Anh Nguyễn Như Hoàng (giữa) trong thời điểm được ông Võ Thanh (bìa phải) - nguyên giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk - trao quyết định bổ nhiệm làm cán bộ quản lý - Ảnh: Đ.L.
“Tôi chỉ suy nghĩ thế này, làm ở đâu không quan trọng, quan trọng là việc đó có thu nhập đủ sống cho bản thân và gia đình, tạo cho mình niềm vui trong công việc, và mình không có cảm giác đang sống mòn
Anh Nguyễn Như Hoàng
Đó là anh Nguyễn Như Hoàng (33 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - nguyên trưởng phòng khoa học công nghệ và thông tin, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghệ (thuộc Sở Công thương Đắk Lắk). Sở Công thương Đắk Lắk đã ra quyết định về việc thôi việc này vào ngày 18-7-2017.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Hoàng nói: "Tôi nghỉ việc không phải vì bị trù dập hay bất mãn gì cả, mà vì không còn thấy niềm vui trong công việc cũ, thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình".
* Trước đây khi mới ra trường, anh có mong muốn vào biên chế?
- Mong muốn quá đi chứ. Năm 2006, tôi xin vào làm hợp đồng tại đơn vị, phấn đấu rất nhiều chỉ để vào được biên chế, có lương ổn định. Một năm sau đó, tôi đã có chân trong biên chế nhà nước. Nhưng hồi đó mình trẻ, mọi thứ khác bây giờ...
* Anh đã quyết định nghỉ việc như thế nào?
- Với 11 năm gắn bó, tôi được điều chuyển qua nhiều vị trí trong Sở Công thương Đắk Lắk, và làm trưởng phòng đã được vài năm. Năm 2018 là đến thời điểm tái bổ nhiệm, cơ hội thăng tiến với tôi không phải là không có.
Thâm niên vậy, nhưng mức lương của tôi tính cả tiền điện thoại, phụ cấp chức vụ... chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, cộng thu nhập buôn bán nhỏ của vợ, vợ chồng tôi và con gái nhỏ không đủ trang trải sinh hoạt. Đó là lý do chính khiến tôi quyết định rời biên chế, ra ngoài tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn...
Hơn nữa, khi đã là cán bộ công chức, cứ răm rắp làm theo các quy định, lối mòn có sẵn; lâu dài mình cũng mất đi đam mê, nhiệt huyết, cùn mòn dần, ít có cơ hội phát triển thêm bản thân. Tôi thấy mình chẳng đóng góp gì cho việc chung nữa, nên tôi nghỉ.
* Sau khi nghỉ việc, anh làm gì?
- Tôi làm chiếc xe đẩy, tìm nguồn gà sạch, mở một quán bán gà luộc, gà nướng trên vỉa hè. Vợ chồng tôi dự định bán trên đường Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột), hiện đang xin giấy phép. Bán mỗi con gà lời vài chục ngàn đồng, có niềm vui trong cuộc sống, có thời gian bên gia đình. Tôi hài lòng với công việc này.
* Anh có chịu áp lực trước quyết định của mình không?
- Bạn bè, người thân chửi tôi điên, có người động viên tôi nên tiếp tục vào làm trong cơ quan nhà nước. Còn buồn nhất là mẹ tôi, bà la tôi hoài mỗi lần tôi về quê (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk). Bà có hơn 30 năm là cán bộ công chức, nên khi tôi nghỉ việc, mẹ rất buồn. Mẹ bảo sao tôi lại nghỉ, trong khi nhiều người muốn vào biên chế không được, tôi bán hàng rong để "bôi xấu" gia đình...
Tôi đã nói với mẹ về suy nghĩ của mình: lương không đủ sống, muốn đủ thì phải "chân ngoài chân trong", mà làm vậy không bảo đảm cho công việc chung. Thà nghỉ hẳn để ra ngoài chuyên tâm làm ăn. Làm việc gì cũng được, miễn lương thiện, có thu nhập, có niềm vui...
Vì sao nhiều bạn trẻ thích vào biên chế?
LÊ HỮU KIỆT (sinh viên khoa sư phạm toán, Trường ĐH Cần Thơ):
Công việc luôn ổn định
Tôi là sinh viên sư phạm, nên cũng rất mong sau này ra trường tìm việc làm sẽ được vào biên chế nhà nước. Có như vậy tôi mới chính thức trở thành giáo viên trường công lập. Đó là ước mơ của tôi trước khi chọn theo học ngành sư phạm. Nếu ở thời điểm tôi tốt nghiệp đại học, cơ hội để trở thành giáo viên thuộc biên chế chính thức không còn thì tôi mới tính đến việc tìm đường khác. Giữa trường công lập và trường tư thục, tôi vẫn chọn trường công để được vào biên chế nhà nước.
Khi trở thành công chức, công việc sẽ luôn luôn ổn định, được hưởng nhiều quyền lợi theo quy định. Ngoài ra, con cái của mình sau này cũng thuận lợi hơn trong tìm trường lớp...
ĐINH XUÂN ANH (sinh viên khoa địa lý Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM):
Lương không cao nhưng có nhiều ưu đãi
Tôi dự định sau khi ra trường sẽ xin về làm việc tại Sở Tài nguyên - môi trường của tỉnh. Gia đình tôi có truyền thống làm cán bộ, công chức nhà nước, nên đã định hướng và mong muốn tôi tiếp tục theo con đường này. Vì như vậy tôi sẽ có tương lai tốt hơn. Mặc dù làm việc cho các đơn vị nhà nước lương không cao, nhưng nếu vào được biên chế, có việc làm ổn định, lương sẽ tăng theo thâm niên công tác, sau này về hưu sẽ được hưởng lương hưu và nhiều chế độ ưu đãi khác.
TS ĐINH PHƯƠNG DUY (phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Nếu chỉ chăm chăm vào biên chế, sẽ có nhiều bất lợi
Nếu chúng ta vẫn giữ cách nghĩ vào biên chế nhà nước công việc ổn định, nhàn hạ, lương bổng cứ "đến hẹn lại lên"... thì sẽ có nhiều tiêu cực, bất lợi xảy ra:
- Thứ nhất, bạn sẽ mất cơ hội thể hiện năng lực của mình. Chúng ta càng được thử thách ở nhiều môi trường làm việc khác nhau thì khả năng thích ứng càng được rèn luyện, tài năng mới được vun đắp thêm. Đó mới là bản lĩnh của người lao động mới. Nếu đợi chờ một công việc mang tính chất ổn định, thì bạn tự biến mình thành người an phận.
- Thứ hai, bạn đã tự gò ép mình vào một khuôn có sẵn, không thể chủ động trong công việc, kiến thức sẽ bị mai một đi vì những lề thói còn không ít trì trệ, cũ kỹ vẫn tồn tại trong các cơ quan nhà nước.
- Thứ ba, chúng ta không nên phân biệt đơn vị tư nhân hay nhà nước. Kinh tế tư nhân đã được khẳng định trong nghị quyết trung ương 5, là một trong ba trụ cột của nền kinh tế VN. Và môi trường làm việc ở các đơn vị tư nhân vẫn được đánh giá là nơi thúc đẩy người lao động năng động và sáng tạo trong công việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận