Phóng to |
Đỗ Đức Anh |
- Còn nhớ, hôm đó là một buổi sáng đầu tuần, tôi bắt một chiếc xích lô lang thang khắp ngóc ngách trong nỗi cô đơn mênh mông đủ nhét cả Sài Gòn vào trong đó... Và tôi nhận được tin nhắn của một người bạn, thông báo về việc tôi đoạt giải nhất. Suýt nữa tôi đã hét lên giữa phố. Nhưng sau đó, tôi kịp ngăn mình lại, cứ ngồi trên xích lô tủm tỉm cười, yên bình nhặt nhạnh những niềm vui. Lúc đó, thực lòng tôi muốn xăm hình Picachu vào mông để kỷ niệm!
- Tôi vốn là một người tham lam và rất sợ phải lựa chọn. Thật lòng tôi không bao giờ muốn ký đơn ly hôn với cô “nghề giáo” hay cô “nghề văn”. Bởi vì có những tình yêu không cần lý do bạn ạ. Yêu chỉ vì yêu thôi.
* Câu 2: Trong các truyện ngắn của anh có truyện ngắn nào mà nhân vật chính giống với cuộc đời, con người anh không? Qua quá trình giảng dạy anh có nhận xét gì về khả năng cảm nhận học viết văn của học trò ngày nay? Anh có thể chia sẻ vài kinh nghiệm viết văn?
- Mỗi nhân vật trong truyện của tôi đều có “một tí xíu” bóng dáng của tôi trong đó. Văn chương khiến người ta thật thà với nhau hơn trong câu chuyện mà ít nhiều sau này sẽ hối hận vì phút lạc lòng, đã sẻ chia những điều lẽ ra phải giữ thật kỹ trong góc bí mật.
- Môn Văn là một môn học đòi hỏi nhiều về mặt cảm xúc. Nhưng bây giờ, tôi thấy nhiều em chủ yếu làm bài và viết văn bằng kỹ năng hơn là những xúc cảm chân thành. Tôi vẫn thường khuyên các em, hãy viết bằng trái tim thì văn mới chạm đến trái tim người đọc.
- Về kinh nghiệm viết văn, tôi thật sự không dám nói gì nhiều. Bởi chính mình cũng đang vật vã quẫy đạp để thoát lối mòn.
2/ NGUYỄN THỊ THANH THẢO (489B P.Đông Hưng Thuận, QL1A, Q.12, TP.HCM)
* Câu 1: Tại sao anh có tài viết tốt vậy không theo đuổi nghề báo lại chọn làm giáo viên. Tương lai anh có muốn chuyển nghề không?
- Về chữ “tài viết” mà bạn dùng, mình thực sự không dám nhận. Chỉ xin nhận chữ “yêu viết”, “thích viết” và “dám viết”. Trước đây, khi còn ngồi trên ghế phổ thông mình cũng nghĩ sẽ đi theo nghề báo. Nhưng mình nhớ mãi lời của một cô giáo dạy mình năm 12, cô nói: “Em sinh ra là để đi dạy”. Nghe cứ như định mệnh ấy! Nhưng sau này, mình nghĩ quả đúng vậy, mình đã “dình duyên” với nghề giáo như Jacob “dình duyên” với con gái Bella và ma cà rồng Robert Patison.
- Chuyện tương lai, mình nghĩ thế này: trừ khi hãng nội y đình đám thế giới
Victoria Secret mời mình làm người mẫu đại diện thì mới chuyển nghề, còn không thì mình sẽ vẫn chung thủy với nghề đưa đò.
* Câu 2: Anh đã rèn kỹ năng viết của mình như thế nào? Có khó khăn gì trong những bước đầu không?
- Đọc và viết đều đặn. Mình không biết mình đã mất bao lâu để quyết định gửi truyện ngắn đầu tiên cho báo. Một thời gian rất dài, không có tin hồi âm. Đó là khoảng thời gian bao nhiêu hi vọng ùn ứ lên mà mầm thất vọng thì cũng lớn nhanh như thổi. Viết hay và viết có phong cách riêng cần một quá trình tìm tòi và thử nghiệm. Nhưng mình nghĩ, trước hết hãy viết bằng tình yêu, đam mê và trăn trở của mình, rồi sau đó hãy nghĩ tới những điều khác như thông điệp, cốt truyện, tính cách nhân vật, bối cảnh...
* Câu 3: Anh viết văn vì cái gì? Có phải vì những giải thưởng không?
- Mình luôn tâm niệm văn chương là một người bạn tri kỷ trong cuộc đời. Mà trong tình bạn, có lẽ không nên có một tính toán vụ lợi nào cả, để tình bạn được bền vững, phải thế không?
* Câu 4: Cảm hứng để anh viết nên những mẩu truyện ngắn?
- Khi đọc sách hay xem phim, khi ngồi xe bus hay ngắm nhìn một đôi tình nhân hôn nhau dịu dàng, khi xào mì hay rửa ly..., bất cứ lúc nào tìm thấy một ý tưởng mình đều lưu lại trong ghi chú điện thoại hay viết note trên laptop. Rồi mình sẽ nạp cảm xúc bằng một buổi tối trống trải, ngồi một mình trong căn phòng ngập ngụa nhạc “sến rện”, và bắt đầu gõ những dòng đầu tiên cho câu chuyện của mình.
* Câu 5: Mỗi khi bị stress hoặc “trơ” cảm xúc, anh thường làm gì để lấy lại cảm xúc của mình?
- Nói bạn chẳng tin đâu, những lúc như thế mình thường... ngủ!
* Câu 6: Theo anh, nhà văn có phải là người quá lãng mạn hay sầu hay buồn vu vơ, nhạy cảm với cuộc sống?
- Với người khác thì mình không biết, nhưng với mình, có lẽ điều bạn nói đúng… chút chút.
3/ DƯƠNG THANH HỮU (453 Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
* Câu 1: Khi viết, anh có nghĩ giữa viết kết thúc có hậu với kết thúc không có hậu thì cái nào nên hơn?
- Anh luôn muốn tìm cho nhân vật một lối thoát thay vì cho nhân vật một viên cyanua.
* Câu 2: Anh nghĩ thế nào về luật nhân quả?
- Anh không theo một tôn giáo nào, triết lý của nhà Phật anh cũng không rành lắm. Nhưng anh có một niềm tin rằng khi con người ta làm những điều tốt đẹp, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn.
* Câu 3: Anh thích nhất điều gì ở con người và các nhân vật của mình?
- Anh thích nỗi cô đơn trong lòng những nhân vật trẻ của mình. Và anh thích cách họ thoát ra khỏi nó.
* Câu 4: Bạn đọc cảm nhận được chất sống luôn tràn trề mạnh mẽ và nhiệt huyết trong từng trang viết của anh. Làm cách nào anh có thể thu thập được nhiều chất liệu, chi tiết như vậy?
- Đọc sách, xem phim, nhìn rộng và sâu vào cuộc sống quanh mình, đó là cách anh thường làm.
* Câu 5: Người ta thường nói: Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Vậy đối với anh thì ai là người phụ nữ đã giúp đỡ anh thành công?
- Mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đến anh. Khi còn nhỏ, nhà nghèo, không có nhiều sách để đọc, chỉ có những chương trình văn học trên sóng radio, mẹ luôn canh giờ và mở cho anh nghe. Cả cái lần mẹ lặn lội từ dưới Đồng Nai lên Sài Gòn mua cho anh cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm...
* Câu 6: Em muốn có địa chỉ email và số điện thoại của anh để có thể liên lạc nói chuyện văn chương được không?
- [email protected] hoặc [email protected]
4/ VÕ THANH BÌNH (25 Huỳnh Hữu Thống, P3, TP Tân An, Long An)
* Câu 1: Khi nghe thầy là một nhà văn giảng dạy Ngữ văn, em có cảm giác tò mò và thích thú. Chắc có lẽ, các tiết học của thầy sẽ rất hấp dẫn... Thầy có thể chia sẻ cho em những suy nghĩ của thầy về học sinh phổ thông và môn Ngữ văn?
- Môn Văn không chỉ dạy cho học sinh những kỹ năng mà quan trọng hơn còn dạy cho các em cách làm người. Nhưng đáng buồn là ngày càng nhiều học sinh hờ hững với môn Văn. Anh chọn nghề giáo cũng là để gieo lại những mầm yêu trong lòng các học trò của mình đối với môn Văn.
* Câu 2: Là một người vừa viết văn, vừa giảng dạy, công việc có nặng nề lắm không thầy? Thầy có bao giờ nghĩ chia sẻ những “vật vã, hoang mang, đau đớn, tìm kiếm, yếu đuối, đỗ vỡ, cả những phiền muộn và nỗi buồn khắc khoải” vào trong văn chương sẽ khiến mình kém nghiêm nghị trước trò? Có bao giờ thầy bị trò “ăn hiếp” không?
- Nghề nào cũng vất vả, nhưng cũng có những niềm vui. Về sự nghiêm nghị mà em nói, anh thật không nghĩ là có em học sinh nào sợ anh cả. Phương châm của anh là sự gần gũi. Anh muốn mình là người chia sẻ và thấu hiểu chứ không muốn mình là người cầm thước gõ đầu và hằm hằm nhìn các em.
- Bị trò ăn hiếp thì nhiều lắm! Nhưng mà toàn là mấy kiểu ăn hiếp rất là dễ thương.
* Câu 1: Chào anh Anh. Em rất ấn tượng với anh vì tuổi đời còn trẻ như vậy nhưng anh đã có những trải nghiệm và phong cách viết văn già dặn và để lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Những chất liệu đó trong cuộc sống anh đã chắt lọc như thế nào để đưa vào trong tác phẩm của mình?
- Cảm ơn bạn vì lời khen. Mỗi câu chuyện, mỗi đề tài, mỗi ý tưởng cần một trong nhiều chất liệu cuộc sống khác nhau. Tùy vào từng trượng hợp cụ thể mà chúng ta huy động chúng.
* Câu 2: Em vốn thích viết từ lâu nhưng mỗi lần viết ra lại thấy không hài lòng về những gì mình đã viết vì nó không được như cảm xúc của mình lúc ban đầu. Qua kinh nghiệm thực tế của mình, anh có thể chia sẻ cho những người trẻ tuổi như chúng em cách viết như thế nào để có thể chuyển tải hết được những tâm tư, tình cảm mà mình muốn gửi gắm vào trong bài viết?
- Bạn cứ viết đi... Viết thật nhiều vào, tự khắc bạn sẽ tìm ra cách để khắc phục thôi.
* Câu 3: Ngày còn học phổ thông, em viết văn khá “ướt át” và lãng mạn, dài dòng. Nhưng từ khi vào đại học, em học một ngành về lĩnh vực văn hóa - xã hội, ngay từ đầu đã được rèn luyện để viết bài theo văn phong khoa học, ít lời, nhiều ý, dần dần các bài viết theo phong cách văn chương của em cũng ảnh hưởng theo cách viết ấy. Em thấy giọng văn của mình đã già dặn hơn, kiệm lời hơn nhưng có cảm giác nó thiếu đi cái chất “văn vẻ” mà văn chương cần phải có. Theo anh, như vậy có ảnh hưởng gì nhiều đến tình cảm mà mình muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình không ạ?
- Văn không có nghĩa là ướt át, lãng mạn. Nó cần cảm xúc hơn là những điều lâm ly. Bạn yên tâm, nếu viết bằng trái tim thì văn của bạn sẽ bắt rễ rất sâu vào trong lòng người đọc.
* Em muốn hỏi anh Đức Anh làm sao rèn luyện kỹ năng viết và vốn từ?
- Em hãy đọc thật nhiều, viết thật nhiều, suy nghĩ thật nhiều, nghe và ngắm thật nhiều, và... yêu thật nhiều nữa!
7/ PHẠM THỊ NHƯ Ý (43/20 Hòa Bình, Tân Thới Hòa, Tân Phú, TP.HCM)
* Câu 1 : Có bao giờ văn chương là động lực giúp anh vượt qua những khó khăn, thất bại trên đường đời hay không?
- Có chứ em, nhất là những lúc buồn bã hay cô đơn.
* Câu 2: Dự định tương lai cho văn chương của anh là gì? Liệu những tác phẩm sắp tới có khác với văn chương trong quá khứ và hiện tại mà anh đã từng viết hay không?
- Anh đang trong thời gian chỉnh sửa cho tập truyện dài đầu tiên của mình. Và đã lên ý tưởng cho tập truyện dự thi “Văn học tuổi 20”. Anh sẽ viết gai góc hơn những tập truyện trước. Em đón đọc nhé!
8/ CAO HỒNG TRÂM (Trường BÙI THỊ XUÂN quận 1)
* Bàn về truyện ngắn, Nguyễn Quang Sáng có viết: ”Về truyện ngắn, tôi hiểu tuy ngắn nhưng nó có sức chứa đựng một thực tế rất cao, vừa bén nhọn. Những gì mà nó chứa đựng phải được nén chặt, gọt và nặng”.
Dạ cho em được đặt câu hỏi với thầy Đức Anh là: Với những người viết tiểu thuyết có thể cho phép mình lơ là, bay bổng một vài trang viết nhưng với truyện ngắn thì không, nó cần phải đạt đến độ chín trong tư tưởng và cách truyền đạt, dồn nén người viết . Vậy thì mặc dầu không lớn về dung lượng nhưng điểm sáng của tác phẩm Hãy im lặng và hôn em đi! vẫn có sức sống về tình yêu, về cái nhìn tinh tế khi nói về nội tâm của các chàng trai cô gái tuổi 20. Sức sống mãnh liệt ấy, cái nhìn phản ánh một lát cắt cuộc đời riêng ấy, dạ vậy thì bắt nguồn cảm hứng từ đâu mà thầy có được”bụi quý” góp thành “đứa con tinh thần” đó thế thầy? Và thầy sẽ nhắn nhủ điều gì... đến các bạn đọc trẻ khi sắp bước vào tuổi “Chông chênh tuổi 20” có thể là đang, đã và chưa trải qua tình yêu?
- Ôi, cô học trò bé nhỏ của tôi! Đọc câu hỏi của em, thầy thật sự rất bất ngờ vì cái cách hỏi của một cô bé 16 tuổi sao mà giống một nhà phê bình quá! Thầy viết những điều gần với cuộc sống và lứa tuổi của mình. Cảm hứng tự nhiên chảy dưới ngòi bút, mình không cần phải tưởng tượng nhiều.
- Thầy muốn nhắn nhủ với các học trò thân yêu của thầy rằng: các em còn rất trẻ, hồn nhiên và đáng yêu, đừng để trên gương mặt em lúc nào cũng “hạn hán nụ cười”! Hãy giữ cho cảm xúc trong trẻo và tinh khôi như một bông hoa dại bừng nở trên lối đi trong một sớm mai nhiều nắng ấm, dù cho bão giông cuộc đời có chờ ta phía trước! Cuộc sống có nhiều lựa chọn nên hãy chọn niềm vui!
9/ PHÚC THỊNH (Phan Thiết, Bình Thuận)
* Câu 1: Độc giả rất ấn tượng với truyện ngắn Chông chênh tuổi 20 - giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tuổi thanh xuân của Áo Trắng 2010. Vậy xin hỏi thầy, khi đã đi qua tuổi 20 và nhìn lại, thầy thấy điều “chông chênh” của cuộc đời mình lúc đó là gì? Và thầy đã vượt qua nó như thế nào?
- Tuổi 20 của mình có những phút buồn điếng người và vui rộn ràng, có tình yêu đơn phương dành cho cô gái có đôi môi nhỏ lúc nào cũng đỏ mọng như vừa thoa một ít nắng mai, có những nỗi hụt hẫng cất vào trong niềm im lặng, có cả những niềm tin run rẩy đổ vỡ... Nhiều lắm! Nhưng mình đã bằng an đi qua vì bên cạnh mình luôn có bạn bè, gia đình. Và họ, dù không nói yêu thương bằng lời, nhưng mình nghĩ họ luôn muốn mình mỉm cười!
* Câu 2: Có thể thấy một yếu tố góp phần làm nên thành công của truyện ngắn Chông chênh tuổi 20 so với các bài dự thi khác, là tác phẩm này không rơi vào bế tắc, nó đã tìm được lối ra cho “tuổi 20” - một điều rất cần cho tuổi trẻ. Vậy khi sáng tác, thầy có hướng tới yếu tố “lối ra, tươi sáng” cho các tác phẩm của mình hay không?
- Những kẻ hời hợt thường viện dẫn cái chết, nỗi đau, tình yêu, sự cô đơn hay mấy thứ đại loại thế theo cách bất cẩn. Thậm chí, họ tin rằng chúng là đe dọa hữu hiệu nhất trong mọi tình huống, để giành lại ưu thế trong ván cờ sắp thua. Mình nghĩ tuổi 20 không thể để thua ván cờ mà cuộc đời giăng bẫy. Nên ở cuối tác phẩm nào của mình, nhất thiết là phải cho nhân vật trẻ chìm ngập trong trạng thái phấn khích “Sẽ đến một ngày, chúng ta cùng đi đâu thật xa!”, “cần phải đào tẩu khỏi những nhạt nhẽo thường nhật”. Cần phải quyết tâm điên rồ như thế thì mới thoát ra được những chông chênh hiện tại của tuổi trẻ! Chúng ta còn trẻ, vài biến cố chưa thể đẩy chúng ta vào cơn tuyệt vọng tối xám. Nên lắm chứ, một lối ra tươi sáng cho nhân vật thay vì một kết thúc ấm ớ mà một nhà văn có thể viết ra.
* Câu 3: Tại sao thầy vẫn làm công việc của một người giáo viên dạy văn - trong khi thầy có thể chuyên tâm vào việc cầm bút sáng tác như một nhà văn? Theo thầy, làm sư phạm, nhất là sư phạm văn, cái khó khăn nhất của nghề là gì?
- Có những tình yêu không cần đến lý do em ạ!
- Người làm thầy, nhất là thầy dạy Văn, ngoài tri thức văn chương, cần có một cái mình gọi là “nét duyên” và “có hồn” trong bài dạy, lời giảng.
* Câu 4: Những lúc rảnh rỗi, thầy thích làm gì? Thầy có niềm đam mê gì khác ngoài văn chương không?
- Lúc rảnh rỗi thì nghe nhạc, xem phim, di du lịch. Mình thích cái cảm giác nằm trên bãi biển phơi nắng và mơ màng nghĩ đến một cô gái niềng răng, mặc bikini cầm gươm chạy đến chĩa thẳng vào ngực trần của mình hỏi một câu: “Anh muốn cưới em hay là chết?”.
10/ PHẠM TRÀ MI (Q.Tân Phú, TP.HCM)
* Câu 1: Anh là một nhà giáo có sáng tác văn chương. Vậy anh nghĩ gì về việc học sinh ít yêu thích học văn hiện nay? Anh có làm gì để khuyến khích học sinh yêu thích học văn?
- Việc học sinh hờ hững quay lưng với môn Văn là một hiện trạng phổ biến. Điều này có nhiều lý do. Trong đó có một lý do đến từ phía chương trình học và cách gợi của giáo viên. Bản thân là một giáo viên dạy văn, anh nghĩ trước hết phải kéo các em lại, nên thay vì dạy kiến thức anh muốn truyền đam mê cho các em ấy trước. Bởi vì dạy học không phải là rót đầy mà là khơi cho các em những cảm xúc. Chỉ có tình yêu mới khiến người ta không bỏ nhau đi, với văn chương cũng vậy.
* Câu 2: Nếu có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ yêu thích sáng tác thơ văn, anh sẽ nói gì?
- Nếu đã yêu văn chương rồi thì bạn nên lên phường đăng ký kết hôn với nó. Đừng bao giờ rời bỏ đam mê của mình. Anh đã chọn văn chương như một tôn giáo thứ hai của cuộc đời mình!
Áo Trắng số 12 ra ngày 01/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận