26/09/2010 04:16 GMT+7

"Tôi không thích cái kết thê lương"

NGA LINH thực hiện
NGA LINH thực hiện

TT - Cơ chế bao cấp đã lùi vào quá khứ, nhưng bầu không khí của một thời kỳ nóng bỏng tiếp tục được tái hiện trong 50 tập phim Bí thư tỉnh ủy (kịch bản: Vân Thảo, đạo diễn: Trần Quốc Trọng - Trần Trọng Khôi), phát sóng trên VTV1 từ ngày 27-9 vào 21g10 thứ hai, tư, sáu.

03HI95eq.jpgPhóng to

Diễn viên Dũng Nhi (thứ hai từ trái qua) hóa thân vào vai Hoàng Kim, lấy nguyên mẫu cuộc đời ông “khoán hộ” Kim Ngọc - Ảnh: VFC cung cấp

Bộ phim truyền hình chính luận dựa theo nguyên mẫu cuộc đời cố bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, với chính sách khoán hộ năm 1968 đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống người dân tỉnh Vĩnh Phú. Quốc Trọng - đạo diễn của đề tài nông thôn - có cuộc trao đổi xung quanh bộ phim.

* Ông đã phải cân nhắc điều gì khi lựa ra dàn diễn viên Bí thư tỉnh ủy?

- Với bộ phim này nếu không cẩn thận rất dễ bị sa vào một tâm trạng phê phán khi khắc họa lại thời kỳ “đêm trước ngày đổi mới”. Vì thế, tôi phải trông cậy vào những diễn viên gạo cội cho tuyến nhân vật chính: Dũng Nhi, NSƯT Minh Châu (bà Thường - trưởng ban kiểm tra), NSƯT Đức Trung (ông Ân - phái viên chính phủ), NSƯT Lan Hương (bà Lê - vợ bí thư Hoàng Kim)... Với các vai phụ tôi tìm những gương mặt mới, chủ yếu từ các đoàn văn công địa phương, vừa để cân bằng với cách diễn chuyên nghiệp của diễn viên thâm niên, vừa để bộ phim được làm mới mình trước đông đảo bà con.

Mới đọc kịch bản, tôi nghĩ ngay đến Dũng Nhi (thủ vai chính bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim). Từng đồng hành với tôi trong nhiều bộ phim, anh là một trong số ít nam diễn viên có cách diễn ổn định, chừng mực và hoàn toàn thoát khỏi cá tính bản thân. Tuy có gốc Hà thành nhưng như bạn bè cùng trang lứa, anh ấy vẫn giữ ký ức về tuổi thơ đi sơ tán, thời sinh viên đi thực tế ở nông thôn để vào vai “chân lấm tay bùn”.

Theo sử liệu, cụ Kim Ngọc còn là người rất nóng tính, bộc trực, hay dọa đuổi, dọa cách chức dù cả đời cụ chưa từng làm thế với ai. Nét tính cách ấy chúng tôi truyền tải lại trên phim, đặc biệt trong các cảnh họp bàn, Dũng Nhi phải thể hiện được sự quyết liệt bảo vệ quan điểm...

Thực hiện ròng rã ba năm, Bí thư tỉnh ủy được cho là “chóng mặt về chi phí, bối cảnh”. Với trên 20 bối cảnh chính, 300 hầm giao thông chữ A, hơn 1 tấn khí tài chiến tranh, 3.000 lượt diễn viên quần chúng... bộ phim tiêu tốn 10 tỉ đồng.

Riêng bối cảnh lớp học sơ tán phải chuẩn bị trong 28 ngày. Cũng phải mất ba vụ lúa đoàn phim mới có những cảnh ngoài đồng ưng ý. Trong phim, Mai Hoa (vai bà Chi, bí thư huyện ủy) học cách “néo lúa”, Minh Châu “rít” thuốc lào điệu nghệ và 2 tấn lúa được huy động cho cảnh đập lúa của diễn viên Mai Hoa và bà con.

* Ngoài bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim, rất nhiều nhân vật ở hai tuyến chính - phản diện cũng dựa trên một số nguyên mẫu lịch sử. Điều gì khiến ông lo lắng nhất?

- Ở bộ phim này không có nhân vật phản diện, chính diện. Khi làm phim tôi ý thức rất rõ: một cách thể hiện hằn học với quá khứ và những sai lầm sẽ không mang lại cái nhìn đầy đủ về lịch sử. Tại thời điểm đó, một nhân vật như ông Đình (Kim Phụng thủ vai), trưởng ban tuyên huấn, mới là người đang bảo vệ đường lối, bảo vệ lý tưởng mà ông ta theo đuổi.

Ông Đình ngồi một chỗ, nhìn thiên hạ bằng một con mắt màu hồng, không tin XHCN còn những cái chưa được như ý. Còn ông bí thư hằng ngày lăn vào cuộc sống người dân, nhìn vào nồi cơm của bà con thì hiểu vì sao bà con đói... Chúng tôi cố gắng tái tạo, lần giở lại bầu không khí thời khoán hộ. Còn cảm nhận yêu - ghét, tốt - xấu là của riêng khán giả, chứ không nên từ sự mặc định của người làm phim.

* Một trường đoạn khiến đạo diễn nhọc tâm nhất nhưng cũng thấy thú vị nhất?

- Đó là cuộc đối thoại trắng đêm trước ngày ông tổng bí thư Trung Chính (Hà Văn Trọng thủ vai) ra quyết định kiểm điểm ông Hoàng Kim. Cảnh quay ấy Hà Văn Trọng và Dũng Nhi phải “gảy” cẩn thận từng câu từng chữ, để bộc lộ được hết quan điểm của hai ông vào thời điểm đó. Tiếp nối, cảnh Hoàng Kim phải viết bản kiểm điểm tự nhận là có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ không hề dễ dàng vì ông vẫn tin điều ông làm là đúng. Dũng Nhi phải diễn ra được tâm trạng ấy mà không hề có thoại, chỉ có hỗ trợ về xử lý ánh sáng, góc máy quay, bối cảnh, hình ảnh...

* Nhà biên kịch Trần Thùy Linh, biên tập kịch bản, tiết lộ cho đến kết thúc phim, vừa làm vừa nghĩ mà đoàn phim vẫn còn chưa hết trăn trở.

- Một trong những kỷ niệm khó quên với tôi đó là cuộc trao đổi với chị Thùy Linh để viết lại cái kết của phim. Tôi không thích một cái kết thê lương, để người vợ ôm nấm mồ chồng khóc. Kết phim, bà con không có điều kiện về tỉnh đã tự tổ chức một đám tang đình làng để tưởng nhớ người bí thư mà họ hết mực yêu quý. Lời tiễn biệt cụ, chúng tôi mượn câu của sứ quân Nguyễn Siêu: “Cố tri viên thị trí. Nguyện thủ phương vi hình” - vốn biết ở đời lấy sự tròn vẹn mới là khôn ngoan, nhưng vẫn nguyện giữ cái ngay ngắn vuông vức làm hình hài. Chính nhờ sự cương trực ngay thẳng đó của Kim Ngọc mà bà con mới có được ngày hôm nay. Đó cũng là cảm nhận riêng của người làm phim về Kim Ngọc...

NGA LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên