Mẹ chờ con trước hiên nhà - Tranh minh họa: NGỌC NHI
Tôi không biết với những đứa con tha hương, ước nguyện ngày Tết là gì. Nhưng với tôi, hay với nhân vật mà Đen Vâu hóa thân trong MV Mang tiền về cho mẹ, xuất thân từ vùng quê nghèo khó, phải bươn chải nơi đất khách quê người thì Tết, mang tiền về cho mẹ là một hành động đáp đền công ơn mẹ cha, sẻ chia, thấu hiểu với nhọc nhằn của mẹ. Và chắc chắn là làm mẹ vui.
Bởi mẹ tôi cần tiền. Đó là thực tế chẳng có gì phải ái ngại hay giấu giếm.
Mang tiền về cho mẹ - tôi thường trực suy nghĩ ấy trong đầu khi gia đình trải qua những cơn bĩ cực, mà mỗi lần vào tháng chạp, nỗi ám ảnh bạc tiền lại xâm lấn hết cả đầu.
Hồi ấy nhà tôi làm trang trại, thời gian đầu rất khấm khá. Tivi, xe máy, đầu băng… cái gì cũng có đầu tiên. Rồi dịch bệnh gia cầm, hàng ngàn con gà, vịt, chim cút… lăn đùng ra chết. Sáng nào ba tôi cũng bỏ từng bao tải xác, nhét đá vào trong ấy đem vứt xuống con khe trước nhà. Hồi ấy tôi không thấy y tế tới gom đi tiêu hủy như bây giờ.
Trang trại còn lại toàn lưới, chuồng, máng ăn khô khốc. Ba mẹ trắng tay, nợ chồng nợ. Như một cơn lốc, đến cuốn cái ào rồi đi một cách thật tàn nhẫn.
Cuối năm, những chủ nợ thức ăn gia cầm, thuốc, vật liệu làm trang trại… tới đòi. Tiền đâu mà trả? Trong nhà lại hằn học cãi nhau. Tôi lúc ấy là đứa con nít, thấy họ đòi nợ, thấy ba mẹ to tiếng, sợ đến điếng người. Cứ thế khóc và ám ảnh. Ước mong duy nhất của tôi lúc ấy là có tiền để mẹ trả quách cho người ta.
Rồi những năm về sau, nhà tôi cũng gượng lại với mô hình chăn nuôi trồng trọt khác, nhưng dễ gì trả hết nợ. Trong khi anh em chúng tôi ngày càng lớn, ăn học tốn kém hơn. Cuối tháng chạp vẫn có người tới trước sân đòi nợ. Tôi lại càng ước có tiền để không thấy cảnh mẹ khóc sau bếp.
Bây giờ đã chẳng phải nợ nần ai, nhưng mẹ vẫn tảo tần. Mẹ của các bạn có lẽ làm ngày 8 tiếng, lễ Tết có thưởng, về già có lương, hay làm những công việc khác nhàn nhã hơn, thu nhập tốt hơn. Còn mẹ tôi buôn bán, từ 4h sáng đến lúc tối mịt.
Tháng hè, nắng nung thiếu đường nứt cái sân bêtông ngoài chợ trời, mà mẹ tôi tầm 15h ngồi ngay đấy để bán. Những ngày mùa đông nhúng tay vào nước cũng ngại, mẹ tôi phải chạy xe mấy chục kilômet chở hàng, rồi căng dù ngồi giữa rét mướt. Tôi chỉ ước có thật nhiều thật nhiều tiền để mẹ nghỉ ngơi.
Mẹ từng chuyển cho tôi vài triệu, vài chục triệu, có khi trăm triệu để tôi lo việc của mình. Mẹ nói mẹ còn sức, còn làm được thì mẹ làm để giúp tụi con. Bạn nghĩ gì khi cầm tiền của mẹ? Tôi chỉ biết chữ thương và chữ hy sinh cho con là không đủ.
Mẹ dành cho tôi như thế, thì mang tiền về cho mẹ, có gì sai? Tôi thỉnh thoảng vẫn cho mẹ tiền, hay món quà nào đấy. Nhưng không bao giờ đủ so với những gì mẹ cho tôi, dù mẹ cho vô điều kiện.
Tôi muốn mang tiền về cho mẹ, càng nhiều càng tốt, để mẹ bớt gánh nặng lo toan, để mẹ biết rằng tôi hiểu mẹ đang vất vả kiếm tiền nên muốn sẻ chia. Để mẹ biết tôi đã ổn, có tiền để cho mẹ.
Mang tiền về cho mẹ không có nghĩa là chỉ mang vật chất về mà không yêu thương, không ấm áp, không nghĩa tình. Tôi không như vậy và Đen Vâu chắc chắn cũng chẳng nghĩ vậy.
Mang tiền về cho mẹ với tôi còn là một cách thụ hưởng. Tôi thụ hưởng niềm vui thành quả lao động của tôi được chuyển về cho mẹ qua những tờ tiền. Mọi người hay nói: tháng lương này dành cho mẹ, chuyến hàng này lãi bao nhiêu dành tặng mẹ, Tết này có thưởng để cho mẹ… Cũng là tiền cả, và không thể trách "niềm vui" mang tiền về cho mẹ ấy là sai.
"Mang tiền về cho mẹ" là thông điệp rất khôn ngoan, bởi trước tiên nghe qua là nhớ liền. Hai là nhắc đến chữ "tiền", nhạy cảm nhưng có tính chất nhắc nhở rất thẳng thắn. Thứ ba, là đúng thời điểm, cận Tết. Có đứa con nào về ăn Tết mà không muốn cho mẹ một ít, để mẹ vui hơn. "Mang tiền về cho mẹ" đúng quá chứ.
Còn mấy tuần nữa, tôi được gặp mẹ. Hỏi "mang gì về cho mẹ?", thì tôi cũng thản nhiên trả lời là tiền thôi. Mẹ muốn làm gì với tiền là quyền của mẹ. Được cho mẹ tiền, còn mẹ để cho mẹ tiền thì có gì hạnh phúc hơn?
Bạn đánh giá thế nào về thông điệp qua lời bài hát "Mang tiền về cho mẹ"? Tết này bạn dự định làm gì để cha mẹ hạnh phúc? Mời bạn gửi bài viết về địa chỉ mail [email protected]. Bài viết dưới 1.000 chữ, có ảnh phù hợp. Bài được chọn đăng có nhuận bút. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận