14/06/2018 10:38 GMT+7

'Tôi học 'lời xin lỗi và cảm ơn' trên đất Mỹ, như thế nào'?

QUỐC VINH (Hoa Kỳ)
QUỐC VINH (Hoa Kỳ)

TTO - Cha ông ta có câu "Nhập gia tuỳ tục". Thế nên khi bước chân sang một đất nước xa lạ, tôi cũng đã phải học lại từ đầu những điều nhỏ nhất trong cuộc sống - Lời xin lỗi và cảm ơn!

Tôi học lời xin lỗi và cảm ơn trên đất Mỹ, như thế nào? - Ảnh 1.

Trên đây là chia sẻ của bạn đọc Quốc Vinh xung quanh câu hỏi: Làm sao tạo được thói quen nói lời 'xin lỗi và cảm ơn' cho người Việt?

Nhằm góp thêm một góc nhìn chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết của bạn đọc này.

Học cách kiểm soát cơn giận…

Tôi đã từng tham gia lớp học về kiểm soát cơn giận do trung tâm hướng dẫn làm bố mẹ tổ chức. Nội dung quan trọng nhất mà tôi còn nhớ đó là bằng mọi cách phải thoát ra tình huống đang xảy ra xung đột dễ gây nóng giận mất kiểm soát.

Nếu là ru con khóc mãi không dứt thì đặt nó vào nơi an toàn hoặc nhờ người trông giúp để thoát ra khỏi phòng hít thở không khí trong lành một thời gian ngắn.

Nếu có tranh cãi thì bằng mọi cách ai đi đường nấy trước rồi hạ hồi phân giải sau thay vì cố chứng minh sự đúng sai.

Nếu có đám đông đang tức giận thì bằng mọi cách xác định người cầm đầu và tách họ ra để nói chuyện hạ hỏa. Câu cửa miệng "Excuse me" luôn được đưa ra trước những lời yêu cầu sẽ khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu!

Một cách giải quyết cơn giận hiệu quả nữa đó là ngâm bồn nước nóng, đi mua sắm, ăn một món ngon hay bật volume thật to để nghe một bản nhạc mà mình thích.

Những điều cơ bản đó đã giúp cho tôi giảm được áp lực của sự kìm chế, giải quyết được việc "giận mất khôn" diễn ra hàng ngày. Bởi khoảng cách từ sự tức giận đến sự hung hãn cũng chẳng bao xa. Nhờ đó sẽ nói lời xin lỗi dễ dàng hơn cũng như luôn biết kiềm chế trong mọi tình huống.

Hiện nay nhiều bạn trẻ chọn cách thể hiện của cái TÔI một cách tiêu cực: ở trường tôi là số một nên có thể đánh bạn xé áo quay phim post mạng, ở sân bóng tôi là ngôi sao nên có thể đá bạo lực triệt hạ cầu thủ đối phương, ở xa lộ tôi là yêng hùng nên có thể rú hết ga để dành phần thắng về mình bất chấp tính mạng của mình và người ngồi phía sau.

Hay nhiều khi trong mỗi tai nạn xảy ra, người ta muốn thể hiện cái tôi trước tiên để dành lợi thế cho mình trước tiên trong việc phân xử đúng sai giữa đám đông chứ không phải vì người đó ghét bỏ đối phương.

Nếu cũng sự việc đó xảy ra giữa hai người với nhau trên một con đường làng vắng hoe người qua lại thì có lẽ hoặc là người ta bỏ đi hoặc là giúp đỡ nhau khắc phục phương tiện, dìu nhau vượt hết con đường đó.

Ở Hoa Kỳ, nếu hai xe ô tô va quẹt nhau thì có lẽ đầu tiên phải là sự dàn xếp ổn thỏa hai bên, nếu không được sẽ nhờ đến cảnh sát, luật sư của mình vì có muốn tìm gạch đá, que gậy dọc đường hay chạy vào nhà người khác để lùng dao kéo làm vũ khí cũng là việc khó như "hái sao trên trời"!

Cũng như mọi phương tiện bị tai nạn nếu còn hoạt động được thì phải di chuyển sang bên đường ngay lập tức chờ cảnh sát đến, phong tỏa hiện trường tránh kẹt xe. Cái TÔI phải được đặt sang một bên để dành cho cái CHÚNG TA hoạt động thông suốt!

Học cách nói lời cảm ơn chân thành…

Con gái tôi năm nay 10 tuổi đang học lớp 4 ở một trường tiểu học gần nhà. Hàng ngày công việc cuối ngày của cháu là xé tờ lịch cũ trước khi đi ngủ, đọc những câu danh ngôn phía dưới và tự giải thích ý nghĩa của nó bằng vốn tiếng Việt chưa phong phú của mình.

Rồi tôi là người giải thích lại một lần nữa toàn bộ nội dung cho cháu hiểu để cho mỗi năm trôi qua, bản thân cháu có thêm hơn 300 bài học về cách ứng xử trong cuộc sống. Cháu cảm ơn tôi một nhưng tôi muốn cảm ơn cháu mười bởi cháu đã chịu học từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống xung quanh.

Tôi luôn nhớ các bài học mà giám đốc của mình truyền đạt cho nhân viên trong các buổi giao ban nội bộ hàng ngày. Thỉnh thoảng ông yêu cầu mọi người kể cho nhau nghe về một việc tốt gần nhất mà mình làm cho người khác.

Hay ngày lễ Tạ ơn, ông yêu cầu mọi người gửi lời cảm ơn dành cho ai đó mà mình tri ân trong dịp này. Ông cũng luôn chia sẻ về việc mỗi lần thức dậy vào buổi sáng đều cảm ơn cuộc đời cho ông tồn tại và tận hưởng cuộc sống này. Đâu phải những bài học về sự biết ơn chỉ dành cho trẻ em mà thôi?

Thế nên mỗi buổi sáng, tôi đánh răng và luôn nhìn vào gương soi để tập cười và cảm ơn tôi rằng tôi đã cười tươi với chính tôi!

Có lẽ hơi buồn cười thật đấy nhưng ở Mỹ nếu bạn mượn đồ của người khác, khi trả đồ chưa kịp cảm ơn thì đã được người đó cảm ơn vì mình… đã trả đồ cho người ta thì thấy rằng công việc của tôi cũng không có gì quá lạ lùng cả!

Khi đã tập cho mình thói quen cảm ơn người khác vì đã nhường đường, cảm ơn bác tài xế xe bus đã đưa mình đến đúng trạm đúng giờ, cảm ơn người bán rau đã bán cho mình bó cải thật xanh ngon, cảm ơn bác giữ xe đã coi giúp tài sản của mình… tôi sẽ thấy yêu người khác hơn từ đó sự vô cảm sẽ bị soán ngôi và thay thế bằng tình yêu thương đồng loại.

Làm sao tạo được thói quen nói lời 'xin lỗi và cảm ơn' cho người Việt? Theo bạn, văn hóa ứng xử của người Việt vẫn ổn hay đang xuống cấp trầm trọng? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

TTO - 'Những quốc gia phát triển từ 'xin lỗi, cảm ơn" được dùng hàng giờ, ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, ở VN cụm từ này ít người dùng đến. Thậm chí, có cảm giác người Việt nói cho đã miệng mà ít quan tâm đến cảm xúc người khác'.

QUỐC VINH (Hoa Kỳ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên