Phóng to |
Chương trình Cầu âm thanh sẽ khai mạc vào 19g30 đêm 24-2 tại số nhà 7, ngõ 462 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Đêm 24-2 là đêm diễn dành cho khách mời, đêm 25-2 vào cửa tự do. Sự kiện âm nhạc Cầu âm thanh là sự kiện thứ hai diễn ra tiếp theo chương trình Hội tụ ánh sáng trong dự án chung có tên Dòng chảy 1.000 năm. Đây là dự án của Đào Anh Khánh và một nhóm nghệ sĩ đương đại thực hiện nhằm góp thêm sắc màu trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sự kiện cuối cùng của dự án mang tên Cây đời sẽ diễn ra vào tháng 10-2010. |
Thuyết phục chục hộ láng giềng cho mượn mái ngói, sân thượng, kết hợp với studio 1.800m2 bên kia sông Hồng, tác phẩm sắp đặt của Đào Anh Khánh gồm hai sân khấu biểu diễn lớn. Một là chiếc cầu làm bằng tre dài 500m, vượt lên các nóc nhà và cây cối. Hai là khối hình cấu trúc vuông thành sắc cạnh nhiều bậc thang với độ cao 25m. Đây chính là nơi 20 nghệ sĩ sẽ chơi âm nhạc đương đại và 50 diễn viên sẽ mã hóa âm nhạc này bằng những chuyển động cơ thể.
Nhân vật chính ĐÀO ANH KHÁNH chỉ lên bậc thang cao nhất, nơi anh sẽ đứng hát và múa ngẫu hứng ở những phút cuối của đêm Cầu âm thanh nói: “Mọi chương trình nghệ thuật sắp đặt đều mang một ý tưởng nhất định, chứ không chỉ là những thứ bồng bềnh của ngôn ngữ nghệ thuật”.
* Những ai sẽ sát cánh bên anh trong chương trình Cầu âm thanh sắp tới?
- Cầu âm thanh thực chất là một đêm âm nhạc đương đại VN, kết hợp hầu hết các gương mặt của nghệ sĩ âm nhạc tiên phong của Hà Nội cùng một vài nghệ sĩ quốc tế đến từ châu Âu, châu Mỹ. Sẽ là Trí Minh, Kim Ngọc, Vũ Ngọc Tân, Xuân Sơn, Nguyễn Văn Cường, Thanh Lâm, Ngọc Đại, Linh Dung...và các nghệ sĩ từ các dòng âm nhạc khác như Thanh Lam, Tùng Dương (nhạc pop), Lê Tiến Đạt, Nguyễn Hồng Long (nhạc rock), Nguyễn Hồng Giang (noise music - nhạc tiếng ồn).
Các tác phẩm âm nhạc chủ yếu được thể hiện theo phong cách ngẫu hứng, phát huy cá nhân dựa trên sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau trong quá trình tập luyện giữa các nghệ sĩ. Ngoài ra công chúng còn được thưởng thức những hình ảnh thể hiện bằng các con chữ tượng thanh tiếng Việt của nghệ sĩ video Phương Vũ Mạnh, sắp đặt kết hợp với ánh sáng của Ngô Nhật Hoàng và thiết kế âm thanh của Công ty Quốc Trung.
Phóng to |
* Anh muốn mang đến thông điệp gì từ chương trình này?
- Huy động âm thanh, ánh sáng, nhân lực, tôi kỳ vọng hai đêm diễn sẽ mang đến một thế giới âm nhạc đầy năng lượng. Công chúng không chỉ đến để xem thứ vui vui đẹp đẹp của cây cầu nhiều màu sắc đang bay trên không trung. Tôi muốn khán giả của tôi nhìn thấy âm nhạc, trong đường cong uyển chuyển của cây cầu, trong tiếng hát của các nghệ sĩ, họ thấy mạnh mẽ hơn, thấy có sức sống không thể diễn tả bùng phát lên trong họ.
* Những chương trình của anh thường thu hút rất đông người xem. Điều đó có khiến anh lạc quan với vị trí của nghệ thuật đương đại VN?
- Khán giả nước ngoài thường nói với tôi họ ngạc nhiên về sức hút của nghệ thuật đương đại với công chúng bản địa. Những va đập của nghệ thuật đương đại đã lôi cuốn và đánh động được sự quan tâm của dân ta. Chúng tôi thu hút người xem bằng cách đưa ra những sản phẩm đủ tầm cho mọi tầng lớp khán giả cảm nhận.
Kết quả, tôi thấy người Hà Nội không thờ ơ, cho dù thái độ quan tâm đến nghệ thuật có thể bắt đầu bằng sự tò mò. Cho dù người ta hiểu hay không hiểu, hiểu hay chưa hiểu, nhưng ít ra công chúng đã nhìn thấy một hình ảnh mà họ quan tâm.
Những nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại VN là một trong những lớp nghệ sĩ mới đi liền với đời sống của người dân nhất. Chúng tôi không đứng xa, không nói một cách vuốt ve, chúng tôi nói thật, cố gắng truyền tải sự thật vào tác phẩm trong điều kiện có thể nhất. Tuy con số nghệ sĩ so với các lĩnh vực khác còn quá ít, nhưng chúng tôi đều là những con người có khả năng sáng tạo, có đủ sức mạnh để xây dựng nên những chương trình có tầm cỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận