Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, có vụ việc người nước ngoài đã cư trú trái phép trong thời gian dài mới bị phát hiện - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay (14-9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đồng thời với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này.
Mặc dù khẳng định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận: "Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, phòng ngừa xã hội ở một số địa phương còn hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao".
Trong khi đó, "các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. An ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp..." - thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết.
Trong kỳ báo cáo, thống kê cho thấy toàn quốc xảy ra 38.506 vụ phạm pháp về trật tự xã hội. Tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng, nhất là giết người thân; với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng chống dịch COVID-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội.
Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý hơn 3,3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, nộp kho bạc nhà nước hơn 2.600 tỉ đồng.
Các hành vi vi phạm và tội phạm về môi trường cũng ở mức cao, lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đã phát hiện 24.842 vụ, 40.461 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 580kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp.
Chính phủ "đề nghị Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác này".
"Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý: "Công tác quản lý xuất nhập cảnh, công tác quản lý người nước ngoài cư trú trên địa bàn nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, xuất hiện nhiều đường dây đưa người nước ngoài vào nước ta trái phép để thu lợi bất chính, có vụ việc người nước ngoài đã cư trú trái phép trong thời gian dài mới bị phát hiện".
"Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc... vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Điều này cho thấy công tác quản lý mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng Internet vẫn còn nhiều bất cập".
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như: hiếp dâm 720 vụ, tăng 14,1% (trong đó hiếp dâm trẻ em 454 vụ, tăng 21,07%); giao cấu với trẻ em 612 vụ, tăng 17,92%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.739 vụ, tăng 8,69%; gây rối trật tự công cộng 446 vụ, tăng 49,16%; chống người thi hành công vụ 369 vụ, tăng 14,24% (trong đó xảy ra 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ, tăng 280%). Số vụ giết người thân tăng mạnh (178 vụ, tăng 212,28%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận