10/11/2013 17:28 GMT+7

"Tôi yêu lòng dũng cảm và tính nhân văn của người Việt"

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TTO - Cách đây gần 8 năm, một người Mỹ phải chia tay Việt Nam. Lúc ấy, ông đã tâm sự với bạn đọc Tuổi Trẻ rằng “tôi muốn ở lại để xem những điều kỳ diệu”. Tám năm sau, ông đã trở lại Hà Nội để chứng kiến những điều kỳ diệu mà mình đã bỏ lỡ.

Và ông đã thổ lộ với Tuổi Trẻ về những ký ức một thời gắn bó với đất nước hình chữ S này.

* Xin ông cho biết cảm tưởng của mình khi trở lại Hà Nội lần đầu kể từ khi chia tay Việt Nam cách đây gần tám năm?

v9pmvZUx.jpgPhóng to
Ông Jordan Ryan tại Hà Nội ngày 9-11 - Ảnh: UNDP
- Tôi rất mừng khi được trở lại Hà Nội, kể từ cuối năm 2005. Đây là một khoảng thời gian dài với tôi. Đây là thời điểm rất quan trọng với tôi và Việt Nam, khi đất nước các bạn vừa mất đi vị tướng vĩ đại Võ Nguyên Giáp. Tôi đã có cơ hội đến tưởng niệm ông tại phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Dịp đó, họ đã đón khách khứa, bạn bè từ khắp nơi trên thế giới đến chia buồn và ghi vào sổ tang. Thông điệp của điều ấy là: ông ấy thật sự là con người của nhân dân.

Quay lại Việt Nam lần này, tôi nhớ lại những lần được gặp ông. Khi ấy ông đã 94 tuổi nhưng vẫn suy nghĩ về khoa học - công nghệ và cách thức để Việt Nam có được nền giáo dục tốt nhất, để người trẻ tuổi đóng góp được cho tương lai. Tôi cảm nhận ký ức của ông là những ký ức vô cùng quan trọng vì nó cho thấy sự đoàn kết mà người dân Việt Nam có trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử.

Đó chính là nét mà thế giới ngưỡng mộ Việt Nam: các bạn đã đến bên nhau, đoàn kết những lúc khó khăn.

Lần này tôi cũng có cơ hội gặp lại anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ. Đó là người đầu tiên nhiễm HIV/AIDS được lên sóng trực tiếp của đài truyền hình quốc gia. Huệ đã dũng cảm đứng lên kể câu chuyện của mình. Tôi vô cùng mừng rỡ vì được gặp lại cô ấy, thấy cô ấy vẫn sống và khỏe mạnh. Tôi nghĩ cô ấy đang cố gắng truyền tải thông điệp rằng tất cả mọi người ở Việt Nam hãy cùng thương yêu người nhiễm HIV, đừng phân biệt đối xử họ.

Giờ đây, cô ấy đến các tỉnh để nói chuyện với thanh thiếu niên trong trường học, giúp các em tránh xa ma túy, tránh xa những hành vi khiến các em có nguy cơ mắc HIV. Thật tuyệt vời khi thấy cô ấy dũng cảm như vậy.

Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi và gia đình tôi. Cho dù đó là một người như tướng Giáp hay một phụ nữ trẻ mắc bệnh như chị Huệ, tôi đều thấy lòng dũng cảm, lý lẽ… những phần thật sự con người. Với tôi, đấy luôn là điều tuyệt vời về đất nước Việt Nam.

Jordan Ryan - trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trợ lý tổng giám đốc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), vụ trưởng Vụ Phòng chống khủng hoảng và khôi phục - có tình cảm đặc biệt với Việt Nam qua hai nhiệm kỳ làm phó đại diện thường trú và trợ lý cao cấp đại diện thường trú của UNDP năm 1993-1996 và là điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc kiêm đại diện thường trú UNDP giai đoạn 2001-2005.

Ông vừa lần đầu trở lại Việt Nam kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ để dự Hội nghị trưởng đại diện nhóm các tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong hai ngày 8 và 9-11.

Chúng tôi, các cơ quan UNDP ở châu Á - Thái Bình Dương, gặp nhau ở Hà Nội vì Việt Nam có rất nhiều điều có thể chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo, thiên tai… Người bạn cũ thân thiết của tôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đã dành thời gian gặp tôi dù đang bề bộn đối phó với cơn bão Haiyan. Ông ấy nói rằng Việt Nam đang sẵn sàng đón bão, rằng sản lượng gạo, cà phê đã tăng như thế nào khi tôi không ở đây.

Tôi đã nghe được rất nhiều tin tốt lành, nhưng cũng nghe về những thách thức nữa, cả về kinh tế lẫn xã hội. Từ góc độ của một người có may mắn được sống ở Việt Nam hai lần khác nhau, tôi tin rằng Việt Nam luôn có sức bật. Tôi hi vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các thách thức đó, hợp tác với cộng đồng quốc tế, tạo ra nền giáo dục tốt hơn cho giới trẻ và tạo cơ hội để họ đóng góp cho đất nước và thế giới.

* Ông nhớ điều gì nhất khi xa Việt Nam?- Món phở gà (cười)! Nơi duy nhất có món phở gà thật sự là Hà Nội và tôi đã kịp ăn lại một bát. Tôi cũng nhớ những nụ đào nở dịp tết. Tôi vô cùng cảm động vì nhân viên, cán bộ Việt Nam của UNDP đã tổ chức một buổi cơm mời những người từng gắn bó với Việt Nam. Thật vui khi được gặp lại họ.

Các bạn luôn là một đất nước có trái tim nhân văn. Đó chính là trái tim đưa các bạn vượt qua các giai đoạn gian khổ, xâm lược, bom đạn, vật lộn về kinh tế… Các bạn luôn quyết tâm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ sau. Đó là những gì tôi yêu.

Người Việt Nam rất kính trọng tổ tiên. Các thế hệ người Việt trước đây và sau này đều như vậy, tôi tin thế. Tôi cũng tin là mỗi một công dân Việt Nam đều có quyền tiếp tục góp sức củng cố và phát triển một nước Việt Nam tự do, độc lập và sống theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cách vận dụng những ý tưởng đó vào thực tiễn để giúp mỗi người vượt qua đói nghèo, sao cho mọi người không tham lam và không để đồng tiền làm họ ô uế.

* Điều gì khiến ông tự hào nhất về nhiệm kỳ của mình ở Hà Nội?

- Điều tôi tự hào nhất là chúng tôi ở UNDP đã có thể cùng làm việc chặt chẽ với Chính phủ trong lĩnh vực HIV/AIDS, trợ giúp cải thiện năng lực của Quốc hội, tăng cường pháp quyền, giúp Ban phòng chống lụt bão trở nên mạnh hơn. Quan trọng hơn cả, UNDP đã đến được với người dân Việt Nam trên cả nước và giúp họ thấy được tầm quan trọng của sự phát triển của chính họ.

Sau khi rời Việt Nam, tôi công tác một thời gian ở châu Phi và đi bất cứ đâu tôi cũng nói với các đồng nghiệp, bạn bè, đối tác về bài học của Việt Nam trong việc tự lực, sử dụng nguồn lực của chính mình trước khi nhìn ra bên ngoài.

* Ông có mong ước gì cho Việt Nam?

- Điều tôi mong muốn bây giờ cũng chính là điều tôi đã muốn khi rời Việt Nam năm 2005, rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo cách chia sẻ sự giàu có của quốc gia cho mọi người và tiếp tục giữ vững những nguyên tắc về tính độc lập, tự do và sự quan trọng của mỗi cá nhân, rằng sự thịnh vượng sẽ ngày càng gia tăng và đến được với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Tôi hi vọng Việt Nam sẽ đi tiếp con đường ấy.

* Ông đang ở Việt Nam vào thời điểm mà chúng tôi căng thẳng chuẩn bị đối phó siêu bão Haiyan. Hiện ông phụ trách lĩnh vực đối phó với khủng hoảng tại UNDP. Ông có lời khuyên gì không?

- Tôi làm việc về các vấn đề tai họa do thiên nhiên và con người gây ra. Việt Nam có kinh nghiệm tốt trong phòng chống thiên tai, luôn luôn chuẩn bị tinh thần cho người dân, báo bão cho ngư dân trên biển, sơ tán nếu cần thiết… Bộ trưởng Phát nói với tôi rằng mùa bão năm nay Việt Nam phải hứng 15 cơn bão, nhiều hơn thường lệ. Việt Nam buộc phải sẵn sàng đối phó.

Qua công việc hiện tại, tôi hiểu rằng việc chuẩn bị sẵn sàng là vô cùng quan trọng. Đã có nghiên cứu tính toán rằng với mỗi đồng đôla dùng cho công tác chuẩn bị sẽ tiết kiệm được 7 USD thiệt hại khi thiên tai ập đến. Nhưng tôi cũng thấy rằng ở một số nước, người dân đã không được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Tôi rất mừng là hiện Quốc hội Việt Nam đang đặt ra nhiều câu hỏi hơn cho Chính phủ, yêu cầu Chính phủ giải trình về các trách nhiệm. Điều đó rất quan trọng. Chúng ta cần đảm bảo rằng các chính phủ làm những gì mà họ hứa là sẽ làm.

* Xin cảm ơn ông.

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên