Siêu trăng xanh lần này sẽ tròn nhất vào lúc 14h25 ngày 19-8 theo múi giờ EDT, tức 0h25 khuya 20-8 theo giờ Việt Nam. Trăng được quan sát rõ nhất khi mọc lên phía trên đường chân trời phía đông vào ngày 19-8 nhưng cũng rất sáng và tròn trong ngày 18 và 20-8.
Những người yêu thích thiên văn có thể ngắm siêu trăng xanh lần này mà không cần các thiết bị hỗ trợ như ống nhòm hay kính thiên văn, theo LiveScience.
Trăng tròn vào tháng 8 dương lịch thường được gọi là trăng Sturgeon. Tuy nhiên, trăng tròn tháng này cũng được gọi là siêu trăng xanh do kết hợp của 2 hiện tượng siêu trăng (hiện tượng Mặt trăng tiến rất gần đến Trái đất vào thời điểm trăng tròn) và trăng xanh (hiện tượng trăng tròn xuất hiện 2 lần trong vòng một tháng dương lịch hoặc 3 lần trong 4 tháng).
Có 2 loại trăng xanh: một là trăng xanh theo tháng (lần trăng tròn thứ 2 trong cùng một tháng dương lịch) và một là trăng xanh theo mùa (lần trăng tròn thứ 3 trong 4 lần trăng tròn trong cùng một mùa thiên văn).
Kể từ ngày hạ chí 20-6, chúng ta đã trải qua hai lần trăng tròn vào tháng 6 và tháng 7. Trăng Sturgeon sẽ xuất hiện vào ngày 19-8 và lần trăng tròn kế tiếp - trăng Harvest - sẽ xảy ra tháng 9, trước ngày thu phân 22-9. Như vậy, trăng xanh tháng này chính là trăng xanh theo mùa.
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cả hai loại trăng xanh xảy ra 2-3 năm/lần. Trăng xanh theo mùa gần đây nhất là vào tháng 10-2020 và tháng 8-2021. Trăng xanh theo mùa tiếp theo sẽ xuất hiện vào tháng 5-2027.
Trăng tròn tháng này cũng là siêu trăng, và đây cũng là siêu trăng đầu tiên trong năm 2024.
Theo Space, trong năm nay sẽ có 4 siêu trăng. Ngoài trăng Sturgeon, các siêu trăng kế tiếp sẽ xuất hiện vào ngày 17-9, 17-10 và 15-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận