17/11/2018 07:26 GMT+7

Tôi may mắn nhận 7 từ 'nặng ngàn cân' từ một người thầy

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Những ngày tháng 11, tôi đọc được bài viết '7 từ nặng ngàn cân trong giáo dục' trên Tuổi Trẻ Online và nhận ra mình may mắn khi từng nhận được 7 từ ấy từ thầy hiệu trưởng nay đã về hưu.

Tôi may mắn nhận 7 từ nặng ngàn cân từ một người thầy - Ảnh 1.

Năm 2007, tôi ra trường và nhận công tác tại một trường cấp 2 xa xôi. Những ngày đầu đến lớp, tôi cùng nhiều đồng nghiệp trẻ đều gặp vô số trở ngại, trắc trở.

Khó khăn lớn nhất của tôi lúc đó là tạo ra được cái uy của người thầy trước học sinh. Vóc người bé nhỏ, khuôn mặt non nớt lại được bố trí vào dạy lớp 7, 8 và hết học kỳ chuyển lên dạy lớp 9, tôi hoàn toàn bị "khớp" trước học sinh.

Cái cảm giác lời nói của mình không đủ sức thuyết phục học trò cùng ánh mắt tinh nghịch và những câu trêu chọc của các em làm tôi bối rối.

Khổ nhất vẫn là công tác giáo dục học sinh cá biệt. Mấy cậu học trò đang ở lứa tuổi "dở dở ương ương" ấy có đủ mọi tính xấu của "nhất quỷ, nhì ma", nào là lười học, trốn học, mất trật tự, quậy phá trường lớp và thậm chí là vô lễ với giáo viên.

Giáo viên bộ môn thường réo gọi "Em ơi, học sinh lớp em thế này, thế kia…". Giờ chào cờ đầu tuần các em vi phạm bị phê bình liên tục. Mời phụ huynh hôm trước thì hôm sau tiếp tục vi phạm. Và tôi thường xuyên bị nhà trường, ban giám hiệu nhắc nhở về công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Một lần, quá bất lực trước các em học sinh vi phạm, tôi tìm xin lời khuyên của thầy hiệu trưởng thì nhận được một "gáo nước lạnh": "Cô dạy dỗ học trò không được thì cô kêu tôi, không lẽ tôi dạy học sinh không xong tôi réo ông trưởng phòng giáo dục? Cô tự lo!".

Thế là tôi lại quay về với áp lực giáo dục học sinh cá biệt. Đơn độc. Lẻ loi. Không có bất kỳ sự trợ giúp nào.

Thời gian ngắn sau đó, trường tôi đón nhận thầy hiệu trưởng mới theo định kỳ luân chuyển cán bộ quản lý. Thầy nhẹ nhàng và tâm lý vô cùng với đội ngũ giáo viên trong trường.

Với thầy, mọi người có thể nói chuyện cởi mở, đề xuất ý kiến thẳng thắn. Ngược lại, thầy cũng khá chân tình trong góp ý giáo viên, không hề tách bạch mình ra khỏi nhiệm vụ của riêng giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm.

Điều tôi khâm phục nhất ở thầy chính là sự đồng hành của người lãnh đạo trong mọi hoạt động của giáo viên. Thầy biết sự khó khăn trong công tác giáo dục học sinh cá biệt của giáo viên trẻ chúng tôi nên thưởng mở lời: "Nếu em A, em B chưa có tiến bộ sau khi em đã làm việc với phụ huynh, hãy gởi giấy mời lần nữa".

Và ở cuộc họp ấy, không chỉ giáo viên, phụ huynh học sinh vi phạm mà ban giám hiệu, tổng phụ trách đội cũng tham dự. Trước ý kiến của người đại diện cao nhất trường và các đoàn thể liên quan, nhận thức của phụ huynh, học sinh cũng như ý thức học tập, rèn luyện của học sinh có nhiều thay đổi tích cực.

Thầy cũng thường cùng giáo viên chủ nhiệm chúng tôi và hội phụ huynh đến vận động học sinh trở lại lớp, không nề hà, không quy trách nhiệm cho bất kỳ một cá nhân nào.

Tôi nhớ nhất mỗi lần bước vào phòng hiệu trưởng để xin trợ giúp, tôi đều được thầy lắng nghe chân tình. Chính điều đó khiến áp lực giáo dục học sinh cá biệt trong chúng tôi vơi dần.

Thầy không trực tiếp hỏi chúng tôi "What can I do to help you?" nhưng thầy đã hành động đúng với phương châm lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với giáo viên trong mọi hoạt động.

Và giờ đây, tôi càng thấm thía hơn về giá trị của 7 từ "nặng ngàn cân" trong giáo dục ấy. Để rồi trong hành trình cầm phấn còn dài của mình phía trước, tôi sẽ cố gắng đổi thay, bắt đầu từ những điều đơn giản nhất "Bạn có cần tôi giúp gì không?".

Xin tri ân những bài học đầu tiên trên bục giảng từ một người thầy đáng kính!

Cảm ơn thầy và trận đòn 50 năm vẫn nhớ

TTO - Tôi đã thấy thầy đánh đòn nhiều đứa nhưng chưa bao giờ thầy giận như lúc đánh tôi hôm đó. Trận đòn tôi nhớ đến tận bây giờ, với lòng biết ơn thầy vô hạn...

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên