Phóng to |
Doanh nhân Supachai Verapuchong - Ảnh: VIỆT TOÀN |
* Thưa ông, ASEAN đặt ra mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Là một doanh nhân đi đầu tư nhiều năm ở các nước trong khu vực, ông có cho rằng mục tiêu đó khả thi?
- Tôi cho rằng đây là mục tiêu khả thi nhưng cần nhiều điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu này. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm thấy vẫn còn một chút thiếu tin tưởng giữa các nước ASEAN xuất phát từ nhiều lý do. Từ góc nhìn của một doanh nhân, tôi nhận thấy một trong các lý do đó là các nước vẫn còn xem mình là đối thủ của nhau trên thị trường thay vì là một thành viên của cộng đồng ASEAN. Chính phủ các nước vẫn hay nói rằng ASEAN đang hợp tác tốt với nhau nhưng theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải xây dựng sự tin tưởng mạnh mẽ hơn nữa giữa các nước và có lộ trình rõ ràng để cùng đi đến thành công.
* Vậy theo ông, các lãnh đạo chính trị của ASEAN còn cần phải làm gì vào lúc này?
- Như tôi đã nói, vẫn còn đó sự ngờ vực lẫn nhau. Có thể do yếu tố lịch sử dẫn đến sự thiếu tin tưởng như thế, chẳng hạn mối quan hệ của Thái Lan và VN với các nước lớn trong giai đoạn 1960-1975 mang nhiều nét tương phản. Ngoài ra, khác biệt chính trị cũng là một nhân tố, ví dụ như tình hình bất ổn ở Thái Lan trong thời gian vừa qua trong khi tình hình ở các nước như VN và Lào lại ổn định hơn. Đây là những tồn tại thật sự mà chúng ta cần phải giải quyết và tôi vẫn muốn nhắc lại rằng giải pháp hiệu quả nhất vẫn là xây dựng niềm tin giữa các quốc gia với nhau.
Tôi nhận thấy hiện lãnh đạo các nước ASEAN đang ngày càng thấu hiểu và chia sẻ nhau hơn, cùng phấn đấu cho nhiều mục đích chung cũng như cùng nhìn về một hướng. Một khi lãnh đạo đã cùng chí hướng thì chắc chắn sẽ mang đến thành công cho các nước và lợi ích cho người dân.
* Các hoạt động kinh doanh của ông chủ yếu tập trung ở khu vực phía bắc ASEAN, ông có thể cho biết lý do?
- Tôi đã làm việc ở khu vực ASEAN từ năm 1991 và có cơ hội đi đến nhiều nước trong khu vực. Dù vẫn có văn phòng và công ty liên kết ở các nước phía nam ASEAN nhưng từ góc độ kinh doanh, tôi nhận thấy khu vực này đa số là các hòn đảo nên không thuận tiện cho công tác hậu cần, vận chuyển. Trong khi đó, các nước ở phía bắc như Thái Lan, VN, Campuchia, Lào và Myanmar có nhiều lợi thế về mặt giao thông vì các quốc gia này liền khối với nhau nên hoạt động kinh doanh của tôi vẫn tập trung chủ yếu ở đây. Văn hóa và tín ngưỡng tương đồng cũng là một yếu tố quan trọng khiến tôi chú trọng các nước này vì người dân ở các nước này chủ yếu theo đạo Phật.
* Ông hình dung tương lai của ASEAN trong 10-15 năm nữa như thế nào?
- Trước hết, chúng ta cần nói về lợi thế dân số với khoảng 600 triệu người ở khu vực ASEAN. Trong khi chúng ta vẫn duy trì tỉ lệ sinh ở mức chấp nhận được - như VN chẳng hạn, tôi nghĩ dân số các bạn sẽ đạt khoảng 120 triệu người trong vòng 15 năm tới - thì các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ lại gặp vấn đề về sinh đẻ khi người dân hiện nay có xu hướng hưởng thụ cuộc sống và không muốn có nhiều con. Chính vì thế tôi nghĩ rằng ASEAN sẽ trở thành nguồn cung cấp lao động cho các khu vực này và cả thế giới trong tương lai.
Ngoài ra, hiện tượng biến đổi khí hậu cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm ở châu Âu và Mỹ, trong khi chúng ta lại có lợi thế ở khâu này nhờ động, thực vật phong phú, đất đai và nguồn nước lại dồi dào. Vậy nên ASEAN hoàn toàn có thể trở thành đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả thế giới chứ không chỉ riêng Mỹ và châu Âu.
Ông Supachai Verapuchong hiện là phó giám đốc điều hành của Tập đoàn gia đình Thai Nakorn Patana, một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất của Thái Lan được thành lập từ năm 1979. Ngoài ra, Thai Nakorn Patana còn sở hữu ba khách sạn 5 sao mang thương hiệu Sofitel ở Campuchia và Thái Lan. Hiện tập đoàn này hoạt động chủ yếu ở các nước như VN, Lào, Campuchia, Myanmar... Trả lời Tuổi Trẻ, doanh nhân Supachai nhận mình là một tỉ phú nhưng “với tôi, tiền bạc hay danh hiệu không nhiều ý nghĩa bằng niềm vui sống làm việc và giúp đỡ người khác”. |
Chưa dừng lại ở đó, các bạn có để ý thấy rằng khách du lịch chỉ mất chưa đầy sáu giờ để bay từ Ấn Độ hay Trung Quốc với dân số tổng cộng xấp xỉ 2,7 tỉ người tới khu vực ASEAN không? Chúng ta hoàn toàn có thể trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của lượng lớn du khách đến từ hai thị trường khổng lồ này cũng như các nước khác trên thế giới nếu có kế hoạch triển khai bài bản và hợp lý.
* Sau một thời gian ngắn hồ hởi với cái gọi là “không biên giới”, là “toàn cầu hóa”, giờ đây dường như xu thế của các quốc gia vẫn là quay lại chính sách bảo hộ để đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia của mình. Theo ông, tương lai của con đường hợp tác “win-win” (cả hai bên cùng thắng) có còn tươi sáng không?
- Chính phủ nào cũng ưu tiên quyền lợi của người dân nước mình trước rồi mới quan tâm đến mối quan hệ với các nước khác. Tuy vậy, tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào hợp tác “win-win” với điều kiện mà tôi đã nói ở trên: xây dựng niềm tin giữa các nước ASEAN. Niềm tin vẫn là thứ quan trọng nhất trong mối quan hệ hợp tác này.
Một khi đã xây dựng thành công niềm tin đó thì việc còn lại chỉ là các chính phủ cùng nhau điều phối công việc suôn sẻ và mang lại lợi ích hài hòa cho các bên. Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực du lịch, các nước ASEAN nên bắt tay với nhau cùng tiếp thị hình ảnh nhằm thu hút khách đến để có được những trải nghiệm ở nhiều phương diện. Chúng ta sẽ cùng nhau truyền đạt thông điệp đến với khách du lịch, chẳng hạn theo hướng khách muốn tham quan các vùng núi, cao nguyên và gặp gỡ cộng đồng các dân tộc thiểu số thì đến Điện Biên, Đắk Lắk, Gia Lai, hay Kon Tum của VN, muốn tắm biển thì đến Thái Lan, tham quan các đảo thì đến Sihanoukville ở Campuchia...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận