Trà My mắc bệnh và bị khuyết tật nặng từ bé - Ảnh: NVCC
Nguyên cái dãy khu tập thể gồm 10 nhà thì ai cũng sinh 1-2 con, còn riêng nhà tôi đã có ba đứa con.
6 người ăn 10.000 đồng một ngày
Lúc bấy giờ chỉ có ba tôi là lao động chính, mẹ phải ở nhà giữ ba đứa nhỏ. Chả hiểu sao từ bé tôi đã ý thức được cái nghèo lúc mẹ tôi vỡ kế hoạch mang thai đứa thứ tư.
Đúng là từ nhỏ tôi đã bị ám ảnh cái nghèo, ám ảnh cảnh đông con, ám ảnh cảnh toàn phải đi xin vật dụng cũ và ám ảnh những bữa cơm chỉ có rau muống, đậu hũ, bí đao.
Đó là những món mà nhà tôi thay phiên nhau để ăn, đến mức có người hàng xóm ngạc nhiên hỏi sao nhà tôi ăn vậy không ngán?
Cái nghèo ám ảnh tôi đến nỗi tôi đã tự hứa với lòng mình sau này lớn lên phải kiếm thật nhiều tiền để có thể mua sắm những vật dụng cho ba mẹ, chứ quyết không đi xin ai cả.
Tuy bị khuyết tật nhưng từ nhỏ đầu óc tôi đã rất nhạy bén với thế giới xung quanh, luôn mơ mộng và cũng là "sư tổ" của những câu hỏi. Ngồi một chỗ và thế giới bên ngoài của tôi chỉ là cái tivi 14 inch cũ kỹ, nhưng mỗi lần tivi chiếu cái gì là thể nào tôi cũng quay sang hỏi người bên cạnh.
Càng không biết đọc thì tôi càng hỏi nhiều hơn. Thậm chí em giở sách giáo khoa ra là tôi cũng phải hỏi. Mỗi lần thấy ba mẹ dạy em gái tôi học là thể nào tôi cũng kiếm tờ giấy và cây bút để ngồi kế bên mà cố nguệch ngoạc.
Lúc đó tôi chả biết viết hay biết vẽ gì đâu, nhưng trẻ con đứa nào chả thích bắt chước, nhất là đứa bé sở hữu "bộ não rất hiếu động" như tôi.
Lúc tôi lên 10 tuổi thì em gái tôi đã học lớp 3, đứa em trai thứ ba vào lớp 1, còn đứa út mới được 1 tuổi. Cái nghèo càng nhân lên khi có thêm đứa con đi học.
Tôi nhớ có lần mấy chị em tôi ngồi quanh ba để chơi thì ba đã hỏi mấy chị em tôi rằng: "Nhà mình một ngày ăn hết 10.000 đồng thì 30 ngày sẽ ăn hết mấy?". Suy nghĩ một hồi, chỉ có tôi là đứa trả lời là 300.000 đồng.
Đó là số tiền lương ba tôi nhận hằng tháng từ công việc tài xế và có lẽ tương ứng với 3 triệu đồng cho thời điểm này.
Tôi không hiểu sao lúc đó tôi đã tính toán được dù ngay cả việc cộng, trừ, nhân, chia tôi vẫn chưa hề biết. Nhưng tôi vẫn ý thức được mỗi ngày gia đình tôi chỉ được phép tiêu 10.000 đồng cho sáu người ăn cả ba bữa sáng, trưa, chiều.
Nhưng cô đã tự học đọc, học viết để sau này thành nhà văn - Ảnh: NVCC
Đứa em là cô giáo... gõ đầu tôi
Rồi hằng đêm khi thấy ba mẹ tôi thay phiên nhau dạy hai đứa em học, tự dưng nỗi "uất ức" của tôi càng nhân lên. Tôi thấy những đứa trẻ quanh mình và hai em ngày ngày được đi học, về đến nhà được học bài, được đọc truyện tranh, được đọc báo dành cho thiếu nhi. Và tôi hay nghe ba tôi dạy các em rằng: "Ấu bất học. Lão hà vi".
Tức nếu nhỏ không chịu học thì lớn lên sẽ đi ăn mày. Tôi bị ám ảnh câu nói đó và bắt đầu mơ hồ nhận ra sự khác biệt của mình với mọi người xung quanh cũng như lo sợ tương lai của mình.
Tôi bắt đầu khao khát biết chữ và xin ba mẹ cho tôi được đi học như các em. Ngày nào tôi cũng năn nỉ để được đến trường học. Nhưng mẹ tôi không hề biết đi xe máy, ba tôi lại thường xuyên đi công tác.
Và khổ nỗi các trường học dành cho trẻ khuyết tật đặc biệt như tôi thì tôi lại quyết tâm không học. Còn những trường bình thường chả ai dám nhận đứa trẻ có thể trạng yếu ớt và dị dạng như tôi khi đi lại khó khăn với chiếc xe đẩy và giọng nói chỉ là những âm ú ớ không rõ tiếng.
10 tuổi tôi bắt đầu ý thức về sự kỳ thị mà mọi người xung quanh dành cho mình, họ bàn tán rất nhiều về tương lai tôi sau này. Hằng đêm tôi đã bắt đầu biết khóc một mình. Tôi bỗng thành đứa trẻ suy nghĩ tiêu cực: thường xuyên oán trách và đổ lỗi sao số phận sinh ra mình dị biệt như vậy?
...Tuy nhiên, tôi không thể mãi chỉ ngồi nguyền rủa số phận. Không được đi học thì tôi nhờ em tôi dạy chữ. Tay tôi yếu, người cũng yếu đến mức mọi sinh hoạt tắm rửa, ăn uống, mặc áo quần, vệ sinh cá nhân đều do mẹ và em gái tôi giúp làm cho đến tận năm tôi 16 tuổi gia đình mới tập cho tôi sự tự lập.
Hằng đêm ba đứa trẻ ngồi vào bàn học, và em gái tôi đã trở thành "cô giáo" để dạy cho một thằng em trai đang học lớp 1 và một người chị khuyết tật suốt ngày chỉ biết ú ớ hỏi đủ thứ trên đời.
Gọi là viết chữ cho oai chứ thật ra con chữ của tôi chẳng khác nào giun bò, chưa kể tôi là đứa trẻ sở hữu "bộ não tăng động", thành ra học trước quên sau và thường xuyên bị con em... gõ đầu vì cái tội tăng động và chữ xấu.
Ở nhà trong bốn bức tường nên chúng tôi chỉ chơi đồ hàng, xem tivi và chơi trò dạy học. Ba tôi tự làm bàn ghế, kiếm bảng đen, phấn trắng cho em gái tôi làm đạo cụ để đóng vai cô giáo. Nhà tôi có hẳn cái sân rộng nên những ngày nghỉ lễ hoặc mùa hè là tụi con nít trong xóm tụ lại để chơi trò dạy học lẫn nhau.
Qua những "buổi học" như vậy và hằng đêm học bài cùng hai đứa em, thế là tôi dần biết chữ. Tôi có thể đọc vanh vách các dòng chữ chạy trên tivi và ở sách giáo khoa mà không cần phải nhờ ai đọc hộ nữa.
Từ khi tôi biết đọc, biết viết thì ba tôi lại phải tốn rất nhiều tiền để mua sách báo cho tôi đọc. Đi đâu xa ba cũng mua sách về cho tôi, đi đến nhà ai thấy sách báo cũ đều xin về cho tôi đọc, và tới tuổi tôi dậy thì ba phải đặt báo Áo Trắng, Hoa Học Trò, Mực Tím về cho tôi.
Có lẽ với gia đình tôi khi đó, chỉ cần cho tôi được biết chữ, được khỏe mạnh đã là niềm hạnh phúc chứ chả ai dám mơ sau này tôi có thể sống tự lập, tự quyết định cuộc đời mình như hiện giờ.
Tuy nhiên từ ngày đó, tôi lại có thêm một "điềm báo" nữa. Mới biết viết, biết đọc, tôi đã có thói quen vô cùng kỳ quặc là thích ký tên mình lên sách vở, thậm chí cả tờ giấy nháp hay tờ lịch xé ra tôi đều thích ký cho bằng được.
Vì cái sở thích này mà nhiều lần tôi bị đánh đòn bởi tật bạ đâu ký đó. Dù lúc đó tôi chả hề mơ sau này sẽ trở thành nhà văn gì cả, tôi chỉ biết tương lai mình rất u ám vì có được học hành gì đâu.
Mãi đến năm 12 hay 13 tuổi gì đó, ngồi xem bộ phim truyền hình của nước ngoài có nhân vật nữ làm nghề bác sĩ tâm lý, tôi thích và ước ao sau này được theo nghề đó.
Tôi hình dung lớn lên mình sẽ mở cái phòng điều trị tâm lý và hằng ngày ngồi tiếp bệnh nhân, nghe họ tâm sự và đưa ra những lời khuyên để giúp họ thoát ra những bế tắc trong cuộc sống. Và mãi đến giờ, ước mơ đó vẫn còn trong tôi...
Viết như dòng sông chảy
"Trà My nên viết lại chuyện đời mình, hãy viết nhẹ nhàng như dòng sông chảy mà lan truyền tình yêu cuộc sống và nghị lực vượt lên số phận...".
Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi đã tâm sự với Trần Trà My rất nhiều và khuyên cô nên viết tự truyện. Cô nói: "Hay là em để thời gian nữa?". "Trà My nên viết đi, không bao giờ là sớm cả", tôi trả lời cô.
Và thế là Trà My đã viết, viết ngay trong phòng trọ nhỏ bé ở TP.HCM suốt những ngày phải ở một chỗ vì dịch COVID-19. Nhiều hôm cô gái khuyết tật nặng này đã cố gắng viết trên điện thoại với chỉ một ngón tay vì bàn tay cô bị đau.
Tâm sự với tôi, cô sẻ chia: "Dịch bệnh buộc em nằm buồn ở nhà, mà cũng lại cho em thời gian để viết. Nhưng em vẫn muốn đi và chắc chắn sẽ lại đi xa như những ngày trước khi có dịch".
Đó là những chuyến Trà My được mời đến các trại giam để tặng sách Tin vào điều tử tế và sẻ chia nghị lực vươn lên bất hạnh của mình với phạm nhân. Rồi ở ngay trong đó, cô đã có rất nhiều người bạn, kể cả những người tù chung thân mong tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm...
QUỐC VIỆT
-------------------------
Tôi khóc tin rằng sẽ có ông bụt hay bà tiên hiện ra ban phép cho tôi, nhưng sau này tôi nhận ra: "Chỉ có chính mình mới là bà tiên cho cuộc đời mình!".
Kỳ tới: Đến với văn chương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận