19/01/2021 18:24 GMT+7

'Tôi phải lên tiếng vì lo vết nứt lớn dần thì có thể làm sập nhà tôi'

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TTO - Vụ việc khởi nguồn từ đầu tháng 6-2020, khi các cơ quan chức năng quận 1, Sở Xây dựng TP.HCM nhận được đơn phản ánh công trình số 69-71 Điện Biên Phủ làm nghiêng, lún, nứt nhà bên cạnh.

Tôi phải lên tiếng vì lo vết nứt lớn dần thì có thể làm sập nhà tôi - Ảnh 1.

Công trình trên đường Điện Biên Phủ thi công gây nghiêng, lún nhà bên cạnh nên phải ngưng thi công và chống đỡ - Ảnh: D.N.HÀ

Các công trình, nhà ở trong đô thị nằm sát cạnh nhau nên khi một công trình xây dựng luôn có những ảnh hưởng nhất định đến an toàn của nhà hàng xóm. Từ đây có thể dẫn tới những cãi vả, bất hòa, thậm chí lôi nhau ra tòa

Bị ngừng thi công vì làm nghiêng, lún nhà bên cạnh

Một công trình trên đường Điện Biên Phủ (phường Đa Kao, quận 1) bị ngưng thi công hơn 6 tháng nay vẫn chưa được thi công lại do quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến nhà hàng xóm.

Vụ việc khởi nguồn từ đầu tháng 6-2020, khi các cơ quan chức năng quận 1, Sở Xây dựng nhận được đơn phản ánh công trình 69-71 Điện Biên Phủ làm nghiêng, lún, nứt nhà bên cạnh. 

Ngay sau đó, các bên đã mời Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Sài Gòn giám định hư hỏng, nghiêng, lún của căn nhà để tìm nguyên nhân. Đơn vị kiểm định đưa ra kết luận: hư hỏng lún, nứt là do tác động của công trình xây dựng mới liền kề.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và nhà thầu thi công công trình 69-71 Điện Biên Phủ, công trình vì thế cũng bị tạm ngưng thi công. Đồng thời chủ công trình 69-71 thuê đơn vị có chuyên môn lập phương án chống đỡ nhà bên cạnh theo yêu cầu của đơn vị kiểm định. 

Tiếp tục thực hiện quan trắc theo dõi độ nghiêng, lún của nhà bên cạnh để dự báo. Nếu độ nghiêng, lún tăng phải báo cho UBND phường Đa Kao để di dời khẩn cấp nhà bên cạnh nhằm bảo đảm an toàn.

Sau khi thực hiện các biện pháp trên thì UBND phường Đa Kao sẽ làm trung gian để hai bên thống nhất hướng bồi thường thiệt hại.

Mệt mỏi vì nhà bị nứt

Một trường hợp khác, khi nhà bên cạnh bắt đầu khởi công xây dựng thì nhà của ông L. (khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12) bắt đầu bị nứt. Đầu tiên là những vết răn nhỏ, sau đó rõ dần nên ông L. báo với những người thi công để có biện pháp khắc phục.

Tôi phải lên tiếng vì lo vết nứt lớn dần thì có thể làm sập nhà tôi - Ảnh 2.

Công trình cao ốc The One ở quận 1 làm nghiêng, lún một số hạng mục của tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhưng không hiểu sao nhà bên cạnh vẫn tiếp tục thi công, không sang khảo sát hay khắc phục, trao đổi gì. Vết nứt của gia đình ông L. ngày càng lớn, xuất hiện thêm nhiều vết nứt hơn nhưng đáp lại các phản ánh của ông L. chỉ là cái nhìn thờ ơ của những công nhân xây dựng.

Suốt thời gian phản ánh chuyện công trình làm nứt nhà mình, ông L. chỉ gặp các công nhân xây dựng với cách ăn nói bỗ bã làm ông rất bức xúc. Lâu ngày, chuyện nhà bên cạnh làm rơi vãi hồ xây dựng xuống sân cũng thành chuyện để ông L. cãi nhau với những người thợ xây.

Khi căn nhà hoàn thiện phần thô thì những vết nứt nhà ông L càng lớn và một đầu cột trang trí trên mái có nguy cơ rớt xuống. Lúc này, ông L. gửi đơn phản ánh vụ việc đến UBND phường An Phú Đông và yêu cầu phải dừng thi công nhà bên cạnh.

Ông L. cho biết trước khi thi công, chủ nhà bên cạnh không có trao đổi và khảo sát nhà của ông mặc dù công trình thi công sát vách nhà ông. Đến khi ông phản ánh nhà bị nứt tường thì chủ nhà đang xây cũng không có biện pháp gì để hạn chế.

Ông L. chia sẻ: "Thật ra tôi không muốn cản trở hay làm khó người xây nhà mới. Hai nhà xây sát vách nhau không thể không có va chạm, ảnh hưởng đến nhau.

Tôi phải lên tiếng, phản ánh đến chính quyền vì lo vết nứt lớn dần thì có thể làm sập nhà, không an toàn cho gia đình tôi.

Nếu như trước khi xây nhà, chủ nhà bên cạnh khảo sát trước tình trạng nhà của tôi. Sau khi xây nhà, có hư hỏng gì thì hai bên cùng thương lượng sửa chữa thì tôi không phải phản ánh đến UBND phường yêu cầu ngưng thi công".

Ông Nguyễn Thanh Xuyên (trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng Sở Xây dựng TP.HCM): Chi phí khắc phục cao gấp nhiều lần chi phí đề phòng

nguyen thanh xuyên

Ông Nguyễn Thanh Xuyên, trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng Sở Xây dựng TP.HCM - Ảnh: N.H.

Về nguyên tắc thì chủ đầu tư công trình đang xây dựng phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về an toàn cho những công trình lân cận.

Ở TP.HCM xảy ra nhiều trường hợp xây dựng công trình mới gây ảnh hưởng đến công trình lân cận do nhiều nguyên nhân. Trước hết là những khu dân cư hiện hữu có nhiều nhà cũ, xây dựng đã lâu, đã bán sang tay nhiều đời chủ nên các chủ nhà hiện tại không hiểu hết về quá trình xây dựng nhà, không có hồ sơ thiết kế.

Do đó, chủ đầu tư xây dựng nhà mới nếu không khảo sát kỹ sẽ không có đủ thông tin như móng của các công trình xây dựng như thế nào, móng của nhà mình có ảnh hưởng đến nhà bên cạnh hay không, hoặc móng của nhà bên cạnh có xây lấn sang ranh đất nhà mình hay không... cùng nhiều yếu tố khác.

Bên cạnh đó, việc thi công xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận còn do nhà thầu thi công không chuyên nghiệp. Các chủ nhà còn khoán tất cả mọi việc trong xây dựng cho nhà thầu, trong khi các nhà thầu chủ quan, tối đa hóa lợi nhuận nên không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, nhất là an toàn cho công trình lân cận, trong đó có việc không khảo sát hiện trạng của các công trình lân cận trước khi thi công, dẫn đến không có biện pháp thi công phù hợp.

Trước tình trạng đó, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định số 44 năm 2016 về bảo đảm an toàn cho công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng.

Theo đó, các công trình xây dựng phải lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công và thi công phần ngầm công trình nhằm bảo đảm an toàn cho công trình lân cận. Những nhà ở riêng lẻ có tầng hầm, tầng bán hầm, móng bè, móng băng và có công trình hiện hữu liền kề cũng buộc phải thực hiện theo quyết định này.

Những trường hợp xây dựng nhà riêng lẻ bình thường khác, chủ nhà nên có bước khảo sát, ghi nhận hiện trạng những công trình lân cận trước khi xây dựng.

Khi cần thiết phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình lân cận, có khi phải chấp nhận tốn chi phí như gia cố móng, tường giáp ranh cho nhà lân cận để đảm bảo an toàn, vì nếu có sự cố sẽ phải tốn gấp nhiều lần chi phí cho khắc phục, bồi thường, chưa kể còn chịu trách nhiệm hình sự nếu có thiệt hại về người.

Ngoài ra, còn tránh những tranh chấp xảy ra khi xây dựng, hoặc khi có phản ánh việc lún nứt, nghiêng đối với công trình lân cận.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên