26/06/2011 10:31 GMT+7

Tôi vẫn ra khơi trên biển quê mình

PHẠM KHÔI
PHẠM KHÔI

TT - “Có người hỏi tôi: sao Khôi cứ khoái lênh đênh trên biển mãi thế? Tôi trả lời mỗi người chỉ có một cuộc đời và một hành trang thời gian ngắn ngủi. Tôi còn được đi và đi được là hạnh phúc lắm rồi".

"Đại dương có sóng dịu êm, nhưng cũng có cả cuồng phong chết người. Ai đã làm bạn được với nó thì chẳng còn sợ điều gì trên cõi đời này nữa...”.

WFUelFui.jpgPhóng to
Phạm Khôi sinh năm 1972, cùng gia đình rời đất nước sang định cư tại Canada trước ngày đất nước thống nhất. Anh tốt nghiệp kỹ sư địa chất tại Canada. Trong ảnh: Phạm Khôi được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN tặng bằng khen vì đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục sự cố đứt cáp trên tàu Bình Minh 02... - Ảnh: Quốc Việt

Gặp Phạm Khôi ngay sau hải trình tàu Bình Minh 02 khảo sát địa chấn, tôi có cảm nhận người kỹ sư Việt kiều về từ Canada này luôn điềm tĩnh trước mọi chuyện. Những ngày lênh đênh trên khắp các đại dương từ Nam cực đến Bắc cực lạnh giá, Khôi từng đối mặt với nguy cơ chìm tàu vì bão tố, rồi chạm trán sinh tử với cướp biển...

Hôm tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc gây hấn, cắt cáp địa chấn, Khôi chính là đội trưởng đội khảo sát địa chấn trên tàu. Anh đã vững vàng cùng anh em bảo đảm công việc, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Lênh đênh từ Bắc cực đến Nam cực

Mở đầu cuộc trò chuyện, Phạm Khôi bất ngờ hỏi tôi có biết đá bóng không. Anh kể mình từng tham gia đội bóng trường đại học ở Canada và khoác áo đội tuyển quốc gia hai năm. Chính bóng đá đã cho anh sức khỏe và tinh thần cứng rắn, quyết liệt cần thiết trước các hiểm nguy trên đại dương. Khi rời bóng đá để tập trung theo nghề học, Khôi cũng giằng co lắm. Nhưng rồi những chuyến lang thang giải mã bí ẩn dưới lòng đất đã nhanh chóng quyến rũ anh.

Khôi miên man tâm sự quê mình ở Sài Gòn. Người cha Phạm Đình Trọng của anh cũng lênh đênh đi biển VN từ thời trai trẻ. Khi định cư ở Canada, ông tiếp tục làm thuyền trưởng tàu viễn dương và định hướng con trai nối tiếp tình yêu biển cả. Tuy nhiên bắt đầu đi làm, anh cũng chưa được xuống biển ngay. “Ba năm đầu, tôi theo đội khảo sát tìm mỏ vàng ở miền bắc Canada. Đây là thời gian rất vất vả nhưng cũng thú vị và hút chặt tôi theo nghề này”- Khôi kể.

Anh thường làm việc trong thời tiết khắc nghiệt âm 30-40 độ C. Thử thách lớn nhất là phải đi bộ trong băng giá, leo trèo qua các núi đồi, dò dẫm trên ao hồ nguy hiểm và đối mặt với các loại thú ăn thịt hung dữ. Nhiều người bỏ cuộc vì không vượt nổi thử thách này. Riêng Khôi nhờ năm tháng đá bóng rèn được sức chịu đựng bền bỉ. Tuy nhiên cũng có những ngày quá lạnh, anh và đội khảo sát phải nghỉ việc, nằm co ro trong lều...

Niềm vui đầu tiên trong đời nghề của Khôi là biết được kết quả khảo sát địa chất mình thực hiện đã giúp tìm ra được mỏ vàng ở Canada. Khi anh báo tin này cho cha, ông mỉm cười với con trai: “Đại dương rộng lớn hơn đất liền rất nhiều và trong lòng nó còn biết bao bí ẩn thú vị chưa được khám phá”. Khôi hiểu cha muốn vẫy gọi mình dấn thân ra biển.

Đến mùa thu năm 1997, ước nguyện này thành hiện thực. Anh được một công ty khảo sát địa chấn biển ở Canada mời làm việc. Đầu tiên anh làm trên vùng biển Canada, rồi dần đi xa ra khắp Bắc cực, Nam cực và các đại dương khác trên thế giới. Có lần tàu của anh bị cướp biển ở châu Phi nổ súng bắn đuổi. Nhưng kỷ niệm anh nhớ mãi là những chuyến khảo sát trên chính con tàu do cha mình làm thuyền trưởng.

Thời gian khảo sát ở Đại Tây Dương, hai cha con đã rơi vào một trận cuồng phong kinh hoàng. Gió bão trên cấp 12 giật đùng đùng. Những bức tường nước khổng lồ đe dọa nhấn chìm con tàu nhỏ tải trọng 1.000 tấn. Nguy hiểm nhất là lại đúng vào mùa đông băng giá. Sóng nước đánh tràn lên tàu rồi đóng lại thành băng làm con tàu thêm nặng nề, nguy hiểm trước bão tố. Lần đầu tiên phải say sóng biển, Khôi gửi hi vọng vào bản lĩnh chèo chống của cha. Sau đó, bạn bè hỏi Khôi có sợ không. Anh mỉm cười trả lời: “Nếu mọi con đường đều bằng phẳng cả thì đâu có gì để nhớ”...

o79tIZJV.jpgPhóng to

Cái bắt tay tạm biệt khi thay ca của Khôi với đồng nghiệp - Ảnh: Quốc Việt

Ấm áp biển quê hương

"Biển Việt Nam luôn tràn ngập ánh nắng ấm áp. Đáy biển có nhiều vùng nông sâu khác nhau và có rất nhiều loại hải sản độc đáo"

Đường về quê hương của Khôi cũng bắt đầu từ người cha. Khôi tâm sự cuối những năm 1990, cha anh đã có nhiều hợp đồng làm thuyền trưởng cho các công ty dầu khí VN. Thi thoảng gặp con trai, ông chỉ nói nhẹ nhàng: “Biển quê mình hay có bão tố nhưng cũng nhiều nắng ấm. Ngư dân mình gan dạ, tốt bụng lắm. Con hãy về thử xem...”.

Lúc đó, anh đang làm khảo sát địa chấn cho một công ty Mỹ ở vịnh Mexico. Anh nhận lương khá cao và đường về nhà ở Canada cũng rất thuận tiện. Khi nghe anh có ý định về làm ở VN, bạn bè người Mỹ đã khuyên anh suy nghĩ kỹ: “Chuyên môn khảo sát địa chất biển ở VN chưa cao. Bạn về có môi trường để phát triển không?”. Khôi vui vẻ trả lời: “Chính vì thế lại càng thôi thúc mình về. Mình tin rằng mình sẽ làm được gì đó, dù là rất nhỏ bé cho quê hương đã sinh ra mình”. Nghe Khôi tâm sự, bạn bè hiểu lòng Khôi muốn gì.

Một chiều nắng ấm tháng 10-2009, Khôi trở về VN. Khoảnh khắc lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất với anh thật xúc động. Xa đất nước từ nhỏ, anh chỉ biết quê hương qua ký ức cha mẹ, nhưng nó khác xa với cảm giác được tận tay sờ chạm, tận mắt nhìn thấy quê nhà. Từ Tân Sơn Nhất, Khôi đón xe về thẳng Vũng Tàu để ký hợp đồng làm việc với công ty quản lý tàu Bình Minh 02. Và suốt gần ba năm qua, Khôi đã gắn bó cùng con tàu này với trách nhiệm đội trưởng đội khảo sát địa chấn lênh đênh trên khắp thềm lục địa VN.

Cảm giác được làm việc trên biển quê hương với Khôi thật đặc biệt. Anh tâm sự: “Khác với nhiều vùng biển lạnh khắc nghiệt trên thế giới, biển VN luôn tràn ngập ánh nắng ấm áp. Đáy biển có nhiều vùng nông sâu khác nhau và có rất nhiều loại hải sản độc đáo”. Anh từng lênh đênh trên khắp vùng biển từ Cà Mau ngược lên Phú Quốc, Côn Đảo rồi ra miền Trung nhiều bão tố. Điều cuốn hút Khôi nhất chính là hình ảnh những ngư dân can trường trên đầu sóng ngọn gió.

5raSIQI4.jpgPhóng to
Phạm Khôi trên bãi biển Nha Trang, sau một chuyến công tác trên tàu Bình Minh 02 - Ảnh: Quốc Việt

Ban đầu, anh rất bất ngờ với những con tàu cá bằng gỗ bé tẹo lênh đênh xa bờ hàng tháng, kể cả mùa mưa bão. Rồi anh thật sự khâm phục những ngư dân dám lèo lái các con tàu đó và sẵn sàng đối mặt với bao khó khăn, hiểm nguy từ thiên nhiên khắc nghiệt đến sự gây hấn, hung hãn bên ngoài.

Trước khi về nước, anh đã nghe cha kể về biển cả quê hương. Nhưng khi được lênh đênh trên biển, anh mới thật sự thấu hiểu. VN là một dân tộc đại dương, có tinh thần dũng cảm chinh phục biển trải suốt bao thế hệ. Ý chí đó có thể nhìn thấy rõ qua những ngư dân can trường đang ngày ngày dấn thân ra biển mà không ngại vất vả, hiểm nguy. Tương lai của VN chắc chắn sẽ phát triển từ chính nguồn tài nguyên biển của mình...

Công việc của Khôi là khảo sát địa chấn biển, tìm hiểu cấu tạo lòng đất dưới đáy đại dương để phục vụ ngành dầu khí. Khác với một số việc khác, đặc thù nghề này là làm việc theo đội với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Bắt đầu làm việc chung với đồng nghiệp quê hương từ cuối năm 2009 nhưng anh hòa nhập rất nhanh. Đội của Khôi chia thành ba ca luân phiên khảo sát biển 24/24 giờ. Riêng anh làm việc không ca và phải đảm bảo có mặt để chỉ huy, xử lý tình huống bất kể ngày đêm. Đa số anh em người Việt đều ở tuổi 25-30 và trẻ hơn Khôi xấp xỉ 10 tuổi, xem nhau như người trong gia đình.

Có những ngày tàu phải tạm dừng khảo sát để tránh bão và tiếp tế thêm vật dụng, họ tranh thủ lên bờ chơi. Vẻ đẹp của quần đảo Phú Quốc đã làm Khôi sững sờ khi lần đầu đặt chân đến... Ở Côn Đảo, anh lại được nhắc nhớ những ký ức bi hùng về thời kỳ nó trở thành trại giam những người kháng chiến. Tự trong trái tim anh xúc động thấu hiểu rằng không chỉ ở đất liền mà cả trên đại dương của đất nước cũng thấm đẫm bao trang sử dân tộc oanh liệt. Anh có cảm giác như trên mỗi đầu sóng ngọn gió đều có xương máu và ý chí quật cường của tổ tiên người Việt hun đúc nên hồn thiêng Tổ quốc hôm nay.

Ngay sau chuyến nghỉ thay ca sáu tuần, Khôi sẽ lại ra khơi. Biển cả quê hương vẫn đang vẫy gọi anh...

Những đồng bào quả cảm

Hôm xảy ra sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cáp khảo sát địa chấn, Khôi cùng anh em bình tĩnh khắc phục hậu quả để tiếp tục làm việc. Anh biết trên tàu có công dân các nước khác. Nhiều người sẽ nhìn thái độ của đồng nghiệp người Việt để làm theo trước sự kiện nghiêm trọng này. Khi tàu hoàn tất chuyến khảo sát, Khôi lên cảng Nha Trang rồi vào TP.HCM nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, người thân.

Có người đã hỏi Khôi nghĩ gì về chuyện này. Anh mỉm cười, trả lời nhẹ nhàng như tự sự với chính mình: “Vẫn đang có rất nhiều ngư dân xông pha khó khăn, hiểm nguy trên biển cả của mình. Đâu gì có thể khuất phục được họ!”. Anh nói khi nào có dịp, anh sẽ kể lại chuyện này cho đồng bào xa xứ nghe. Câu chuyện về những đồng bào quả cảm ở quê hương đã không lùi bước trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

PHẠM KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên