07/01/2023 13:44 GMT+7

Tới rằm tháng chạp nhớ về lặt lá mai

Ở quê tôi, cứ đến tháng chạp, cho dù có bận bịu cách mấy thì việc canh ngày để lặt lá mai luôn là chuyện phải ưu tiên hàng đầu. Bởi năm nào thiếu hoa mai thì coi như cái Tết đó khó mà trọn vẹn, đủ đầy.

Tới rằm tháng chạp nhớ về lặt lá mai - Ảnh 1.

Hàng mai bên hiên nhà chờ lặt lá

Ngày Tết quê tôi đâu đâu cũng rực rỡ cái màu vàng óng ả của đủ loại bông hoa như lan, cúc, vạn thọ… nhưng đặc biệt nhất vẫn là hoa mai. 

Nếu những hoa khác có thể khoe sắc quanh năm thì chỉ có mai là loài hoa chỉ bừng nở mỗi dịp xuân về. Mai còn tượng trưng cho may mắn, sự ngay thẳng của người quân tử nên trong những ngày Tết luôn là thứ hoa mà ai cũng ưa thích.

Người dân phương Nam trồng mai khắp chỗ: trước hiên nhà, ngay sau vườn, dọc lối đi, thậm chí dùng làm hàng rào ngoài ngõ. 

Cả một năm dài cây mai thường bị lãng quên trong hàng trăm thứ cây cối trong vườn nhà, ít được ai nhớ tới. Vậy mà cây vẫn âm thầm, nhẫn nại chắt chiu những sức sống tiềm tàng để tô thắm cho đời mỗi dịp xuân sang.

Để mai ra hoa đúng vào ngày Tết thì phải lặt lá mai vào ngày rằm tháng chạp. 

Tuy nhiên, tùy thời tiết trong năm hoặc rút kinh nghiệm từ năm trước đó mà người ta có thể lặt lá mai sớm hoặc muộn hơn 1- 2 ngày.

Đó cũng là những ngày thật vui và hào hứng trong ký ức anh em chúng tôi đến tận sau này. Nội tôi luôn là người quyết định sẽ lặt lá mai vào ngày nào cũng như sắp xếp, phân công cho từng đứa cháu một để khỏi phân bì, cãi vã.

Trong nhà có bao nhiêu người từ nhỏ đến lớn đều được huy động hết mới có thể làm kịp. Người lớn lặt chỗ cao, chỗ khó trong khi mấy đứa nhỏ lặt ở những chỗ thấp hơn. Bất kể thứ gì có thể giúp mọi người tận dụng được chiều cao như thang, ghế, thùng nhựa… đều được mang ra mà dùng.

Tuy không khó lắm, cứ lặt hết lá trên cây là xong, tuy nhiên việc lặt lá mai cũng cần sự khéo léo và kiên nhẫn của mỗi người. Phải cẩn thận lặt từng lá một chớ không được tuốt một lần nguyên chùm cho lẹ. 

Hơn nữa phải lặt ngược cuống lá về phía gốc cây để những cái nụ nhỏ trong nách lá không bị rụng mất. Cứ lần lượt như vậy hết nhánh này cho đến nhánh khác, hết cây này lại đến cây kia.

Lặt xong lá mai trước sân, bên hông nhà mình, anh em tôi lại hăng hái sang các nhà hàng xóm phụ giúp. Mặc cho chân đau vì đứng quá lâu, tay mỏi nhừ và mủ dính thâm sì móng nhưng đứa nào cũng cảm thấy vui vì nghĩ vừa làm công việc ý nghĩa vào dịp Tết.

Khi đã lặt hết lá trên cây, mọi người cũng chung tay quét tước vườn nhà cho sạch sẽ, gọn gàng rồi mới bắt qua làm những chuyện khác. 

Cũng từ lúc này cho đến tận giao thừa, những cây mai được chăm bón kỹ càng hơn mọi thời điểm trong năm. Mỗi ngày mấy bận nội tôi cứ ra vô vừa ngắm nghía vừa lo lắng ít bữa nữa không biết những cành mai đầy nụ kia có kịp trổ hoa hay không?

Râm ran làng trên xóm dưới trong những ngày giáp Tết cũng xoay quanh chuyện của những cây mai. Nào là mai của anh Ba xóm trên chắc ra hoa sớm, mai nhà anh Sáu chắc trổ đúng dịp Tết này rồi, coi chừng mai của chị Bảy năm nay nở muộn đó…

Nói là nói vậy thôi, bởi cho dù mai nhà mình có nở sớm hay muộn cũng chẳng phải lo vì người dân quê tôi luôn sẵn lòng đem tặng, biếu nhau vài cành mai để chưng Tết cho nhà ai cũng được vui vẻ, xôm tụ. Bởi ai cũng hiểu bất cứ cái gì cho đi sẽ luôn còn hoài, còn cứ khư khư giữ lại thì cũng chẳng khấm khá hơn được.

Để rồi những ngày đầu xuân mọi nhà đều rực rỡ cái sắc vàng đầy may mắn, hanh thông của những cành hoa mai căn tràn nhựa sống. Ai nấy hân hoan nói cười rộn rã, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Tình làng nghĩa xóm càng thêm đong đầy.

Giờ đất ở quê ngày càng thu hẹp, nhà cửa mọc lên lấn hết ruộng vườn. Mới đó thôi mà chuyện lặt lá mai cuối năm đã trở thành huyền thoại. Những cây mai bây giờ cứ èo uột, cong queo do quanh năm bị tù túng trong chậu xi măng. Muốn có sắc vàng của hoa mai trong ba ngày Tết lại phải bỏ tiền ra mua hoặc đi mướn.

Những ngày cuối năm, giữa Sài Gòn như nghe đâu đây tiếng nội tôi thúc giục con cháu: "Tới rằm tháng chạp, nhớ về lặt lá mai nhe con!".

Cảm ơn 75 bạn đọc đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút..., gửi về địa chỉ email: [email protected].

Giải thưởng Về nhà: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 15 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

Thời gian nhận bài dự thi: từ 3-1 đến hết ngày 1-3-2023.

lặt lá mai

Tính đến ngày 7-1, cuộc thi đã nhận được hơn 75 bài dự thi. Cảm ơn các bạn:

phanh dang, loan nguyen, Nguyễn Hà Tiên, Trang Nguyễn Thị Thùy, thai hoang, Thu Hien, Chung Thanh Huy, ngoc thach, Mỹ Châu Nguyễn Thị, Nguyễn Tấn Lộc, Thu Vũ, Tanthoi Le, tam tranvan, Hiển Bùi, Tuan Bui thanh, Dương Lê Đức, Bình Nguyễn Thanh, TCKT_ To Uyen-SPC, Phương Thảo Nguyễn, Lê Thảo, Ngọc Dung Huỳnh, Hiếu Nguyễn Văn, Hiếu Nguyễn, Nguyễn Thị Diệu Phước, Lê Quốc Kỳ, Trang Chu, Xuân Nguyễn Duy, Hương Giang Nguyễn Thị, Hiệp Trinh, Chí Nguyên Trần, Hà Thu, Tha Trương, Nhu Tran, Thảo Nguyễn Hoàng, Quoi Tran, Trisha Võ, Nhung Mai, Dũng Mai Đức, Pham Trang, Thương Hoàng, Can Dung, Thanh Lê, Thị Tâm Nguyễn, Đào Nguyễn, Minh Huyền Vũ Thị, Long Trieu, Nga Cao, 32.Trần Khánh Vy FK9...

BAN TỔ CHỨC

Một góc hiên nhà vẫn ngóng em tôi Một góc hiên nhà vẫn ngóng em tôi

"Năm nay Quỳnh có về nhà ăn Tết không dì?" - tôi hỏi dì tôi đang lúi húi chăm chút cho khóm hồng giữa ngày đông tháng giá. Mấy khóm hoa se sắt lại giữa cơn mưa phùn lất phất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên