Sau khi có tiền, có tôn đoàn viên thanh niên và hàng xóm giúp ông Vượng dựng lại nhà - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Vượng (48 tuổi, ở thôn Sơn Bình 1, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị bệnh yếu tay chân nên sống độc thân trong căn nhà mái lá. Từ hôm cơn bão quét qua, nhà bay mất nóc ông phải đi sống nhờ ở nhà hàng xóm.
Nhiều hộ nghèo "bền vững" gặp tai ương
Phó chủ tịch xã Kỳ Sơn Hồ Sĩ Quý thông báo qua điện thoại rằng ông Vượng là "hộ nghèo bền vững của những hộ nghèo".
Khi chúng tôi đến nơi, giữa một ngọn đồi cọ cao chót vót, ngôi nhà ông Vượng trơ trọi chỉ còn lại "khung xương", tứ bề vương vãi những lá cọ khô từ mái nhà cũ.
"Căn nhà vốn chẳng có thứ gì đáng giá nay thì không còn một vật dụng gì dùng được. Nhà đơn sơ quá nên khi gió lùa thì cuốn bay hết. Sáng nay ông ấy mới đi gom lại cái ấm với chén bát bay sang nhà tôi. Còn lại chăn màn thì ướt sũng bùn đất", bà Bình, một người hàng xóm ông Vượng, chép miệng nói.
Ông Vượng bị bệnh yếu tay chân. Từ khi cha mẹ mất đi ông sống một mình trong ngôi nhà mái lá.
Vì thể trạng yếu ớt, ông Vượng chỉ lao động nhẹ và nhận sự trợ giúp của xóm giềng để sống qua ngày và từ hôm bão số 10 đi qua, ông Vượng sang trú nhờ nhà bà Bình.
"Tôi sang ở nhờ cũng ngại nhưng không còn cách nào khác. Bữa bão về tới nhà tôi nghĩ chắc sẽ còn đi xin nơi trú ngụ lâu dài vì tiền bạc không có, chân tay yếu ớt thì đến bao giờ mới lợp được nhà", ông Vượng nói.
Nhận được sự trợ giúp 90 tấm fibrô ximăng và 5 triệu đồng từ người đại diện báo Tuổi Trẻ ông Vượng ứa nước mắt rối rít cảm ơn: "Tôi không ngờ được giúp đỡ sửa nhà nhanh đến vậy.
Đại diện báo Tuổi Trẻ (bên phải) cùng Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao số tiền ủng hộ từ chương trình "Dựng lại mái nhà cho đồng bào vùng bão" cho ông Vượng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Dựng luôn nhà khi có tôn, đinh
Không chỉ nhận được sự giúp đỡ về vật chất, ngay khi có tôn, có tiền các anh em xã đoàn và bà con chòm xóm đã chung tay để ông Vượng sớm có chỗ ăn, chỗ ở.
Các đoàn viên thanh niên và phụ nữ thì chia nhau quét dọn quanh nhà rồi mang chăn đi giặt. Mấy anh thanh niên trong làng thì ghép cột, đóng đinh.
Đến cuối giờ chiều phần khung nhà đã được chắc chắn, chỉ còn công đoạn đóng tôn là có thể vào ở được.
Anh Nguyễn Song Hà, bí thư xã đoàn, nói rằng "mấy hôm nay thấy nhà chú Vượng hư mấy anh em cũng muốn giúp đỡ nhưng chưa biết làm chi vì hỏng nhiều quá". Khi hay tin có tiền, có tôn gần 20 anh em xung phong xuống dựng lại nhà.
"Anh em đoàn viên tập trung khắc phục các công trình công cộng phục vụ dân sinh là chính vì để sớm ổn định. Trường hợp chú Vượng quá đặc biệt, nhà không còn thứ gì nên chúng tôi nói phải làm nhanh để động viên chú", anh Hào nói.
Bão số 10 quét qua Kỳ Sơn dù không làm ai bị thương nhưng gây thiệt hại nặng vì trong xã có ít nhà kiên cố. 80% nhà cửa bị ảnh hưởng, toàn xã có 7 nhà sập, 1.300 nhà bị tốc mái.
Do địa hình Kỳ Sơn là đồi núi, dân sống nhờ nghề rừng nên rất nhiều hộ "nghèo bền vững" những năm qua. Bão qua những cánh rừng keo bạt ngàn đầu tư cả trăm triệu mấy năm nay bị gãy đôi, ngã rạp.
Ông Hồ Sĩ Quý, phó chủ tịch xã Kỳ Sơn, nói rằng chưa biết rồi đây có bán được cho các đầu nậu để vớt vát hay không.
"Những trường hợp khốn khổ như trường hợp ông Vượng chúng tôi có nhiều lắm nhưng chưa biết làm sao giúp đỡ hết đây. Bão qua nhà cửa bị ảnh hưởng, đời sống bị đảo lộn thì vùng nào cũng vậy nhưng ở đây không biết đến bao giờ mới trở lại bình thường", ông Quý nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận