Tiền lì xì mang tính tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc - Ảnh: D.N.
" chủ yếu là người lớn chúc phúc cho trẻ con, tiền bao nhiêu không quan trọng, vậy mà nhiều người cứ móc ra 500.000, 1 triệu đưa cho tụi nhỏ, không cần cả bao lì xì, tôi thực sự phát hoảng", chị than thở.
"Thật sự tôi thấy khó xử, đồng tiền bây giờ có dễ kiếm đâu, ai cũng phải vất vả làm lụng mới có được. Người ta lì xì nhiều cho con mình, mình mang nợ người ta chứ có vui vẻ gì.
Điều tôi lo nhất là bọn trẻ sẽ nghĩ rằng tiền dễ kiếm, chúng sẽ không biết quý trọng đồng tiền bố mẹ làm ra. Chưa kể được lì xì nhiều tiền riết thành quen, chúng sẽ so đo sao người này lì xì nhiều, người kia lì xì ít.
Tôi mong muốn tiền lì xì cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ ngày tết, giúp trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Hơn nữa con tôi mới học lớp 1, tôi vốn định nhân chuyện lì xì ngày tết sẽ dạy con bài học về tài chính, cho bé biết cách cư xử đúng đắn với tiền lì xì nói riêng và giá trị của đồng tiền nói chung. Thế nhưng mọi người lì xì tiền trăm, tiền triệu khiến thằng bé 'ngợp', nó cứ nghĩ nó đang có rất nhiều tiền và có thể mua mọi thứ nó muốn", chị Khánh Nguyên, TP.HCM chia sẻ.
"Mùng 1 Tết ở nhà ông bà. Một người cầm xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng chuẩn bị lì xì cho các cháu. Những thành viên còn lại trong gia đình thấy "nóng mặt". Tính sĩ diện trỗi dậy và số tiền lì xì đã được chuẩn bị trước đó cũng thay đổi cho 'bằng người ta'. Tôi chứng kiến mà không biết nên nói cái gì cho phải" - một bà mẹ quê miền trung ngao ngán.
Còn chị L.X., Bình Định kể chị thật sự bị sốc khi lần đầu về làm dâu chị chứng kiến người lớn nhất trong gia đình, bà của mấy chục đứa cháu chắt, điềm nhiên khui từng bao lì xì mừng tuổi trước mặt con cháu, xem đứa nào mừng tuổi bao nhiêu, có cái bà cười có cái bà bĩu môi, có cái bà đem ra chì chiết sao ít vậy, con cháu keo kiệt.
"Đúng bi hài khi chứng kiến, dù cố tỏ ra hài hước để không khí mồng 1 Tết được vui vẻ nhưng thật sự nó khiến nhiều người phải suy nghĩ về cách hành xử của người lớn. Vì liền sau đó, các cháu trong gia đình khi nhận được tiền lì xì cũng vội khui ra ngay trước mặt người lớn, so bì nhau, cãi vả như chợ vỡ" - chị X. kể.
Qua trò chuyện, chị mới biết chuyện như vậy đã xảy ra nhiều năm, chẳng ai trong gia đình vui vẻ gì với chuyện lì xì mà có người còn cảm thấy áp lực khi chuẩn bị tiền lì xì.
"Ai lì xì nhiều thì bà mừng ra mặt khen nức nở, ai lì xì ít thì bà bĩu môi chê bai đủ điều. Đứa nhiều thì vênh váo, đứa ít thì chạnh lòng. Tôi tự nhủ không bao giờ để con tôi chứng kiến chuyện như vầy, ai ghét thì tôi chịu, nó không thể vẩn đục sớm bằng chuyện không đáng có này", chị dứt khoát.
Đừng đối xử "thô bạo" với tục lì xì
Lì xì là món quà tinh thần dịp đầu năm. Giá trị tờ tiền nằm trong bao lì xì bao nhiêu không hàm ý cho sự tài lộc, may mắn, mà quan trọng là thông điệp trao gửi của mỗi bao lì xì.
Tuy nhiên nhiều người lớn đang xem lì xì như một "thước đo" sĩ diện mà quên mất việc phải dạy dỗ con trẻ có ứng xử đúng với lì xì - một phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Khi trẻ nhận phong bao lì xì, cha mẹ cần dạy con có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết. Cần để trẻ hiểu rằng mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải để trẻ đánh giá tiền ít hay tiền nhiều trong mỗi phong bao. Và không phải kèm điều kiện, chúc là lòng thành chứ không để nhận được tiền.
Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác tưởng chừng rất đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn.
Không hành xử thô lỗ với bao lì xì, cạnh khóe người tặng ít hay nhiều tiền mừng trước mặt con, hãy để con hồn nhiên đón tết, vui tết, hưởng tết và lại háo hức chờ tết sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận