính thống và La Mã, rồi Công giáo La Mã lại chia tách tiếp thành các phái Tin lành và Anh giáo (sau khi Vua Anh Henry VIII ly giáo vì La Mã không cho ông ly dị vợ); hay Hồi giáo tách thành Sunni và Shiite; Phật giáo thành Nam và Bắc tông - cũng có thể được nhìn nhận là những chia tách khó tránh khi một tổ chức hay giáo hội đã trở nên "quá lớn tới khó kiểm soát", phải chia tách để tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Tất cả những diễn giải đó không nhằm phủ nhận đức tin tôn giáo, mà chỉ là góc nhìn khác của một khoa học còn tương đối mới mẻ về hiện tượng đã nảy sinh và tồn tại có lẽ từ khi con người có ý thức tập thể.

Giáo hoàng La Mã Francis và Đại Giáo phụ Chính Thống giáo Bartholomew gặp nhau ở Jerusalem năm 2014, gần một thiên niên kỷ sau cuộc Đại Ly giáo 1054. Ảnh: learnreligions.com

Giáo hoàng La Mã Francis và Đại Giáo phụ Chính Thống giáo Bartholomew gặp nhau ở Jerusalem năm 2014, gần một thiên niên kỷ sau cuộc Đại Ly giáo 1054. Ảnh: learnreligions.com

Toàn cầu và địa phương

Giáo sư Seabright cũng đưa ra so sánh rất thú vị về hai "thương hiệu" tôn giáo phổ biến nhất thế giới (Ki tô và Hồi giáo), mà theo ông rất giống cách các chuỗi đại siêu thị hay thương hiệu bán lẻ toàn cầu dần thay thế cửa hàng tạp hóa địa phương. 

Tuy nhiên, điều mà Seabright nói chưa đủ là khả năng điều chỉnh và thích nghi của những tôn giáo lớn với thực tế địa phương; hay một hiện tượng khác đối nghịch: những tôn giáo địa phương xuất hiện và thành công nhờ kết hợp nhiều trào lưu tôn giáo - tư tưởng cả du nhập và bản địa (như đạo Cao Đài và nhiều nhánh tín ngưỡng có cơ sở Phật giáo ở Việt Nam chẳng hạn).

Tất nhiên, như trong kinh tế, các thương hiệu lớn thường có lợi thế về sản phẩm đồng nhất: Giáo hội Công giáo có các nghi thức lễ gần như thống nhất trên toàn cầu, dù là ở Philippines hay Mexico. 

Nguồn lực của họ dồi dào hơn để giữ chân và thu hút thêm tín hữu mới, nhất là khi đặt cạnh các tín ngưỡng nhỏ hơn, tài chính không bằng và với các vị thần linh địa phương. Trong kinh tế học, đó được gọi là "lợi thế kinh tế của quy mô". (Theo nghĩa này, các tôn giáo đã không còn nữa thất bại không chỉ vì vấn đề giáo lý mà trước hết là vì kinh tế và khả năng làm thương hiệu).

Những hiểu biết đó ngày nay càng quan trọng, bởi tôn giáo thực ra không hề thoái lui. Phương Tây (chủ yếu là châu Âu, hay Tây Âu) quả đã trở nên thế tục hơn nhưng Mỹ vẫn là một thành trì tôn giáo và xu hướng trên toàn cầu hoàn toàn khác ở châu Âu. 

Từ năm 1900 tới năm 2020, tỉ lệ người châu Phi theo Ki tô giáo tăng từ 9% lên gần một nửa; tỉ lệ người Hồi giáo ở đó cũng tăng từ 1/3 lên 40%. Xu hướng tương tự diễn ra ở hầu hết các nước đang phát triển, vốn vẫn là nơi chiếm đại đa số dân chúng toàn cầu.■

Ảnh: Happiness.com

Ảnh: Happiness.com

Nếu như giáo sư Seabright tiếp cận tôn giáo từ góc độ kinh tế học thì ở chiều ngược lại, nhiều tôn giáo cũng tư duy về kinh tế.

Lấy ví dụ, kinh tế học Phật giáo (Buddhist economics), qua lời kinh tế gia người Sri Lanka Neville Karunatilake là "hệ thống... có nền tảng là phát triển và hợp tác và nỗ lực hòa hợp để sống chung với tập thể. Tính ích kỷ và ham muốn thủ đắc phải bị loại bỏ nhờ phát triển con người".

Dễ hiểu là quan điểm này nghi vấn tiền đề "bản chất con người tư lợi" của kinh tế học. Bhutan, có quốc giáo là Phật giáo, cũng có chỉ số "hạnh phúc quốc gia" (GNH) thay cho tổng thu nhập quốc gia (GDP).

Tương tự, trong các mô hình kinh tế học Phật giáo, giá trị kinh tế thường được nhấn mạnh vào hoạt động kinh tế mang lại chất lượng sống cao hơn cho tất cả mọi người hay thân thiện với môi trường - cũng là những điều mà kinh tế học dòng chủ lưu đang ngày càng quan tâm nhiều hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận