Tỏi Lý Sơn chủ yếu được bán cho du khách và nhu cầu làm giống xuống vụ của người dân - Ảnh: TRẦN MAI |
Theo tìm hiểu, tỏi Lý Sơn khô loại thường được bán tại đảo hiện có giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, trong khi loại tỏi “cô đơn” (mỗi củ chỉ có 1 tép) có giá bán từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. So với thời điểm này năm ngoái, tỏi loại thường chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg và tỏi “cô đơn” hơn 800.000 đồng/kg, giá tỏi Lý Sơn đã tăng gấp ba lần.
Ông Phạm Dương (79 tuổi, xã An Hải, Lý Sơn) cho biết dù có giá cao nhưng gia đình ông cũng như nhiều người khác tại địa phương không còn hàng để bán cho thương lái dù nhu cầu rất lớn.
Thông tin từ Hiệp hội sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn cho biết giá tỏi Lý Sơn tăng cao do vụ tỏi năm 2015 - 2016 mất mùa nặng. Toàn huyện có đến hơn 242/336ha tỏi bị bệnh tuyến trùng rễ và vàng lá nên năng suất giảm 45 - 70%, thậm chí nhiều diện tích tỏi mất trắng hoàn toàn.
Tổng sản lượng tỏi khô trên địa bàn huyện chỉ đạt 825 tấn, giảm 1.832 tấn so với vụ tỏi đông xuân 2014 - 2015, ước thiệt hại hơn 128,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên tại TP Quảng Ngãi, nhiều chủ cửa hàng bán hành tỏi vẫn có “tỏi Lý Sơn” để bán với số lượng “bao nhiêu cũng có”, kèm theo khẳng định “tỏi Lý Sơn chính hiệu”, dù giá bán tỏi loại thường chỉ có 150.000 đồng/kg.
Khi chúng tôi thắc mắc rằng tỏi Lý Sơn mua ngay trên đảo lên đến 180.000 đồng/kg và chính quyền cũng thông báo hết hàng để cung cấp vào đất liền, một chủ cửa hàng tỏi thừa nhận “tỏi Lý Sơn” được bày bán thực ra là tỏi được trồng tại Khánh Hòa, nhưng sử dụng giống tỏi Lý Sơn và được chính người Lý Sơn trồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Định - phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn - thừa nhận nếu nhìn bằng mắt thường chỉ có thể phân biệt được giữa tỏi Lý Sơn với tỏi Trung Quốc và tỏi Thái Lan, còn với “tỏi Lý Sơn” trồng ở Khánh Hòa thì... chịu, do cùng giống tỏi Lý Sơn và được chính người Lý Sơn tổ chức sản xuất.
Ông Lê Văn Đôi - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn - thừa nhận ngay cả những người trồng tỏi kỳ cựu tại Lý Sơn cũng rất khó phân biệt sự khác nhau giữa hai loại tỏi này. “Cách tốt nhất là người tiêu dùng nên đến các điểm bán tỏi Lý Sơn có uy tín mua để tránh bị mua nhầm”, ông Đôi nói.
Từng dành nhiều thời gian nghiên cứu về tỏi Lý Sơn, TS nông nghiệp Nguyễn Thị Thủy cho biết Lý Sơn là huyện đảo duy nhất trồng tỏi, nên hàm lượng tinh dầu trong tỏi Lý Sơn cao hơn những vùng khác.
So sánh giữa tỏi Lý Sơn “chính hiệu” với tỏi giống Lý Sơn và được người dân Lý Sơn trồng ở Khánh Hòa, bà Thủy cho rằng cùng nguồn giống và cách sản xuất như nhau sẽ cho ra sản phẩm gần như tương tự, chỉ có hàm lượng tinh dầu trong tỏi là khác nhau do thổ nhưỡng Lý Sơn là đặc thù.
“Tuy nhiên, rất khó để phát hiện bằng mắt thường, trừ khi nghiên cứu về hàm lượng mới có thể đánh giá được”, bà Thủy nói.
Chặn “tỏi Lý Sơn” từ đất liền đưa ra đảo Theo bà Phạm Thị Hương - phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nhằm ngăn chặn “tỏi Lý Sơn” từ đất liền được vận chuyển ra đảo để bán với giá hiện nay, chính quyền địa phương đã yêu cầu các tàu trên tuyến giao thông đường biển Sa Kỳ - Lý Sơn cam kết không chở tỏi trồng từ nơi khác ra đảo Lý Sơn, nếu tàu nào vi phạm sẽ bị cấm hoạt động. Riêng tàu cá chở tỏi ra đảo Lý Sơn sẽ bị tước giấy phép khai thác thủy sản. “Chúng tôi vẫn kiểm soát tốt lượng tỏi tại Lý Sơn. Du khách ra đảo có thể an tâm mua về làm quà mà không cần phải lo lắng”, bà Hương khẳng định. |
Tỏi Lý Sơn có “vương quốc mới” Nhiều năm trước, khi việc trồng tỏi ở đảo Lý Sơn bắt đầu gặp khó khăn do diện tích đất trồng ngày càng thu hẹp, nhiều người con của hòn đảo này đã bắt đầu ra đi tìm đất mới cho cây tỏi. Và đến nay, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được xem là “vương quốc mới” của tỏi Lý Sơn trong đất liền. Ông Võ Ái Nhân (năm nay 55 tuổi) - một trong những người đầu tiên thử nghiệm giống tỏi Lý Sơn trên đất liền - cho biết sau khi rời Lý Sơn vào năm 1996, ông đi khắp các vùng ven biển VN và đã phát hiện vùng đất xã Ninh Phước có đất cát pha vôi, loại đất cát gần giống với đất cát ở Lý Sơn, nên đã trồng thử nghiệm gần nửa hecta tỏi. Cây tỏi sinh trưởng tốt, xanh tươi trên vùng đất cát bao đời khô khát. Thành công ngoài mong đợi, ông Nhân mở rộng diện tích trồng tỏi lên 1,2ha, thu lãi hàng trăm triệu đồng/vụ. “Sau thành công ban đầu, tôi chia sẻ kinh nghiệm trồng tỏi của mình cho bà con Ninh Phước và dần dần, cả vùng này phủ xanh với cây tỏi” - ông Nhân kể. Bà Trịnh Thị Thùy Linh - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật Khánh Hòa - cho biết tỏi Lý Sơn trồng ở Khánh Hòa trên diện rộng đã hơn 10 năm nay, với diện tích hiện lên đến 572ha, năng suất 6-7 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở vùng đất cát hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa. “Các vùng đất trồng tỏi đều được tưới nước bằng hệ thống phun sương thay cho cách tưới bằng sức người, nhưng đòi hỏi vốn đầu tư từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Bù lại, nhờ thuận lợi có điện, nước đầy đủ, phun tưới thoải mái nên cây tỏi luôn xanh tốt. Triển vọng phát triển cây tỏi Lý Sơn trên đất Khánh Hòa là rất tốt” - bà Linh khẳng định. Theo ông Trương Hữu Lan - chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa), trong giai đoạn 2016 - 2020, tỏi Lý Sơn trên đất Khánh Hòa sẽ được xây dựng thành “cánh đồng lớn” để hình thành các hợp tác xã trồng tỏi và liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm lo đầu ra cho bà con nông dân, tránh việc thương lái mua bán tỏi thao túng thị trường. Trước mắt, một công ty đang hợp tác với bà con trồng tỏi. “Công ty này đã đến các vùng trồng tỏi Lý Sơn trên địa bàn Khánh Hòa để lấy mẫu và đi chào hàng. Mẫu tỏi của hộ gia đình nào đạt chất lượng theo yêu cầu người mua, chúng tôi sẽ tổ chức cho sản xuất theo đơn hàng”, ông Lan nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận