16/06/2014 10:13 GMT+7

"Tôi ủng hộ hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm"

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Là một trong số đông những đại biểu Quốc hội không đồng tình có ba mức tín nhiệm và chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả nhiệm kỳ như dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, trao đổi với Tuổi Trẻ xoay quanh tranh luận nóng bỏng này đại biểu NGUYỄN SỸ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói:

0LbL2UJW.jpg
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: Việt Dũng

- Như tôi đã nói rõ, dù ý kiến trùng lắp rất nhiều nhưng tôi vẫn muốn thể hiện quan điểm của cá nhân mình tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 13-6, đó là những ý kiến được phát biểu nhiều lần, ở nhiều diễn đàn khác nhau trong quá trình thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi này.

“Cử tri chê tôi dốt”

Ba mức tín nhiệm, người ta rất chê, có cử tri nói với tôi ông là đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế? Tôi hỏi làm sao dốt, bác? Cử tri trả lời:

Ối giời ơi, đương nhiên phiếu nhiều là cao, phiếu thấp là thấp, có gì phải ghi tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp... vào đây. Cử tri chê mình như thế đấy. Tôi muốn nói như vậy để chúng ta cần phải rút kinh nghiệm trong vấn đề sửa đổi quy định.

Về ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, theo tôi không hợp lý. Tôi có một câu chuyện vui thế này, hai vợ chồng nghe Quốc hội làm hay quá, vợ chồng mình cũng xây dựng quy chế như thế này: chung thủy cao, chung thủy và chung thủy thấp. Cuối cùng một năm sau ông vẫn quan hệ lăng nhăng, còn bà vợ bảo không được, phải sửa cái này. “Tôi (bà vợ) không đồng ý, một là ông chung thủy với vợ con, hai là sắt son với bồ bịch thì ông phải chọn cho rõ một trong hai. Còn ông chọn cả hai là không được”.

(Trích ý kiến của đại biểuNGUYỄN BÁ THUYỀN (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm chiều 13-6)

* Những đại biểu có cơ hội thể hiện quan điểm của mình thì hầu như không ai đồng tình để ba mức tín nhiệm và ông cũng ủng hộ chỉ nên hai mức. Nhưng theo ông, hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm hoặc hai mức: tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp - thì lựa chọn nào là khả thi, phù hợp với điều kiện của riêng ở nước ta?

- Tôi trở lại kết quả của lần tổ chức đầu tiên để lấy phiếu tín nhiệm theo nghị quyết 35, với kết quả: số người có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 người (38,3%); số người có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt từ 50% trở lên có 29 người (61,7%); số người có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên: không có người nào.

Từ kết quả trên cho thấy nếu cộng số phiếu “tín nhiệm cao” và số phiếu “tín nhiệm” lại bao giờ cũng thắng thế, trong khi nếu chỉ có hai mức tín nhiệm để lựa chọn thì đòi hỏi đại biểu khi bỏ phiếu phải có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi lựa chọn mức tín nhiệm của mình. Cá nhân tôi ủng hộ hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.

* Có ý kiến nói rằng Quốc hội chỉ thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm như Hiến pháp quy định, còn việc thực hiện các quy trình xử lý hệ quả từ kết quả bỏ phiếu thì nên để cho cơ quan lãnh đạo, quản lý cán bộ chủ động xem xét, thống nhất và đề xuất Quốc hội quyết định như một thủ tục để phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội về bầu hoặc phê chuẩn nhân sự?

- Hiến pháp năm 2013, tại khoản 8 điều 70 quy định rõ là Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chứ không nói gì đến mục đích cũng như việc xử lý hệ quả của việc bỏ phiếu. Tôi nghĩ Quốc hội cần làm đúng điều này và nên bàn quy trình, thẩm quyền đề xuất, quyết định xử lý cán bộ sao cho chặt chẽ, thận trọng và thuyết phục..., trong trường hợp có những người nhận số phiếu tín nhiệm không đạt mức quá bán.

* Nghĩa là quan điểm của ông cần có sự mềm dẻo trong xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, cụ thể là đối với những trường hợp số phiếu không tín nhiệm lớn hơn 50%?

- Đúng như vậy và điều đó là xuất phát từ đặc thù trong công tác cán bộ của nước ta. Tôi nghĩ tôi nói đến mức như vậy thì nhiều người có thể hiểu được vì sao đối với một vấn đề khi mới nghe qua có vẻ như một giải pháp dung hòa dựa trên cơ sở pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Theo tôi, phải tôn trọng cơ quan hay người có thẩm quyền đề nghị ra Quốc hội, HĐND để phê chuẩn và khi có tình huống có tỉ lệ bất tín nhiệm cao xảy ra trước tiên nên để những cơ quan hay người có thẩm quyền đó chủ động xử lý và đề xuất với Quốc hội việc thay đổi hay miễn nhiệm cán bộ. Ví dụ như một vị bộ trưởng nào đó không được hơn 50% đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì sau khi căn cứ kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ là người chủ động xem xét, đề xuất việc miễn nhiệm bộ trưởng đó và đề xuất Quốc hội bầu người thay thế. Có như vậy mới đúng và thể hiện sự thận trọng.

Tôi cho rằng làm theo cách như vậy (chỉ thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm), Quốc hội vừa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, vừa thực hiện được quyền giám sát của mình. Như tôi nói, việc xử lý cán bộ như thế nào là phù hợp, thận trọng, thuyết phục... khi họ không còn được tín nhiệm nữa thì nên để cho các cơ quan có trách nhiệm trong công tác cán bộ cái quyền chủ động đề xuất với Quốc hội. Đương nhiên, Quốc hội phải giám sát và thể hiện chính kiến khi các cơ quan có thẩm quyền trong công tác cán bộ đề xuất hoặc không đề xuất đối với từng trường hợp cụ thể sau khi có kết quả bỏ phiếu. Bên cạnh đó, còn sự quan sát, giám sát của dư luận nữa bởi kết quả bỏ phiếu là được công khai. Tôi không tin một người nào đó không còn được tín nhiệm mà vẫn có thể tiếp tục tại vị một cách yên ổn.

* Nhưng thưa ông, khi phát biểu về mức tín nhiệm tuy không đồng tình để ba mức nhưng đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng nếu đồng thuận hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm thì lại nghiệt ngã... Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đấy là điều chắc chắn, khi chỉ còn lại hai mức thì rủi ro cao hơn, tính an toàn giảm đi, nhiều đại biểu đã phân tích rồi. Cho nên, chúng ta chỉ nên đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, không nên đặt vấn đề Quốc hội trực tiếp xử lý ngay kết quả bỏ phiếu (hoặc kể cả thực hiện theo quy trình lấy phiếu) và chỉ căn cứ vào số phiếu “tín nhiệm thấp” (hoặc số phiếu “không tín nhiệm”). Đâu phải lấy phiếu rồi thấy kết quả tín nhiệm thấp là lập tức đưa ra miễn nhiệm, tôi cho rằng đấy chính là sự thiếu thận trọng và không nên làm như tôi đã nói ở trên.

* Trở lại với tờ trình, từ khi trình cho đến nay qua ba lần thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa hề thay đổi quan điểm về ba mức tín nhiệm, hay chỉ một lần lấy phiếu trong cả nhiệm kỳ. Là một đại biểu Quốc hội, ông sẽ lựa chọn thái độ nào (khi bấm nút thông qua nghị quyết tới đây) cho cả hai vấn đề mà từ trước đến nay ông chưa bao giờ đồng tình?

- Về mặt tâm lý, bất cứ một quyết đáp nào của Quốc hội tôi đều thể hiện sự đồng thuận cùng với đa số đại biểu, cho dù trong một số trường hợp nhất định vẫn còn có những điểm tôi chưa hoàn toàn thông suốt. Nhưng tôi vẫn nghĩ nên vì cái chung. Tôi chưa biết ngày mai, ngày kia khi trình ra Quốc hội để thông qua nghị quyết sẽ được tiếp thu, sửa đổi như thế nào. Tôi hi vọng qua ba lần thảo luận (tại các đoàn đại biểu Quốc hội, tại tổ hôm 6-6 và tại phiên toàn thể ở hội trường chiều 13-6) thì những điểm cơ bản sẽ được tiếp thu, sửa đổi. Tôi tin mức tín nhiệm sẽ là hai mức và thời hạn lấy phiếu cũng sẽ hai lần trong một nhiệm kỳ.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên