TTCT - Giới công nghệ có vẻ rất ấn tượng với cảnh sơn hàng rào trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Tom Sawyer sơn hàng rào, 1936. Minh họa của Norman Rockwell. Ảnh: Bảo tàng Norman RockwellTuần qua nhiều người đã phải tìm đọc lại Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876, Mark Twain), khi cậu bé nhân vật chính láu cá trong quyển tiểu thuyết từ thế kỷ 19 được nhắc đến trong cuộc "lời qua tweet lại" giữa 2 tên tuổi lớn đương đại - nhà văn Stephen King và ông chủ mới của Twitter, Elon Musk.Mới mua lại Twitter mà Musk đã gây xôn xao với kế hoạch thu phí người dùng có tích xanh (xác nhận tài khoản chính chủ), 8 đô mỗi tháng. Nhà văn 75 tuổi King liền tweet rằng Musk làm ông nghĩ tới Tom Sawyer, người bị phạt sơn hàng rào nhưng lại lừa được lũ bạn, để chúng không chỉ làm thay mà còn trả ơn (bằng táo và nhiều của ngon khác) vì đã được cậu nhường cho "đặc quyền" này. "Đó cũng là thứ Musk muốn làm với Twitter. Không, không, không" - King viết.Có gì giống nhau giữa 2 chuyện này khiến nhà văn nổi tiếng viết truyện kinh dị và siêu nhiên phải phản ứng như thế? Cộng đồng tích xanh - những nhân vật có tên tuổi, đông người theo dõi như chính trị gia, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ giải trí - là người tạo nội dung giúp Twitter thu hút và giữ chân những người dùng khác, và từ đó khai thác quảng cáo. Riêng Stephen King có 6,9 triệu người theo dõi. "Twitter phải trả tiền cho tôi mới đúng" - King nói trong một tweet khác. Giờ thì đã rõ tại sao ông ví Musk như Tom Sawyer.Stephen King và Elon Musk tweet chiến.Thật ra ngay cả khi không có những lùm xùm ai trả phí cho ai, thì các trang mạng xã hội và trang Web 2.0 (hoạt động nhờ nội dung hoàn toàn do người dùng tạo ra), từ thuở sơ khai đã được xem là áp dụng "hiệu ứng Tom Sawyer", và chính chúng ta đã miệt mài "quét vôi hàng rào" thay các hãng công nghệ đứng đằng sau chúng."Đại diện điển hình cho mô hình kinh doanh kiểu Sawyer là [trang web chia sẻ hình ảnh] Flickr" - cây bút công nghệ Josh Quitter viết trong phần giới thiệu về các nhà sáng lập của Flickr, khi họ lọt vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time năm 2006, ngay giai đoạn đầu của Web 2.0. Từ đó đến nay, không khó để kể thêm những người khổng lồ Internet với mô hình tương tự: khuyến khích người dùng tạo nhiều nội dung và thu phí các nhà quảng cáo cho "đặc quyền" được hiện diện trên các nền tảng đó.Trong câu chuyện của Mark Twain, Tom thuyết phục được bạn mình tranh nhau làm thay việc ("Nè, Tom, cho tớ sơn một chút đi chứ") vì khiến chúng tin rằng đấy là việc mới mẻ và tuyệt vời, lại còn vui nữa chứ ("Liệu một thằng nhóc có cơ hội quét vôi hàng rào mỗi ngày không?"). Trước khi dính vào Facebook và không dứt ra được, chẳng phải chúng ta cũng từng nghĩ lên Facebook thật là vui đó sao? Khi mới ra mắt, Yelp, mạng xã hội "thổ địa" kèm review (đánh giá) các điểm kinh doanh, ăn uống, đã tổ chức tiệc tùng và mời người dùng đến, khiến họ thấy việc review quả là vui, từ đó hăng hái làm tình nguyện viên tạo nội dung không công. "Tom Sawyer đã đúng. Tại sao phải quét vôi trong khi có thể khiến lũ bạn làm thay miễn phí? [Nếu sống ở thời này], Tom hẳn sẽ là một ông lớn trong làng truyền thông" - Quitter viết.Doodle mừng sinh nhật Mark Twain. Ảnh: Jennifer Hom/DribbleThật ra cũng có thể áp dụng "hiệu ứng Tom Sawyer" vì mục đích tốt đẹp hơn. Khi đăng nhập vào các trang mạng hay sử dụng các dịch vụ trực tuyến, bạn thường phải chứng minh "tôi không phải là robot" bằng cách gõ lại 2 từ tiếng Anh mờ đục, hoặc "chọn tất cả ảnh có xe buýt" trong 8 bức hình do máy hiển thị. Công nghệ có tên CAPTCHA này là chốt chặn giúp các hệ thống không bị truy xuất hàng loạt, nhưng đồng thời cũng là cách "nhờ" người dùng Internet giúp số hóa sách báo (cụ thể là tờ The New York Times) bằng cách nhận dạng giúp các chữ mà máy tính không đọc ra, hoặc huấn luyện các hệ thống nhận diện hình ảnh thông qua các thao tác nói trên.Chuyện này được chính người tạo ra CAPTCHA, Luis von Ahn, hiện là giáo sư Đại học Carnegie Mellon và cũng là người sáng lập trang học ngoại ngữ Duolingo, chia sẻ trong phỏng vấn hồi tháng 6-2020 với podcast Freakonomics, sau khi được hỏi "anh có thấy mình giống Tom Sawyer ở chỗ nào không". "Có một thời gian, rất nhiều nghiên cứu của tôi có liên quan tới việc làm thế nào để thu hút con người làm những việc máy tính không thể làm" - von Ahn nói. Hai host của podcast, gồm người sáng lập Stephen Dubner, sau đó đều cho rằng dẫu gì như thế cũng "tốt hơn Tom Sawyer". "Cậu bé chỉ sơn cái hàng rào, thứ sẽ phải sơn lại 3 năm sau đó. Một khi tờ The New York Times được số hóa, nó sẽ không cần [số hóa lại]" - Dubner nói.Giới công nghệ có vẻ rất ấn tượng với cảnh sơn hàng rào trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Von Ahn cũng nhắc cảnh này khi bị Dubner hỏi xoáy, còn Google từng thay logo trang tìm kiếm bằng đồ họa các cậu bé cùng sơn sơn phết phết vào ngày 30-11-2011, nhân kỷ niệm 176 năm ngày sinh tác giả Mark Twain. Hay đấy cũng là một cách tri ân văn hào vì "bí kíp kinh doanh" do nhân vật Tom Sawyer của ông truyền lại, nhờ đó mà Google năm ngoái bỏ túi 209,49 tỉ USD doanh thu quảng cáo, dù không tạo ra một mẩu nội dung nào?■ Tags: Những cuộc phiêu lưu của Tom SawyerElon MuskStephen KingMark TwainBig TechCông nghệWeb 2.0
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Nhiều hãng hàng không nước ngoài tạm ngừng bay đến Nga THANH BÌNH 28/12/2024 Nhiều hãng hàng không nước ngoài tạm ngừng các chuyến bay đến Nga sau tai nạn máy bay của hãng Azerbaijan Airlines.
Cục phó an ninh kinh tế làm giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn DANH TRỌNG 28/12/2024 Đại tá Nguyễn Tiến Trung, cục phó Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, được điều động, bổ nhiệm giữ chức giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn.
Vụ máy bay Azerbaijan rơi: Ông Putin lên tiếng xin lỗi THANH BÌNH 28/12/2024 Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời xin lỗi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về "sự cố bi thảm" xảy ra trên không phận Nga.
Vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, từ 1-1-2025 nhiều lỗi giao thông tăng mức phạt hàng chục lần HỒNG QUANG 28/12/2024 Cơ quan chức năng đánh giá đây là những hành vi nguy cơ rất cao gây ra tai nạn, do vậy mức phạt cần gia tăng để tạo tính răn đe tương xứng.