Tôi giật mình vì trong sự tiêu thụ lượng bia khổng lồ đó của người Việt, tôi có góp phần. Mà còn góp phần tích cực nữa vì hay uống và uống nhiều.
Vào quán bia tôi ghét nhất là cảnh chạm cốc hô to “Dzô, dzô”, và cho đó là một hành động không hợp tinh thần văn hóa ẩm thực của người Việt. Nhưng tôi không hô thì tôi vẫn uống. Bạn bè tôi không hô thì vẫn chạm cốc và vẫn uống.
Một khi đã đưa nhau vào quán bia thì thường là đông đảo người và không thể uống một vài cốc mà cứ phải hết cốc này đến cốc khác, chai nọ tiếp chai kia. Nhiều lần trong cơn uống tôi cũng đã chợt nghĩ: uống bia là để giải khát, bia là chất uống có men làm dịu nhanh cơn khát, vậy sao cơn khát hết rồi nhưng ta vẫn liên tiếp dốc bia vào miệng.
Cứ như có một bản năng khát bia thèm rượu trong mỗi người uống mà mỗi lần uống chỉ là dập tắt tạm thời cái bản năng đó để rồi lần sau nó lại trỗi dậy, lại đòi uống để được thỏa mãn. Thật ra có bản năng nào đâu, đó là một tập tính, một thói quen do ta nhiễm phải cho ta.
Trong bộ phim Bi, đừng sợ!, đạo diễn Phan Đăng Di đã dựng cảnh người chồng trẻ cứ sau lúc tan việc là lại đến quán bia, nhúng mình vào biển người đàn ông mệt mỏi, rã rời, nhếch nhác trước những cốc bia. Họ uống như chưa từng bao giờ được uống. Họ uống như một sự rũ bỏ trách nhiệm cá nhân của người làm chồng, làm cha. Họ uống như trốn chạy một nỗi sợ vô hình nào đó. Họ uống như để giết mình.
Những cảnh quay bãi bia trong phim làm người xem phát rùng mình lo sợ cho cái chất đàn ông Việt Nam có nguy cơ bị tan chảy, hóa lỏng. Tên gọi “bãi bia” mô tả đúng quang cảnh và bản chất của những quán bia chiều chiều đông nghịt người trên các thành thị nước ta.
Tôi giật mình và tự nhắc mình. Tôi đã từng cãi lý với ai bảo tôi là con sâu bia, là kẻ nghiện bia rượu. Không, kẻ nghiện thứ gì là dính chặt với thứ đó, thiếu nó không được, như nghiện ma túy chẳng hạn. Còn tôi có bia thì uống, không bia thì thôi, uống thì vô tư, thoải mái, không uống thì chẳng vật vã, đau khổ. Nói vậy có phần đúng, có phần cũng là ngụy biện. Bảo tôi bỏ bia chắc khó, nhưng uống bia chừng mực hơn chắc được.
Bia không có tội, ngành sản xuất bia không có lỗi khi nó đáp ứng một nhu cầu thiết yếu của con người. Có lỗi, thậm chí có tội, là chính người tiêu dùng thứ thức uống đó đã nhiều khi tiêu hoang tiền bạc và tiêu phí thời gian vào việc nhậu nhẹt quá đà khiến hại sức khỏe, thiệt kinh tế, mất văn hóa.
Tôi giật mình, thấy xấu hổ khi nước mình cái hay, cái giỏi thì đứng sau người rất xa, còn cái dở, cái kém thường vươn lên hàng đầu các nước. Chuyện uống bia rượu với một khối lượng tiêu thụ khủng khiếp chỉ là một trường hợp. Và khi ra nước ngoài chính tôi đã từng tỏ ra kém văn hóa với người ta khi cố tỏ ra là mình uống giỏi, uống nhiều.
Tôi giật mình. Bạn có giật mình cùng tôi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận