Phóng to |
Mới đây, Như Quỳnh gây bất ngờ với nhiều người khi ra mắt “bộ tiểu thuyết” hai tập tựa đề chung Phải hôn nhiều con ếch mới gặp được hoàng tử, gồm: Ngoại tình với cô đơn và Tất cả em cần là tình yêu với bút danh Quỳnh Scarlett (NXB Phụ Nữ & Phương Nam Book).
* Chị từng là học sinh giỏi văn, học sư phạm rồi làm cô giáo dạy văn, những điều này có giúp ích cho chị trong việc sáng tác?
Tác giả không chủ định viết về sự lạ, về những mối tình lớn đến mức ngạt thở, về những duyên và nợ xác suất thấp, nghìn người mới một trải. Tác giả viết về một mối tình phổ cập, chân phương, với đầy đủ những cung bậc hoan hạnh và thống khổ như là viết một cẩm nang giáo khoa về tình ái... Những chữ của cô vì vậy, cứu tôi qua những ngày buồn bã và giết đi phần lạnh lùng khô đắng trong tôi. Nhạc sĩ Quốc Bảo |
- NHƯ QUỲNH: Thực tế là có rất nhiều người học chuyên văn, thậm chí dạy văn vẫn không thể viết ra tác phẩm nào, và ngược lại cũng có người tay ngang viết truyện làm lay động bao trái tim bạn đọc. Phần tôi, khi bắt tay viết sách tôi dứt nghiệp văn chương đã lâu, nên khởi điểm có thể cũng giống một kẻ ngoại đạo. Nhiều người khi nghe tin tôi xuất bản sách vẫn nghĩ một cô MC truyền hình, hay một cô đẹp đẹp thích thể hiện. Nhưng đúng như “tiểu sử học hành” mà anh vừa kể, tôi đã từ cái nôi đó mà viết. Nhờ học văn từ nhỏ mà văn thấm vào người tôi, luôn có một cảm quan thi vị bao bọc lấy tôi, khiến tôi viết như là thở. Thứ nữa, dù không thể nói là nhiều, nhưng những kiến thức được học về thủ pháp, ngôn ngữ, cấu tứ... cũng giúp tôi dễ dàng hơn nhiều trong quá trình lên ý tưởng và triển khai.
* Hai tập truyện chị vừa xuất bản có tên chung là Phải hôn nhiều con ếch mới gặp được hoàng tử gồm: Ngoại tình với cô đơn và Tất cả em cần là tình yêu. Xin hỏi chị, tình yêu và hoàng tử mà chị mong đợi được gửi gắm qua bộ sách này là gì?
- Tôi không học theo nhà văn Hemingway dùng nguyên lý “tảng băng trôi” trong khi viết văn, cũng không dùng cách “ý tại ngôn ngoại”, tất cả đều viết theo nghĩa đen. Tình yêu mà tôi nói cũng là thứ mà âm nhạc, văn học, phim ảnh, sách báo, các chuyên mục tâm sự vẫn đề cập hằng ngày. Là thứ vạn đời này người ta kiếm tìm, đau khổ, hạnh phúc vì nó. Còn “hoàng tử” có thể sẽ cần diễn giải một chút, là một nửa cân chỉnh để chúng ta trở nên tròn đầy. Gọi cho lãng mạn là số phận và định mệnh đó.
* Từ một cô giáo, duyên số nào đưa chị trở thành một MC truyền hình? Xuất thân từ nghề giáo có giúp chị trong nghề MC hay không?
- Tôi tốt nghiệp đại học, đi dạy, cũng nuôi mộng theo đuổi nghề giáo lâu dài nên học lên thạc sĩ, nhưng đúng là ở đời có chữ “duyên”. Lúc đó tôi cần tiền để trang trải học hành nên đi làm thêm các công việc khác, trong đó có MC. Rồi tôi nhận ra để được đánh giá cao, tôi phải có giải thưởng, nên tôi đi thi Người dẫn chương trình truyền hình và đoạt giải Én bạc. Công việc đó hấp dẫn, cuốn hút tôi, tôi nhận ra nó phù hợp với tính cách mình hơn nên thi vào HTV để làm việc chính thức. Nghề dạy học dĩ nhiên là hữu ích cho tôi ở lĩnh vực mới, nó cho tôi nền tảng kiến thức và sự tự tin trước đám đông, nhất là lòng tự trọng nghề nghiệp.
Phóng to |
* Tên thật của chị là Ngô Như Quỳnh, một cái tên khá đẹp đã được biết đến khi đoạt giải Én bạc cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình năm 2008. Vậy tại sao khi viết sách chị lại lấy bút danh là Quỳnh Scarlett?
- Tôi vốn rất thích tên Quỳnh, vẫn luôn cho rằng đó là cái tên đẹp nhất của người nữ. Nhưng Như Quỳnh thì lại quá phổ thông. Và thứ nữa, cái tên đó gắn với nghề MC mà tôi đang làm, tôi không thích người đọc xem tôi là MC viết sách, tôi muốn là một kẻ tay mơ mới mẻ, độc lập với nghề viết. Quỳnh Scarlett là tên trên Facebook của tôi, nơi tôi được các bạn thích vì những bài viết của mình, nên tôi muốn lấy làm bút danh.
* Những năm tháng tuổi trẻ ở quê nhà thường in dấu trên tác phẩm đầu tay của các nhà văn. Xin hỏi sự in dấu này trên hai cuốn sách của chị?
- Tôi đang viết một cuốn sách khác, tản văn, sẽ có dấu ấn quê nhà nhiều hơn. Hai cuốn truyện vừa rồi tôi có đề cập đến một vùng quê bé nhỏ của tôi ở Phú Yên. Nơi nhân vật chính sinh ra, lớn lên và ra đi, để rồi trở về mỗi khi thất bại, đau khổ, như nàng Scarlett của Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) trở về với làng Tara. Tôi thích ý tưởng đó. Với ai cũng thế thôi, rồi họ sẽ nhận ra giá trị của hai chữ quê hương sau khi bôn ba nhiều năm nơi đất khách quê người.
* Chị đã tự học đàn, học hát và chơi khá thân với các ca sĩ, nhạc sĩ. Vậy âm nhạc có ảnh hưởng thế nào khi chị viết văn?
- Nhiều người nói nếu không làm MC hay nhà văn, tôi nên làm ca sĩ. Tôi vui nhưng luôn lắc đầu, tôi không bao giờ nuôi tham vọng đó. Dù tôi say mê âm nhạc đến cuồng điên, đến mức tự học guitar để gãy hết móng, chai hết tay. Chỉ vì muốn được ca hát thôi, tôi có thể băng mưa băng gió đến gặp những người bạn để đàn ca cho vui. Tôi làm vì thích, chẳng mưu cầu gì, chẳng lợi lộc gì. Vì sau mỗi giờ ca hát thăng hoa như vậy, niềm yêu đời trong tôi lại dào dạt, và văn chương cũng từ đó được viết nên. Trong văn tôi có cái tứ, có giai điệu, có sự nhịp nhàng mà âm nhạc tạo thành. Ngày nào tôi còn chơi guitar, ca hát suốt đêm không nghỉ, ngày đó tôi còn hào hứng viết văn. Và ngược lại. Đời tôi thực chất là tổng hòa của những điều thi vị như thế.
Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận