06/03/2019 21:44 GMT+7

'Tôi từng được cô giáo tha thứ, rất ngọt ngào'

PHƯƠNG TRINH
PHƯƠNG TRINH

TTO - Có lẽ cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho thầy cô quản lý được cảm xúc của mình trước học sinh, giữ tâm trong sáng trong nghề nghiệp cao quý này.

Tôi từng được cô giáo tha thứ, rất ngọt ngào - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Cô giáo Nguyễn Ngọc Thùy (Vĩnh Long) luôn hết sức giúp đỡ học trò nghèo - Ảnh: MINH TÂM

Thời gian qua, tôi liên tiếp đọc thấy trên báo Tuổi Trẻ những thông tin về thầy cô giáo đánh học sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thầy giáo ở An Giang có đánh nữ sinh lớp 7 đến mức vẹo cột sống hay không vẫn đang cần được xác minh chính xác, nhưng thực tế là học sinh ấy đã trải qua những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, và muốn được chuyển trường. 

Hay việc cô giáo ở Lạng Sơn đánh học sinh lớp 1 bị hỏng thủy tinh thể cũng đang chờ xác minh. Dư luận chưa hết xôn xao thì lại có thông tin thầy giáo ở Bắc Giang bị phụ huynh tố cáo xâm hại các nữ sinh.

Những sự việc ấy gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh thầy cô giáo trong xã hội.

20 năm trước, tôi là học sinh ở Trường THCS Phù Đổng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Lần nọ, do yên tâm mình đã trả bài và được điểm cao rồi, tôi không học bài môn sinh học. Không ngờ sáng hôm sau, cô gọi tên tôi lên trả bài. 

Cô gọi đến lần thứ hai mà tôi chỉ ngồi bất động trên ghế vì chưa bao giờ tôi phải rơi vào tình huống không thuộc bài trước lớp như thế này. Nhỏ bạn kế bên huých khuỷu tay tôi bảo: "Cứ lên nói thật với cô là không thuộc bài đi". 

Nhưng lúc đó, tôi đã không biết làm gì khác ngoài việc ngồi bất động! Và... cô cất tiếng: "Cô xin lỗi, cô gọi nhầm tên". Sau đó, cô gọi một bạn khác lên trả bài. 

Lúc ấy, tôi ngồi ngay bàn đầu, gần bàn giáo viên nhất. Chắc chắn cô sẽ thấy những biểu hiện bất thường của tôi, và cô cũng đã gọi tên tôi đến lần thứ 2. 

Tôi hiểu rằng không phải cô nhầm, mà cô đã tha thứ cho tôi một cách quá đỗi ngọt ngào. Mỗi lần nhớ đến câu chuyện này, tôi đều biết ơn và khâm phục cách ứng xử nhân từ của cô lúc đó. 

Bây giờ, tôi có cơ hội được là người hướng dẫn những khóa học không tính phí về làm chủ bản thân, phát huy sức mạnh nội tâm. Học viên trong lớp đa dạng lứa tuổi, 18 tuổi cũng có mà... 80 tuổi cũng có. Kỷ niệm ấy khiến tôi luôn căn dặn mình phải tử tế hết mức có thể với các học viên.

Và còn biết bao kỷ niệm về thầy cô mà tôi may mắn có được. Ngày đó, tôi đậu vào lớp 10 tăng cường tiếng Anh của Trường Gia Định (TP.HCM), nhưng lại yếu nhất lớp về môn nghe và nói. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến tôi không thể đi học thêm như bạn bè. 

Thay vì chê trách, thầy chủ nhiệm bảo rằng tôi có thể đến học ở trung tâm dạy tiếng Anh mà thầy đang dạy, vì trung tâm sẽ giảm học phí cho tôi. Thế là tôi đến học. Một lần, có việc vào văn phòng của trung tâm, tôi tình cờ được biết: trung tâm không hề giảm học phí cho tôi, mà chính thầy đã đóng thay tôi. 

Tôi lấy cớ bận việc nhà để xin nghỉ học tại trung tâm. Nhưng tôi lao vào tự học tiếng Anh ở nhà để đền đáp lại tấm lòng mà thầy dành cho tôi. Thành tích học tập của tôi được cải thiện chính vì tôi cảm kích những gì mà thầy đã âm thầm làm cho mình.

Lên đại học, vào khoa ngữ văn - báo chí (ĐH KHXH&NV TP.HCM), tôi tập tành sáng tác và gửi cho giảng viên chủ nhiệm lớp những tác phẩm đầu tay, viết bằng mực tím trên trang giấy học trò. Cô chủ nhiệm đã tìm tôi giữa hàng trăm sinh viên ở giảng đường và gửi tặng tôi một xấp giấy A4, đồng thời động viên tôi tiếp tục viết lách.

Chính nhân cách cao quý, sự khoan dung và quan tâm của thầy cô là động lực lớn lao để học sinh - sinh viên rèn luyện, nỗ lực, chứ không phải sự trừng phạt hay những lời chê trách khắc nghiệt.

Xã hội đang quan tâm đến cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa. Có lẽ đây cũng là lúc cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho thầy cô quản lý được cảm xúc của mình trước học sinh, giữ tâm trong sáng trong nghề nghiệp cao quý này.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chương trình Giáo dục các giá trị sống do nhà tâm lý Diane Tillman khởi xướng, hỗ trợ thầy cô và học sinh xây dựng mối quan hệ thân thiện và tôn trọng. Ở Việt Nam, nhiều trường quốc tế như Việt Úc, Wellspring... và một ít trường công lập cũng từng được chương trình đào tạo không tính phí.

Mong sao giáo viên luôn được hỗ trợ tối đa cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn việc quản lý cảm xúc và kiểm soát bản thân để hình ảnh người thầy luôn mãi đẹp trong lòng xã hội.

Cao 1,50m mới được làm thầy, giáo viên chứ đâu phải diễn viên?

TTO - 'Cần có những giải pháp gì hay hơn để thu hút nhân tài chứ không phải nâng cao hình ảnh của nghề giáo là chọn dàn chân dài vào đứng lớp'.

Học trò

TTO - Việc trò đánh giá thầy dù đã được thực hiện ở một số trường khá lâu, nhưng vì chưa phổ biến nên nhìn chung lại là chuyện khá mới mẻ, thậm chí còn là chuyện 'nhạy cảm'.

PHƯƠNG TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên