09/06/2019 13:02 GMT+7

Tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng

PHƯỚC  TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng khiến cơ quan chức năng TP.HCM cần sớm đưa ra giải pháp ngăn chặn. Đó là nội dung chương trình Lắng nghe và trao đổi vừa diễn ra sáng 9-6.

Tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu nêu lên thực trạng báo động về nạn xâm hại tình dục trẻ em tại TP.HCM - Ảnh: Chụp màn hình HTV

Theo khảo sát có khoảng 20% vụ xâm hại tình dục trẻ em thì đối tượng là người thân, 60% là hàng xóm. Khi các em bị xâm hại, người thân lúng túng trong việc trình báo, cơ quan chức năng chưa có qui chế phối hợp khiến việc tiếp nhận xử lý chậm, việc giám định mất 7-9 ngày, có khi cả tháng. Đáng lo nhất là rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng người nhà chưa phát hiện hoặc không tố giác lên cơ quan chức năng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội luật gia TP.HCM

Chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 6 với nội dung Bảo vệ trẻ em: thực trạng và giải pháp do Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.

Tại chương trình, các đại biểu đã cũng nêu ra thực trạng, đóng góp ý kiến giải pháp để nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn TP.

Báo động nạn xâm hại tình dục trẻ em

Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết hiện TP có hơn 2,1 triệu trẻ em, chiếm tỷ lệ 20% dân số toàn TP. Từ năm 2017 đến quý I-2019, TP.HCM có 144 vụ bạo hành và , bình quân 1 tháng khởi tố 5 vụ bạo hành và xâm hại trẻ em. Đây là một con số đáng báo động.

Các đại biểu nêu lên thực trạng, băn khoăn về các vụ án xâm hại trẻ em thường xảy ra tại các khu nhà trọ công nhân, lao động tự do tại các quận, huyện ven TP. Những đối tượng gây án đa phần là người thân, người quen, hàng xóm của nạn nhân.

Ông Nguyễn Nhật Nam - Phó viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân TP.HCM thông tin ba năm gần đây, tại địa bàn TP.HCM tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ án gây bức xúc dư luận. Đối tượng gây án chủ yếu có trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định tại các quận, huyện ngoại thành.

Với vai trò là lãnh đạo địa phương, bà Đỗ Huỳnh Ái Hoa, Phó chủ tịch UBDN P.14, Q.Tân Bình thừa nhận công tác tuyên truyền pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến từng hộ dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân lao động tự do.

Chính điều này dẫn đến thực trạng người lao động còn hiểu biết hạn chế về các qui định pháp luật trong việc phòng ngừa, cảnh giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng - Ảnh 3.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phát biểu tại chương trình - Ảnh: Chụp màn hình HTV.

Cần có giải pháp khắc phục, tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn, mỗi cấp mỗi ngành cần quan tâm đặc biệt đến tội phạm xâm hại trẻ em. Nhà trường cải tiến, nâng cao giáo dục để truyền tải kiến thức, kỹ năng cho trẻ em từ các bậc học. Đưa ra xét xử điểm, công khai các vụ án gây bức xúc trong dư luận nhằm răn đe.

Bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư - Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM

Đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân

Trước thực trạng nhức nhối tội phạm xâm hại trẻ em, nhiều đại biểu đã thẳng thắn góp ý, nêu ra giải pháp để bảo vệ trẻ em. Bà Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng đối tượng phạm tội không chỉ tập trung các khu lao động ngoại thành mà bây giờ còn xuất hiện ở các chung cư cao cấp, đối tượng là những người có kiến thức, am hiểu pháp luật.

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM khẳng định lực lượng công án sẽ phối hợp ngành giáo dục, văn hoá tuyên truyền phòng ngừa xã hội. Mong gia đình, nhà trường tham gia tố giác các hành vi xâm hại trẻ em để cơ quan thẩm quyền truy tố xét xử nghiêm minh răn đe, phòng ngừa.

"Các gia đình cần tự trang bị kiến thức nhận diện hành vi xâm hại trẻ em, từ đó tố giác tội phạm. Khi xảy ra, hết sức lưu ý giữ gìn hiện trường, chứng cứ. Nhanh chóng trình báo cơ quan công an để cơ quan chức năng xử lý, không tự ý tự mang con đi giám định gây khó khăn trong công tác điều tra", Trung tá Hà chia sẻ.

Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh, từng em học sinh, đặc biệt thiếu nhi các khu nhà trọ về bảo vệ, phòng ngừa xâm hại tình dục.

Các phường, xã cần nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân TP.HCM kiến nghị UBND TP sớm ban hành qui trình phối hợp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.

Chống xâm hại trẻ em được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội

TTO - Gần 80% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên