08/08/2024 08:22 GMT+7

Tốn 5 tỉ đồng sơn sửa, chống vẽ bậy trên các cầu lớn

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

Nhiều công trình cầu, hầm chui, trạm xe buýt hay hàng ngàn nhà dân tại TP.HCM từ lâu đã trở thành nơi vẽ bậy cho các nhóm graffiti.

Các công nhân khắc phục vẽ bậy tại công trình cầu Ông Lãnh, quận 1 sáng 7-8 - Ảnh: TIẾN QUỐC

Các công nhân khắc phục vẽ bậy tại công trình cầu Ông Lãnh, quận 1 sáng 7-8 - Ảnh: TIẾN QUỐC

Với đồ nghề chỉ vài chai sơn, những người này thoắt ẩn hiện như bóng ma về đêm, để lại những hình ảnh xấu xí trên đường phố. Cơ quan chức năng phải tốn hàng tỉ đồng trong cả tháng ròng cho việc khắc phục chuyện này.

Những ngày gần đây, hàng loạt công trình cầu đường lớn tại TP.HCM đang được sơn khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Lớp sơn mới này cũng là "lớp áo" chống vẽ bậy.

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đảm nhận công việc này. Việc xóa những hình vẽ gây tốn kém kinh phí, công sức và thời gian khắc phục hơn cả khắc phục những hư hỏng khác.

Sáng 7-8, chúng tôi theo chân các nhân công thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ để ghi nhận quá trình tẩy xóa hình vẽ bậy, sơn lớp sơn bảo vệ tại cầu Ông Lãnh (quận 1). 

Để có thể tẩy xóa các hình vẽ theo kiểu graffiti trên bức tường, thành cầu bằng bê tông rất khó và phải tiến hành nhiều công đoạn. Một công nhân đứng trên chiếc thang cho biết: "Sơn này bám chặt lắm, phải dùng hóa chất để bôi chùi từng chút".

Trước tiên, anh vệ sinh sạch sẽ bề mặt bê tông bị vẽ bậy, sau đó dùng hóa chất đặc biệt để tẩy sạch nhất có thể các hình này. Tuy nhiên, việc xóa hình vẽ chỉ ở mức độ tương đối chứ không thể sạch hẳn. Kế tiếp là công đoạn quét sơn nền. Cuối cùng mới là sơn màu hoặc loại sơn chống vẽ bậy.

"Nhìn vậy chứ tốn công tốn sức lắm, chúng tôi phải dùng thang cao gần chục mét mới xóa được các hình này", vài công nhân khác cũng cảm thán.

Cách đây gần hai năm, sau sự cố tàu metro bị vẽ bậy, phóng viên Tuổi Trẻ đã thực hiện loạt bài tìm hiểu về vấn nạn vẽ bậy trên địa bàn TP.HCM, nhất là khu trung tâm. 

Qua hơn tháng theo dõi, chúng tôi phát hiện các đối tượng vẽ bậy này có cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Để có thể ra đường vẽ bậy, các nhóm đều đã luyện vẽ trên giấy. Họ hoạt động khá kín tiếng, chỉ biết nhau qua các nick name (tên ảo). Những người này xem việc vẽ bậy ở các công trình biểu tượng là cách để khẳng định mình trong giới.

Với hành trang đơn giản gồm chiếc balô nhỏ chứa vài chai sơn, những người này xuống đường về đêm, chỉ mất vài phút để bôi bẩn các công trình, nhà cửa. Và hậu quả để lại là mất mỹ quan đô thị và TP phải tốn hàng tỉ đồng khắc phục.

Gần 5 tỉ đồng xóa vẽ bậy

Theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tổng mức đầu tư của Dự án sơn sửa và sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn là gần 5 tỉ đồng trong thời gian từ năm 2023 đến năm 2024. Trong đó thời gian thi công từ 5-7 đến 20-8.

Loạt cầu đường lớn được sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ bậy bao gồm: cầu Bùi Hữu Nghĩa, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Trường Sa, hầm chui Văn Thánh (phía cầu Sài Gòn), hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm, hầm chui dưới cầu Bình Triệu, cầu Công Lý, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Hoàng Sa, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Khánh Hội, cầu Nguyễn Tri Phương.

Hàng loạt cầu đường tại TP.HCM được xóa hình vẽ bậy, khoác diện mạo mớiHàng loạt cầu đường tại TP.HCM được xóa hình vẽ bậy, khoác diện mạo mới

Nhiều cầu đường lớn tại TP.HCM đang được sơn chỉnh trang bằng loại sơn có chức năng chống dính, dễ dàng tẩy xóa khi bị vẽ bậy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên