TTCT- “Tôi chắc chắn 100% bên trong tôi là người Việt. Dù lớn lên ở nước Mỹ, tâm hồn tôi vẫn là người Việt, tôi được nuôi dưỡng bởi những giá trị gia đình truyền thống Việt Nam” - bà Stephanie Murphy (tên Việt Nam là Đặng Thị Ngọc Dung), người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trong lịch sử được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ. Bà Stephanie Murphy -Việt Dũng Trong cuộc trò chuyện với TTCT ở Hà Nội, ít nhất hai lần bà Stephanie Murphy rơi nước mắt khi kể về cha - người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời và tính cách của bà.Tôi được biết khi tới Mỹ, ban ngày cha mẹ bà làm các công việc chân tay, tối về lại lau dọn các tòa nhà để kiếm tiền nuôi con cái. Gia đình ảnh hưởng như thế nào đến con đường sự nghiệp của bà?- Tôi nghĩ một trong những mảnh ghép quan trọng để theo đuổi giấc mơ Mỹ là chú trọng vào giáo dục và làm việc chăm chỉ, đó cũng chính là những giá trị và phẩm chất của người Việt.Ba mẹ tôi làm việc rất chăm chỉ và giàu lòng hi sinh. Ông bà rất chú trọng việc tạo điều kiện cho con cái đi học, nhờ đó mà tôi đã thay đổi cuộc đời mình. Đây là chuyến trở về Việt Nam lần thứ tư của tôi nhưng là lần đầu tiên tôi thăm miền Bắc Việt Nam, cũng là lần đầu tiên thăm và làm việc tại Việt Nam với tư cách hạ nghị sĩ Hoa Kỳ. Hà Nội rất đẹp với những tòa nhà cổ kính, là một thành phố sôi động. Tôi đến đây và thấy mình được truyền cảm hứng bởi cái hồn đất nướcStephanie MurphyBà có thần tượng ai trong cuộc đời?- Đó chính là ba tôi. Ông ấy rất chịu khó làm việc, hi sinh mọi thứ cho con cái và luôn đặt gia đình lên trên hết. Sau năm 1975, ông ấy làm nghề lái tàu và sang Mỹ năm 1979 lúc tôi chỉ mới 6 tháng tuổi. Ông rất ít nói nhưng có tính cách rất mạnh mẽ.Ba tôi luôn căn dặn tôi phải cố gắng học thật giỏi và phải trở thành người tử tế. Một trong những giá trị truyền thống mà ba tôi luôn căn dặn tôi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.Ông khuyến khích tôi học hành chăm chỉ và học càng nhiều ngoại ngữ càng tốt. Nhờ ông, bây giờ tôi có thể nói được tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật. Tôi sẽ giáo dục con cái mình như cách ba tôi từng dạy bảo tôi.Ký ức mà tôi nhớ nhất về ba là khi tôi còn nhỏ, hai ba con cùng đi đánh cá để cải thiện cuộc sống gia đình. Có những chuyến đi đánh cá kéo dài đến 10 ngày trên biển.Chúng tôi ở trên tàu trước khi mặt trời mọc. Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời mà tôi và ba cùng trải nghiệm, đó cũng chính là giá trị gia đình. Ba tôi qua đời năm 2002.Sau này, tôi cùng chồng vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi đưa hai con đi câu cá, và tôi vẫn thường nhớ đến những kỷ niệm với ba ngày xưa.Tôi nghĩ trong cuộc sống thường ngày hiện nay, các thành viên gia đình cần dành thời gian cho nhau nhiều hơn để hun đúc những giá trị gia đình. Mọi người thường rất bận rộn với những mục tiêu và con đường của riêng họ, nhưng không có gì quan trọng hơn gia đình.Gia đình bà Stephanie Murphy khi mới tới Mỹ Bà và mẹ - một người phụ nữ Việt Nam truyền thống - khác nhau như thế nào khi nói về vai trò của phụ nữ trong xã hội và trong gia đình?- Tôi nghĩ về một số khía cạnh, tôi và mẹ khá tương đồng. Cả hai đều cố gắng theo đuổi mẫu hình phụ nữ Việt Nam lý tưởng “công - dung - ngôn - hạnh”.Chúng tôi cùng chia sẻ cam kết với gia đình, phụ nữ hi sinh cho con cái. Có những điều chúng tôi phải làm để cuộc đời con cái tốt hơn và giúp chúng đạt được những mục tiêu trong cuộc sống.Chúng tôi đều thấy mình là một phần trong số những người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ như Hai Bà Trưng. Việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm chủ tịch Quốc hội cũng là một đại diện sống động về giá trị của phụ nữ.Dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, khi phụ nữ được trao sức mạnh, họ có thể sống trọn vẹn và đóng góp nhiều cho xã hội. Nếu nhìn về nước Mỹ, bạn có thể thấy rất nhiều phụ nữ đóng góp to lớn cho xã hội. Để huy động phẩm chất và sức mạnh của phụ nữ phục vụ đất nước, điều quan trọng là phải tạo ra được một sân chơi bình đẳng.Bà nói tiếng Việt rất tốt. Bà đã học tiếng Việt như thế nào?- Sở dĩ tôi có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt vì cha mẹ tôi quy định trong nhà luôn phải nói tiếng Việt (cười).Bà giáo dục con mình như thế nào?- Tôi có hai con, con trai 6 tuổi và con gái 3 tuổi. Vì chồng tôi là người Mỹ nên việc giáo dục con cái cũng kết hợp cách dạy truyền thống của Việt Nam và Mỹ.Giáo dục giúp thay đổi cuộc sống của tôi, nên chúng tôi khuyến khích con cái mình học hành chăm chỉ. Thật sự làm cha mẹ là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ những giá trị cuộc sống với con cái bạn.Bao nhiêu phần trong bà là người Việt Nam?- Tôi chắc chắn 100% bên trong tôi là người Việt. Dù lớn lên ở nước Mỹ, tâm hồn tôi vẫn là người Việt, tôi được nuôi dưỡng bởi những giá trị gia đình truyền thống Việt Nam. Chân thành sẽ hóa giải thách thức“Tôi đã theo dõi sát sao những tiến triển trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Trong cuộc gặp với đại diện lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam hôm 31-5, tôi càng hiểu thêm rằng quan hệ hai nước sâu sắc như thế nào.Dù giữa hai nước có một lịch sử khắc nghiệt, nhưng những cuộc gặp giữa Chính phủ, Quốc hội hai bên sẽ tạo cơ hội đưa hai nước xích lại gần nhau và tiến lên phía trước. Khi nói về quan hệ Việt - Mỹ và cách làm sâu sắc mối quan hệ này, chúng ta cần nói cả về những thách thức và cơ hội. Khi hai quốc gia càng thành thật và chân thành với nhau thì chúng ta càng có nhiều cơ hội để hóa giải các thách thức”.Bà StephanIE MurphyTrong chuyến thăm Việt Nam lần này, trên cương vị một nghị sĩ, bà có đề xuất gì đối với những nhà làm chính sách và làm luật ở Việt Nam?- Những người làm luật luôn phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trọng tâm và quan tâm sát sao đến lợi ích của người dân. Những luật được Quốc hội thông qua phải bảo đảm phục vụ lợi ích của người dân. Tôi cho rằng để thực sự đại diện cho người dân, những người làm luật phải đặt vị trí của mình như người dân.Rất cảm ơn bà. ■ Bà Stephanie Murphy sinh năm 1978 tại Sài Gòn. Bà lấy bằng cử nhân ngành quan hệ quốc tế và kinh tế từ Trường ĐH William và Mary.Sau khi tốt nghiệp, bà làm nghề tư vấn tài chính ở Deloitte, sau đó lấy bằng thạc sĩ ngành ngoại giao (ĐH Georgetown) và làm chuyên viên cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2008, bà chuyển đến TP Orlando (Florida), nơi bà tập trung kinh doanh và nuôi dạy con cái.Đầu năm 2016, bà S. Murphy làm việc cho Sungate Capital (Florida) đồng thời dạy các lớp kinh doanh và doanh nghiệp xã hội ở ĐH Rollins.Tại ĐH này, một số thành viên của Ủy ban bầu cử quốc hội thuộc Đảng Dân chủ tiếp cận bà để xin lời khuyên về việc tìm kiếm ứng viên có thể thách thức ông John Mica của Đảng Cộng hòa - người đại diện địa hạt Quốc hội số 7 của Florida từ năm 1993.Bà được một thành viên của Ủy ban bầu cử quốc hội thuộc Đảng Dân chủ khuyến khích ra tranh cử nhưng bà từ chối. Bước ngoặt xảy ra sau vụ nổ súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando ngày 2-6-2016, lộ chuyện ông John Mica, trong quá trình vận động tranh cử, đã nhận 5.000 USD từ Hiệp hội Súng trường quốc gia.Bà S. Murphy quyết định tranh cử với chú trọng vào an ninh, bình đẳng... để thay đổi tình hình. Bà nhận được sự ủng hộ của tổng thống Obama, phó tổng thống Joe Biden và cựu nghị sĩ Gabrielle Gifords - người ca ngợi bà Murphy vì ủng hộ các chính sách kiểm soát súng chặt chẽ hơn.Trong cuộc bầu cử tháng 11-2016, bà Murphy đánh bại đối thủ J. Mica khi giành 51% phiếu bầu, trở thành dân biểu Hạ viện đại diện địa hạt Quốc hội 7 Florida bao gồm quận Seminole, một phần lớn phía bắc quận Cam, trong đó có khu trung tâm thành phố Orlando.Bà S. Murphy cho biết bà có kế hoạch giảm thuế, giúp đỡ các doanh nghiệp địa phương và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục công.Khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, bà nói: “Chúng tôi không muốn chỉ tạo ra khác biệt. Thay vào đó, chúng tôi muốn bày tỏ một quan điểm là đất nước này sẽ không dung thứ cho sự bất thường và đình trệ. Rằng mỗi trẻ em đều có cơ hội bình đẳng theo đuổi giấc mơ Mỹ”. Tags: Quan hệ Việt - MỹNói tiếng ViệtStephanIE MurphyHạ nghị sĩ Hoa KỳDòng máu Việt
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.