TTCT - “Tôi luôn cảm thấy mình “mắc nợ” với nông dân và tâm niệm làm sao để hạn chế tối đa những thiệt hại của dân mình do thiên tai” - giáo sư Trần Đình Hòa (phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), vị giáo sư trẻ nhất năm 2013 vừa được đặc cách công nhận, người cũng xuất thân từ gia đình nông dân - chia sẻ với TTCT. Công trình cống đập Thảo Long (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Viện Thủy công“Điểm cộng” đặc biệt để Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quyết định đề nghị đặc cách công nhận chức danh giáo sư cho phó giáo sư Trần Đình Hòa chính là Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2012 cho cụm công trình “Ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan di động”, giải nhất Giải thưởng công nghệ ACECC cho công nghệ “Đập sà lan di động” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á - Thái Bình Dương mà ông là đồng tác giả.Theo Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, gọi là đặc cách nhưng các tiêu chí về điểm bài báo khoa học ông Hòa đều vượt chuẩn. Duy có tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư buộc ứng viên phải hướng dẫn chính hai nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công, ông Hòa mới hướng dẫn thành công một nghiên cứu sinh. Bù lại, ông có những nghiên cứu sinh khác đang chờ được bảo vệ. “Cụm công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được ứng dụng vào thực tế sản xuất cho nhiều công trình trong cả nước, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỉ đồng, hạn chế thấp nhất việc người dân phải di dời khỏi nơi sản xuất truyền thống... đủ để minh chứng cho một nghiên cứu ứng dụng xuất sắc. Đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu tiên một ứng viên ngành khoa học kỹ thuật ứng dụng giành được vị trí giáo sư trẻ nhất vì lâu nay để đạt thành tựu ở lĩnh vực này phải chờ nghiên cứu đi vào thực tiễn rất mất thời gian” - GS.TSKH Trần Văn Nhung, tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, lý giải. Giáo sư Trần Đình Hòa đoạt hai giải thưởng đặc biệt xuất sắc về khoa học và công nghệ: - Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho cụm công trình “Ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan”, năm 2012 (đồng tác giả).- Giải nhất Giải thưởng công nghệ ACECC cho “Công nghệ đập sà lan di động” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á - Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007 (đồng tác giả).Ông còn sở hữu hai giải: Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam - VIFOTECH (năm 2004, 2006), Giải thưởng Bông lúa vàng Bộ NN&PTNT năm 2013; hai bằng độc quyền sáng chế, một chứng nhận quyền tác giả và nhiều bằng khen khác“Mắc nợ” nông dânHẳn những thầy cô, bạn bè và người dân thị trấn Nghèn - Can Lộc (Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ một cậu học sinh nghèo một buổi đi học, một buổi theo cha đi kéo xe, khuân vác nơi bến cảng gần nhà gần 30 năm trước. Cả sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư Hòa sau này cũng gắn chặt với đồng ruộng, nông thôn. Quá thấu hiểu những tổn thất nặng nề mà bão lũ, rồi hạn hán khắc nghiệt gây ra cho vùng quê nghèo khó của mình, giáo sư Hòa đã xác định rõ mục tiêu đeo đuổi của mình từ trẻ: nghiên cứu các giải pháp ứng phó, giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai. Ông cho rằng cá nhân mình và giới khoa học nói chung luôn “mắc nợ” với nông dân trong việc làm sao hạn chế tối đa thiệt hại về người và của trong lũ lụt, hạn hán, thiên tai, dẫu biết rằng đó hoàn toàn không phải vấn đề đơn giản có thể giải quyết một sớm một chiều.Giáo sư Hòa không chỉ là giáo sư trẻ nhất của năm 2013, ông còn là người đạt được chức danh giáo sư ít tuổi nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Trước đó, khi được công nhận chức danh phó giáo sư ở tuổi 37, ông là phó giáo sư trẻ nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.“Nếu chỉ có tố chất khoa học thể hiện bằng nghiên cứu không thôi, hẳn nhiều đề tài dù nghiệm thu xuất sắc vẫn có nguy cơ nằm sâu trong ngăn kéo. Hòa có sự nhạy cảm đặc biệt với thực tế sản xuất, biết nông nghiệp, nông dân đang cần hỗ trợ gì”- giáo sư Nguyễn Tuấn Anh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ NN&PTNT), nhận xét. Nhiều vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long vốn có cơ cấu mùa vụ liên tục được chuyển đổi, nay lúa mai tôm, rất cần các giải pháp tạo các “hồ chứa” bằng việc ngăn các cửa sông lớn để giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn mà không cần thi công “cứng” gây mất đất và khó chuyển đổi. Vì vậy, không giải pháp ngăn sông nào lý tưởng hơn là tạo hồ chứa bằng đập sà lan di động. Vấn đề là không hề dễ dàng để “tiếp thị” được nghiên cứu này, không dễ để thuyết phục về khả năng ứng dụng thực tiễn của đề tài khi chúng có nguyên lý làm việc hoàn toàn khác với truyền thống. Giáo sư Trương Đình Dụ - người thầy, người cộng sự thân thiết của giáo sư Hòa, đồng thời là chủ trì của cụm đề tài “Ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan di động” - nhớ mãi hành trình gian nan nhóm tác giả đi mời chào ứng dụng. Kể cả khi ứng dụng thành công, mức đầu tư giảm tới 30-40%, làm lợi rất lớn cho đất nước, nhưng lại động chạm tới một vấn đề “tế nhị” là trực tiếp làm giảm thu nhập của đội thiết kế, thi công và người quản lý khiến họ kém “mặn mà”, việc ứng dụng vì vậy vẫn gặp không ít khó khăn.Mục tiêu ban đầu của công trình là thực hiện ý tưởng xây đập trụ đỡ, đập sà lan nhằm tạo các “hồ chứa” bằng cách ngăn các cửa sông lớn để giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn cho những vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đến nay, những ứng dụng của giải pháp ngăn sông theo công nghệ mới này đang có triển vọng áp dụng cho cả miền Bắc. “Tương lai đây sẽ là một trường phái làm công trình thủy lợi mới, có tác dụng điều tiết nước, giúp hạ du luôn có nước ngay cả trong mùa khô khắc nghiệt, khi các hồ trữ nước không có điều kiện xả nước cho hạ du chống hạn” - giáo sư Tuấn Anh nhấn mạnh.Giáo sư Trần Đình Hòa - Ảnh: Nguyễn KhánhLàm khoa học... mạo hiểmKhi tôi tìm gặp giáo sư Hòa, có thuyết phục thế nào, nhà khoa học trẻ với nụ cười hiền này cũng kiên quyết không nói về bản thân. “Để mọi người nhận xét sẽ khách quan hơn”- giáo sư Hòa từ tốn nói.Sự khiêm nhường ấy trái ngược với sự quyết liệt của ông trong nghiên cứu và đưa nghiên cứu vào ứng dụng. Khi vào công tác tại Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Trần Đình Hòa đã lặng lẽ đeo đuổi đam mê nghiên cứu của mình, dự hầu hết các hội thảo khoa học. “Có những hội thảo bàn nhiều vấn đề “quá tầm” với một kỹ sư mới ra trường lúc ấy, nhưng Hòa vẫn cặm cụi đến nghe từ đầu đến cuối. Có lẽ đó là vốn liếng đặc biệt để Hòa có được những thành quả sau này”- giáo sư Tuấn Anh nhớ lại. Năm 2004, Trần Đình Hòa được chọn làm trưởng Ban nghiên cứu chiến lược và phát triển công nghệ khi vừa tròn 34 tuổi. Việc một cán bộ mới ra trường chừng 10 năm đứng đầu đơn vị có chức năng gắn kết giữa những nhà khoa học trẻ và những người có kinh nghiệm đi trước là điều không dễ thuyết phục ngay, nhất là khi thành viên của ban chiến lược quan trọng này có nhiều “cây đa cây đề” trong lĩnh vực khoa học thủy lợi.“Với một người trẻ có năng lực, sự cầu thị và cống hiến không ngừng như Hòa, không phải chỉ một lần tôi đưa ra quyết định mạo hiểm. Khi bổ nhiệm Hòa vào vị trí trưởng Ban nghiên cứu chiến lược và phát triển công nghệ với kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển công nghệ của viện, không phải ai cũng ủng hộ ngay bởi lý do rất dễ hiểu: Hòa quá trẻ. Câu trả lời cho quyết định này cũng phải 10 năm sau mới có khi các thành viên của Ban nghiên cứu chiến lược giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2012” - giáo sư Nguyễn Tuấn Anh kể. Đó không phải là lần duy nhất vị viện trưởng này “đánh cược” với công trình của giáo sư Dụ, giáo sư Hòa. Vào thời điểm đó chưa có những điều khoản bắt buộc phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về xây dựng công trình, chỉ yêu cầu tuân theo đúng quy trình, quy phạm đã có. Nên nếu lãnh đạo không cho ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng công trình cũng chẳng sai, chẳng có cớ gì để trách. Năm 2002 được xem là thời điểm bước ngoặt để đưa đập trụ đỡ thành giải pháp thi công của các công trình lớn. “Khi đó, để xây dựng đập Thảo Long (Thừa Thiên - Huế), Bộ NN&PTNT cho nhiều đơn vị tham gia thiết kế phương án để so sánh, trong đó có cả phương án của một công ty Pháp. Trước khi quyết định chọn phương án đập trụ đỡ, thứ trưởng Bộ NN&PTNT khi đó là GS.TSKH Phạm Hồng Giang có hỏi Viện Khoa học thủy lợi có dám nhận công trình này và đảm bảo chắc thành công không, giáo sư Dụ - chủ nhiệm đề tài - khẳng định sẽ thành công. Thứ trưởng Giang hỏi lại: “Một mình giáo sư Dụ hứa chưa đủ. Nếu không thành công, viện trưởng sẽ bị cách chức. Như vậy, các anh có dám nhận không?”. Tôi với tư cách viện trưởng khi đó đã đáp lời: Viện hoàn toàn làm được. Nếu không, tôi chấp nhận bị cách chức. Đánh cược như vậy vì tôi tin vào giáo sư Dụ và những cộng sự trẻ như anh Hòa” - giáo sư Tuấn Anh nhớ lại. Công trình cống đập Thảo Long nay vẫn là công trình cống đập lớn nhất Đông Nam Á. Giáo sư Hòa đóng vai trò đồng chủ nhiệm (sau khi giáo sư Dụ nghỉ quản lý), trực tiếp nghiên cứu giải pháp kết cấu, lắp đặt vận hành hệ thống cửa van đóng mở của công trình đã tạo dấu ấn đặc biệt, bởi “cửa van mở nặng đến 60 tấn, rộng 32m, cao 4m mà đến khi lắp trong nước, độ chính xác được tính đến milimet”- giáo sư Tuấn Anh tự hào kể. Cách xây dựng cống truyền thống yêu cầu tất cả kết cấu cống phải thi công trong hố móng khô và rộng. Thi công theo cách này ít khó khăn với cống nhỏ, nhưng với cống trên sông lớn, sâu rộng thì quá phức tạp và tốn kém. Công nghệ ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan khắc phục nhược điểm này khi tạo ra nguyên lý làm việc phù hợp với công nghệ xây dựng cống dưới lòng sông mà hoàn toàn không phải làm hố móng rộng.Đập trụ đỡ có khả năng xây dựng các công trình ngăn sông lớn vùng ven biển mà công nghệ truyền thống không đáp ứng được. Đập sà lan lại có khả năng di dời cống đến một vị trí mới khi cơ cấu sản xuất thay đổi và có thể xây dựng cống giữa vùng dân cư dày đặc. Nhờ vậy, theo giáo sư Trương Đình Dụ, cụm công trình này có giá trị quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội về bảo đảm cảnh quan sinh thái tự nhiên của dòng sông, tiết kiệm vật liệu xây dựng.Thời gian thi công được rút ngắn khoảng 30%, vốn đầu tư giảm 25-40%. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng giảm đến mức 80-85% so với phương án cống đặt trên bờ. Ví dụ cống Mương Chuối trong dự án chống ngập khu vực TP.HCM nếu làm kiểu đập trụ đỡ dưới sông giảm được 700 tỉ đồng so với phương án truyền thống đặt trên bờ.Đến nay, theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng công nghệ này trong thi công một loạt công trình đã làm lợi cho Nhà nước khoảng 1.300 tỉ đồng. Tags: Ngọc HàGiáo sư Trần Đình HòaViện Khoa học thủy lợi Việt NamCống đập Thảo Long
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro BÔNG MAI 25/11/2024 Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.