Về khu phố Thạch Chẩm, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa (Phú Yên), hỏi thăm Đoàn Thái Linh thì hầu như ai cũng biết. Họ trầm trồ trước nghị lực của ba đứa con côi cút ấy trước sóng gió cuộc đời bao năm qua.
Vươn lên sau biến cố
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nép bên quốc lộ 1 của nhà Linh giờ đang nhờ người dì - bà Thái Xuân Thủy (44 tuổi) - trông coi vì cả ba đã vào TP.HCM, Bình Dương đi học, đi làm.
Mọi thứ đều trống trải, vắng lặng, chỉ có góc bàn thờ mẹ dường như vẫn tỏa ra hơi ấm cho ngôi nhà.
Hồi bé út Linh mới 9 tháng tuổi, cha bỏ bốn mẹ con đi lập gia đình mới. Một mình bà Thái Thị Huệ - mẹ Linh - quần quật đủ nghề nuôi ba đứa con thơ dại. Thế rồi năm 2018, bà Huệ đột ngột qua đời.
Anh Đoàn Thái Tuấn - anh cả Linh - vẫn nhớ như in khoảnh khắc định mệnh của mẹ. "Hôm đó mẹ đang ngồi cạnh tôi bán bắp trước nhà, tự nhiên đổ gục xuống. Tôi la lên rồi mọi người đến giúp đưa mẹ đi cấp cứu. Bác sĩ nói mẹ bị tiểu đường lâu năm đã biến chứng, suy nhiều cơ quan, không lâu sau thì mẹ mất" - Tuấn bùi ngùi.
Không có cha, mất mẹ, anh cả phải nghỉ học một năm, đi làm thợ sửa điện để nuôi sống ba anh em. Anh đi làm, hai cô em ở nhà thay nhau cơm nước, quét dọn.
"Tôi chỉ biết động viên em ráng học để mẹ yên lòng. Được cái hai đứa đều cố gắng học, nhiều năm liền bé Linh là học sinh xuất sắc, đỗ đại học 25,8 điểm" - Tuấn khoe.
Nhịn ăn sáng mua giáo trình
Thái Linh vừa trúng tuyển và nhập học ngành ngôn ngữ Trung Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Hiện cô bé đang ở ký túc xá Cỏ May (TP Thủ Đức). Anh cả Tuấn vừa học vừa làm, chị thứ Đoàn Thái Trân đang học năm hai Trường cao đẳng FPT nên khi nhận tin em út trúng tuyển đại học, cả ba thấy lo nhiều hơn mừng.
Thái Trân kể em gái út Thái Linh là đứa học giỏi nhất nhà từ bé. Vì vậy, chị Trân cũng cố gắng đi làm thêm phụ với anh cả vì ba anh em hứa với nhau phải nỗ lực hết sức mà học cho đến nơi đến chốn nên mỗi người cố thêm chút nữa.
Từ lúc vào Sài Gòn, cái gì cần lắm Linh mới dám chi tiêu. Nhiều ngày bạn nhịn đói lên giảng đường để bớt gánh nặng cho anh chị. "Hai anh chị cũng vừa học vừa làm, tiền đâu có nhiều nên mỗi tháng mình chỉ tiêu vài trăm ngàn thôi, rồi nhịn bữa sáng, tiết kiệm một số thứ để dành tiền mua giáo trình", Linh trải lòng.
Mê và quyết tâm theo học tiếng Trung từ lâu nhưng Linh không có điều kiện học thêm hay mua tài liệu gì. Cô gái quê Phú Yên ấy đặt mục tiêu hoàn thành đại học, trở thành giáo viên dạy tiếng Trung vì từ nhỏ đã mơ ước làm cô giáo đứng trên bục giảng.
Linh nói làm vậy cũng là thực hiện ước mong của mẹ khi còn sống bởi cảm kích ân tình nhiều thầy cô thương cảnh nghèo từng dạy thêm miễn phí cho Linh.
Ân nhân của ba anh em
Ba anh em nhắc về thầy Nguyễn Bảo Toàn - phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên - như một ân nhân của đời mình. Vốn hay làm thiện nguyện, thầy Toàn đã thấu hiểu gia cảnh nên tìm cách giúp đỡ cả ba anh em Linh.
Thầy đã huy động mọi nguồn lực có thể để giúp mấy anh em cùng với chia sẻ của nhiều người để có thể theo tiếp con đường học hành.
Cô Huỳnh Thị Thanh Cúc - giáo viên chủ nhiệm - nói Linh có tinh thần quyết tâm và nỗ lực rất lớn mới có thể vào đại học với hoàn cảnh như vậy. Đó là cô học trò đam mê và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung khá tốt. "Tôi mong mọi người sẽ giúp Linh hoàn thành giấc mơ của em" - cô Cúc gửi gắm.
21 mùa vượt khó cùng tân sinh viên Phú Yên
Chiều nay (4-11), báo Tuổi Trẻ phối hợp Tỉnh Đoàn Phú Yên trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 60 tân sinh viên khó khăn cùng 40 học bổng cho học sinh THCS và THPT mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Phú Yên. Ngoài ra còn tặng 10 phần quà cho giáo viên vượt khó dạy tốt.
Tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng do Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên tài trợ. Trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm) và 58 học bổng (15 triệu đồng/suất), còn học bổng cho học sinh là 5 triệu đồng/suất. Mỗi phần quà tặng giáo viên 6 triệu đồng (5 triệu đồng tiền mặt và quà tặng 1 triệu đồng).
Dịp này, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng quà cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng hai laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận