15/03/2018 15:39 GMT+7

'Tôi từng muốn tự sát vì bị dựng chuyện trên diễn đàn'

UYÊN TRINH ghi
UYÊN TRINH ghi

TTO -Từ bài viết 'Người trẻ trước cơn lăng nhục khổng lồ trên mạng xã hội', một độc giả đã mở lòng để chia sẻ câu chuyện của mình từng là nạn nhân của bắt nạt qua mạng.

Tôi từng muốn tự sát vì bị dựng chuyện trên diễn đàn - Ảnh 1.

Đã từng bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm vì những lời sỉ nhục, thóa mạ, dựng chuyện trên mạng xã hội - Ảnh minh họa: Nepalireporter

Chỉ trong một buổi chiều, bạn trở thành tâm điểm của những lời đồn, lời sỉ nhục, thóa mạ, dựng chuyện trên mạng xã hội.

Đây là câu chuyện bạn chưa từng kể với bố mẹ hay bạn bè thân thiết, nhưng những hồi ức "xấu xí" và những tổn thương vẫn theo bạn đến bây giờ, sau hơn mười năm.

"Tôi kể lại này không phải trút oán hận hay chỉ mặt ai để trả thù, mà để mọi người hiểu hơn về tác động tiêu cực và hủy hoại từ những lời nói xúc phạm và trêu đùa trên mạng là có thật.

Mong mọi người đừng "chụp mũ" mình và những người bạn bị chấn thương tâm lý là tiêu cực, bi kịch hoá bản thân. 

Mọi sự biểu hiện đều là cả 1 quá trình tích tụ lâu dài những vết thương chưa-bao-giờ-hoàn-toàn-chữa-lành", bạn này chia sẻ.

Tôi từng muốn tự sát vì bị dựng chuyện trên diễn đàn - Ảnh 2.

TTO- Một nữ sinh ở Nghệ An ngoan ngoãn, học giỏi nhất nhì lớp tìm đến cái chết khi video hôn bạn trai lan truyền trên các trang mạng, khiến thầy cô, bạn bè bất ngờ, đau đớn.

Tôi từng muốn tự sát vì bị dựng chuyện trên diễn đàn - Ảnh 2.

Những vụ tự sát từ mạng xã hội vẫn cứ tiếp diễn thời gian qua - Ảnh minh họa: Sailemagazine

Cách đây 12 năm, diễn đàn trường PTTH đang ở giai đoạn hoạt động mạnh nhất cũng là lúc mình bị một vài người bạn cùng lớp lan tin đồn có sức công phá không hề nhỏ: nhìn trộm các bạn nữ cùng lớp thay quần áo trong buổi diễn kịch của câu lạc bộ tiếng Anh.

Kèm theo đó là những lời sỉ nhục như "mình thấy rõ vẻ mặt kinh tởm của thằng... lúc đó". 

Sự việc diễn ra chỉ trong vòng một buổi chiều, khi mình vẫn còn ngồi ở quán net và chat group trên Yahoo Messenger với vài người bạn cùng lớp.

Mình sững sờ, không biết phải kêu cứu ai, càng không biết phải tìm kiếm sự trợ giúp từ những nguồn nào, hay phải xử lý khủng hoảng tâm lý ra sao.

Cứ như vậy, mình bị đám bạn đó dồn đến chân tường, tới mức chỉ còn cách "tạm" xin lỗi và cắn răng chịu đau đớn và tủi nhục trong im lặng.

Từ sau vụ đó, mỗi lần mình đến lớp lại là một ngày ác mộng. 

Mình chỉ muốn nghỉ học để không phải gặp những người hại mình. Mình ngồi một góc và hy vọng không ai để ý tới mình. 

Có những ánh nhìn ái ngại, cũng có những lời mỉa mai châm chích mà đến giờ chỉ còn là những mẩu ký ức mờ nhạt.

Và mỗi lần về nhà lại một lần mình vùi đầu vào gối, với ý muốn kết thúc mạng sống bất cứ lúc nào.

Vài ngày sau, cô giáo chủ nhiệm phát hiện ra mình chán học, và tổ chức buổi sinh hoạt lớp cuối tuần để nói chuyện với cả lớp về vấn đề này. 

Rồi mình thấy có một lời bình luận xin lỗi mình trên diễn đàn. Mặc dù bình luận này không nói cụ thể xin lỗi vì việc gì, và sẽ giải quyết những tổn thương gây ra, nhưng mình chấp nhận lời xin lỗi này.

Khi đó, chỉ còn khoảng nửa năm nữa là cả lớp tốt nghiệp. Mình cần phải tập trung để ôn thi IELTS cho tốt, và đạt được học bổng du học.

Sau khoảng một năm khủng hoảng tâm lý, khi mình đã sang Nhật du học và lập tài khoản Facebook đầu tiên, vẫn còn vài người học chung trường cấp 3 hoặc khác trường nhưng từng tương tác với mình trên diễn đàn của trường - lại nhắc đến câu chuyện kỳ khôi này trên trang cá nhân của mình.

Tôi từng muốn tự sát vì bị dựng chuyện trên diễn đàn - Ảnh 4.

Cái chết từ những câu chuyện được thêu dệt trên mạng - Ảnh minh họa: AJAY THAKURI - India Today

Mình cũng chạnh lòng lắm. Nhưng nghĩ tới chuyện một thân một mình ở nơi mà đa số bạn học - cả người Việt lẫn người nước khác - chẳng biết mình là ai, mình tự ổn định lại tinh thần được đôi chút.

Những chấn thương đó đã hằn sâu vào ký ức, xoáy thêm cũng không làm nó tệ đi được hơn nữa.

Kể cả sau khi mình đã trải qua 4-5 đợt hoảng loạn, trầm cảm và có ý định tự tử nữa trong suốt thời gian mình học ở Nhật, và cả khi mình đã về Việt Nam làm việc, những hồi tưởng đó vẫn chưa bao giờ dứt ra hẳn khỏi tâm trí mình.

Những ký ức đó đã từng ám ảnh mình khủng khiếp, bên cạnh những áp lực thường thấy của một đứa gay mới qua tuổi 20 sinh ra và lớn lên ở 2 đất nước Việt - Nhật, những nơi mà cách đây 5-10 năm, đến cả người trẻ vẫn có thói quen lôi chủ đề LGBT ra làm trò cười cho những câu chuyện hài rẻ tiền, và lấy yếu tố LGBT ra như sự lố bịch, ẻo lả, kịch tính để gây cười cho người nghe chuyện.

Mỗi lúc đối diện với những áp lực đó lại là một lần ước muốn tự sát của mình lại lớn thêm một chút, tới mức năm cuối nó bùng nổ hẳn thành bệnh trầm cảm .

Lúc đó mình đã hiểu ra rằng, để sống tiếp, mình chỉ còn đường cuối cùng là nói thật, công khai với bạn bè và gia đình, để không phải tự nói dối với bản thân mình thêm bất cứ lần nào nữa.

Cũng may, bên cạnh những chuyện buồn đó, mình vẫn tìm được những người bạn, người anh chị em trong và ngoài nước đã chịu khó lắng nghe những lúc mình suy sụp tưởng như sắp chết.

Mọi người đã giúp mình có động lực để tốt nghiệp và về nước sống tiếp, và tiếp tục đối diện với những khó khăn về tâm lý như trầm cảm, lo âu, hoảng loạn mà mình đã và đang phải đối diện.

Mình đã có công việc ổn định, được sếp cảm thông, chấp nhận, và có thêm nhiều người bạn hiểu được những tranh đấu mà mình đã và đang phải trải qua trong suốt hơn 10 năm nay.

Mình chỉ mong việc chia sẻ những câu chuyện về bắt nạt và làm nhục qua mạng sẽ giúp mọi người không gặp những tình huống oái oăm, gây tổn thương lớn về tâm lý như mình, bạn mình, cũng như cô bé bị lộ ảnh hôn bạn trai phải tìm đến cái chết kia.

Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp theo góc nhìn của chính bạn xin vui lòng gửi về email: [email protected].
Dạy học sinh vượt qua khủng hoảng từ mạng xã hội Cậu bé 12 tuổi tự tử vì bị bắt nạt ở trường
UYÊN TRINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên