21/03/2022 13:00 GMT+7

Tôi sẽ khám đến khi sức cùng lực kiệt

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Mắc phải ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối nhưng bác sĩ Lâm Phước Trí, trạm trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM), vẫn ngày ngày làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tôi sẽ khám đến khi sức cùng lực kiệt - Ảnh 1.

Mặc dù mắc bệnh ung thư đại trực tràng di căn gan 2 năm nay nhưng bác sĩ Trí vẫn miệt mài thăm khám cho người dân mỗi ngày - Ảnh: THU HIẾN

Tấm lòng nhiệt thành cùng lòng yêu nghề khiến ông nhận được sự tin yêu từ rất nhiều bệnh nhân.

Đôi bàn tay đã đổi màu lốm đốm thành mảng đen, tóc đã rụng hơn quá nửa đầu vì những lần vô thuốc điều trị chống chọi với bệnh ung thư quái ác, nhưng bác sĩ Trí vẫn miệt mài, ân cần khám bệnh cho người dân tại trạm.

Thấu hiểu bệnh nhân vì cũng là người bệnh

Buổi sáng, nhiều người dân đã có mặt từ rất sớm đợi tới lượt thăm khám. Mới gặp bác sĩ Trí, nhiều bệnh nhân đã sốt sắng: "Bác sĩ có khỏe không?", "Bác sĩ ráng ăn nhiều vô đặng cho khỏe còn khám cho tôi nha", "Tôi nghe nói có phương thuốc này điều trị ung thư hiệu quả lắm"... Đó là những lời nhắn nhủ, động viên mà các bệnh nhân dành cho bác sĩ Trí mỗi khi họ đến trạm y tế khám bệnh.

Tháng 9-2020, khi cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi, chán ăn, bác sĩ Trí đi khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì phát hiện mình bị ung thư đại trực tràng di căn gan, giai đoạn cuối. "Lúc đó, tôi có hỏi các bác sĩ cũng là bạn của tôi rằng tôi có thể sống được một năm không. Bạn tôi trả lời "chắc là được" và động viên tôi phải có niềm tin. Đó là một cú sốc tâm lý rất lớn", bác sĩ Trí nói.

Sau khoảng thời gian từ 3 - 5 ngày bình tĩnh lại, ông nhanh chóng ổn định tâm lý, sắp sếp những việc phải làm, trong đó vẫn quyết tâm chống chọi với bệnh, dành thời gian thăm khám cho bệnh nhân tại trạm y tế. Vậy là cứ 3 tuần/lần, sau khi đến bệnh viện vô thuốc điều trị ung thư, bác sĩ Trí vẫn đều đặn có mặt vào mỗi sáng sớm để thăm khám cho bệnh nhân.

"Tôi biết bệnh nhân vẫn đặt niềm tin, gắn bó khiến tôi càng có động lực để cố gắng hơn. Bản thân tôi cũng là người bệnh nên tôi hiểu được hoàn cảnh của bệnh nhân, từ đó càng biết mình phải chăm sóc họ cho dù sức khỏe của tôi có yếu đến mấy", bác sĩ Trí nói.

Đến nay dù đã hơn 18 tháng trôi qua nhưng bác sĩ Trí vẫn khỏe mạnh để thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Đối với ông, đó như một điều kỳ diệu vì không ngờ được mình có thể sống đến tận hôm nay.

Ông Vũ Văn Thời (65 tuổi, ngụ phường Tân Quý) cho biết đã từ 7 - 8 năm nay do mắc phải căn bệnh huyết áp, tiểu đường nên trạm y tế gắn liền với cuộc sống của ông, trong đó có cả bác sĩ Trí.

"Bác sĩ Trí là một người quá tốt, thân thiện, tận tình giúp đỡ bệnh nhân, đặc biệt là rất niềm nở, hòa nhã, không bao giờ hối thúc. Khám bệnh không bao giờ qua loa, kể cả những lúc đông bệnh nhân bác vẫn rất niềm nở. Chính vì vậy, đây là lý do tôi muốn khám tại trạm. Nghe tin bác sĩ Trí mắc phải căn bệnh ung thư, tôi rất buồn. Ông ấy sống quá tình cảm. Đây là một sự đáng tiếc cho ngành y và người dân chúng tôi", ông Thời cho biết.

Ung thư không phải là hết

Có thời gian bác sĩ Trí từ 60kg giảm xuống còn 54kg do không thể ăn uống được. Để có sức khỏe tốt chăm sóc gia đình và thăm khám cho người bệnh, ông đã nỗ lực không ngừng.

"Tôi quyết tâm theo đuổi điều trị, không cho phép bản thân được sụt ký, bắt đầu ăn uống điều độ, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày dù không ăn được cũng phải cố gắng ăn. Phải duy trì được ý chí sống càng lâu càng tốt. Mỗi ngày tôi cố gắng ăn uống đầy đủ các chất, duy trì mỗi ngày đi bộ 6km. Hiện tại tôi vẫn duy trì được cân nặng như trước đây", bác sĩ Trí nói.

Vừa mắc căn bệnh ung thư quái ác, dịch COVID-19 bắt đầu căng thẳng, do đang trong quá trình điều trị ung thư nên bác sĩ Trí không thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đến tháng 9-2021, những bệnh nhân ung thư đang hóa trị mới chính thức được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19.

"Thời điểm chưa chích mũi nào, dịch COVID-19 lại căng thẳng, mọi người hay hỏi tôi sao chưa chích mũi nào mà dám vô trạm y tế chống dịch. Nhưng tôi vẫn chiến đấu cùng với đồng nghiệp, bởi nếu tôi nghỉ đồng nghĩa với việc mọi người phải chịu một khối lượng công việc lớn. Vậy là cứ khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách tốt... May mắn là bản thân lại không bị dính COVID-19", bác sĩ Trí nhớ lại.

Nghe tin bạn mình là bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP.HCM) - chuẩn bị về hưu lại hy sinh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bác sĩ Trí không khỏi bàng hoàng nhưng lại càng quyết tâm chống dịch hơn nữa.

"Nghe tin anh Mẫn qua đời, tôi rất bàng hoàng. Chúng tôi đã từng có thời gian gắn bó và học tập cùng nhau. Bản thân mình lúc đó vừa mắc căn bệnh ung thư, vừa chống dịch COVID-19, nhưng cũng cược với số mạng vậy", bác sĩ Trí nhớ lại.

Nói về sự lạc quan mà mình có được, bác sĩ Trí cho biết một số người bệnh ung thư vẫn có thể sống được 4 - 5 năm nên lấy đó làm niềm tin để phấn đấu, không buông xuôi. Sống như ngày mai sẽ chết, ngày nào còn tồn tại là sẽ sống hết mình cho ngày đó. Phải là người sống có ích cho xã hội và đừng đặt nặng bệnh quá, cố gắng giữ được sức khỏe, thể lực, tinh thần.

"Tôi sẽ khám cho bệnh nhân đến khi nào tôi không còn ngồi vững được nữa, còn sức cùng lực kiệt tôi vẫn đi làm bởi đó là niềm vui duy nhất của tôi. Mình phải phục vụ mang đến niềm vui, mang sức khỏe đến cho người khác thì đó cũng là niềm vui của mình", bác sĩ Trí cười nói.

Làm gì để người dân tin tuyến y tế cơ sở?

Bác sĩ Lê Phước Trí tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM niên khóa 1984 - 1990, sau đó công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo. Năm 2014, ông bắt đầu làm tại Trạm y tế phường Tân Quý đến nay.

Theo bác sĩ Trí, để người dân tin tưởng tuyến y tế cơ sở thì ngoài việc bác sĩ phải có trình độ tay nghề cao, còn phải có thái độ niềm nở, ân cần với bệnh nhân. Ngoài ra, cơ sở vật chất và thuốc men cũng chính là những yếu tố quan trọng để người dân tin tưởng tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là người bệnh mãn tính, để họ tiếp tục tham gia điều trị lâu dài, qua đó giảm tải y tế cho tuyến trên.

Anh Hoàng Ngọc - nhân viên Trạm y tế phường Tân Quý - cho biết bác sĩ Trí luôn là người tốt tính, nhẹ nhàng, điềm đạm với cả đồng nghiệp và bệnh nhân. Bất cứ vấn đề chuyên môn nào bác cũng đều hỗ trợ nhân viên y tế của trạm. "Chúng tôi học được nhiều từ bác sĩ Trí sự điềm đạm và ân cần với bệnh nhân", anh Ngọc cho biết.

'Việc đầu tiên của một bác sĩ là có lòng thương yêu'

TTO - Hơn 2 tháng xung phong vào Nam cùng bệnh nhân chiến đấu với COVID-19, hoàn thành nhiệm vụ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách trở về tiếp tục với công việc thường nhật.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên