Các chương trình, dự án cụ thể được kỳ vọng giúp công tác giảm nghèo giai đoạn tới đạt nhiều thành tựu, khắc phục hạn chế giai đoạn trước
Nguồn lực tối thiểu 75.000 tỉ đồng
Mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
Phấn đấu 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 75.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách trung ương chiếm 64%, tương đương 48.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách địa phương là gần 12.700 tỉ đồng, còn lại huy động nguồn lực hợp pháp khác.
Chương trình “cần thiết, cấp bách”
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 18-1, ông Tô Đức - chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - cho biết: "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách".
Bởi lẽ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 còn hạn chế khi nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, đặc biệt là tỉ lệ hộ nghèo cao. Một số nơi có tỉ lệ hộ nghèo còn trên 40% như huyện Mường Nhé (Điện Biên), huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hay huyện Đồng Văn (Hà Giang)...
Ông Tô Đức nhận định kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương; tỉ lệ tái nghèo, tỉ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau.
Bên cạnh đó, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững; thiếu kỹ năng nghề nghiệp...
Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn lực đầu tư giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng thực tiễn. Nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế.
Giai đoạn tới, công tác giảm nghèo sẽ tập trung nguồn lực lớn để giải quyết. Hai giải pháp trọng tâm là đầu tư nâng cao năng lực cho người nghèo thoát nghèo bền vững; đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho vùng lõi nghèo phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, liên kết vùng.
Ước tính đến tháng 1-2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới mức sống tối thiểu (khoảng 4,47 triệu hộ), trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 5,77%.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu như:
- Giảm 50% số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều;
- Ít nhất 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn có việc làm mới;
- Khoảng 5.700 lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận