VĐV Quách Thị Lan - Ảnh: NAM KHÁNH |
Số tiền khoảng 2 tỉ đồng này do Tổng cục TDTT và Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa đầu tư.
Đây đã là lần thứ ba VĐV Quách Thị Lan được đưa sang Mỹ tập huấn nhưng là lần đầu tiên người anh ruột của cô là Quách Công Lịch xuất ngoại đến Mỹ. Suốt một năm từ khi sang Mỹ tập huấn đến nay, thành tích của Lan và Lịch được báo cáo là không tiến bộ, VĐV bị tăng cân.
Tập huấn 1 năm, thành tích thụt lùi
Trước đó, Quách Thị Lan từng được đưa sang Mỹ tập huấn cùng tổ tiếp sức 4x400m nữ trước thềm Asiad 2014. Thành quả là cô gái Thanh Hóa đã có tiến bộ vượt bậc và giành tấm HCB Asiad nội dung 400m với thành tích 52 giây 06. Năm 2015, Lan tiếp tục được đưa sang Mỹ tập huấn để chuẩn bị cho SEA Games 28 diễn ra vào tháng 6. Tuy nhiên thời gian tập huấn này rất ngắn, cộng với việc Lan bị chấn thương nên cô không phát huy được khả năng tại SEA Games 28, chỉ giành được 1 HCV đồng đội tiếp sức 4x400m.
Sau SEA Games 28 vào giữa năm 2015, để chuẩn bị kế hoạch đầu tư dài hơi cho VĐV tham dự đấu trường Asiad, Tổng cục TDTT và Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đã lên kế hoạch tiếp tục đưa Lan sang Mỹ tập huấn. Dù chưa đạt chuẩn Olympic nhưng mục tiêu trọng tâm của Lan trong lần tập huấn này là chuẩn bị cho việc giành HCV Asiad 2018. Kinh phí cho chuyến tập huấn được Tổng cục TDTT, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cùng chi với số tiền khoảng 2 tỉ đồng.
Tháng 8-2015 Lan lên đường sang Học viện thể thao IMG tại bang Florida tập huấn, sau đó Lịch cũng lên đường đến Mỹ cùng em gái. Chuyên gia người Mỹ Loren Seagrave được thuê để dẫn dắt hai VĐV này trong quá trình tập luyện vì may mắn là cả hai VĐV đều tập nội dung 400m và 400m rào.
Tuy nhiên theo báo cáo của bộ môn điền kinh với lãnh đạo Tổng cục TDTT, thành tích của hai VĐV Lan và Lịch không được nâng lên, đã vậy họ còn bị tăng cân. Lan và Lịch cũng được chuyên gia Loren Seagrave đưa đi thi một số giải điền kinh tại Mỹ nhưng thành tích được báo cáo là thấp hơn những gì mà hai VĐV này làm được trước khi đến Mỹ.
... và anh trai Quách Công Lịch - Ảnh: NAM KHÁNH |
Tăng cân vì giảm khối lượng vận động?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT - cho biết với thành tích đi xuống như vậy nên Tổng cục TDTT phải đưa Lan và Lịch về nước để đánh giá hiệu quả chuyến tập huấn. Hơn nữa tiền cho chuyến tập huấn đến thời điểm này cũng đã hết, muốn tiếp tục đi Mỹ hay đi đâu cũng phải có tính toán giữa Tổng cục TDTT với Thanh Hóa.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nam - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa - cho biết việc hết thời gian tập huấn nên đưa Lan và Lịch về nước là do Tổng cục TDTT quyết định. Về phía Thanh Hóa, ông Nam cho biết Thanh Hóa không quan tâm đến thành tích thụt lùi hiện nay của hai VĐV.
Ông Nam nói: “Nếu Lan và Lịch có được đưa về VN thì họ cũng sẽ phải chuẩn bị để đi Mỹ tiếp vì chúng tôi đã làm kế hoạch, chuẩn bị kinh phí đầu tư cho họ tập huấn tại Mỹ đến năm 2018 để đạt mục tiêu giành HCV Asiad. Năm 2014, Lan đã có HCB Asiad và việc tập huấn hiện nay là để hiện thực hóa mục tiêu lâu dài chứ không phải lấy thành tích trước mắt. Vì thế chúng tôi không quan trọng thành tích hiện nay của Lan và Lịch”.
Ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh - cho biết theo báo cáo của chuyên gia Loren thì thành tích của Lan và Lịch có xuống một chút nhưng thể lực tăng lên đáng kể, kỹ thuật cũng hoàn thiện hơn. Lan, Lịch đang được đầu tư cho kế hoạch dài hơi, thời gian qua VĐV đang được sửa kỹ thuật nên phải giảm khối lượng vận động, tăng bài tập kỹ thuật. Điều đó khiến họ tăng cân nhưng cơ bắp và thể lực thì nâng lên rất nhiều.
Câu chuyện về thành tích của Lan và Lịch đang gây ra nhiều tranh cãi trong giới thể thao. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, ngành thể thao và Sở VH-TT&DL Thanh Hóa chi hàng tỉ đồng thì chuyến tập huấn này cần được đánh giá chính xác để tránh lãng phí và rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận