Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại điểm Trường đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào sáng 27-3 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hầu hết mọi người đều đã ít nhất trong đời dự thi tốt nghiệp THPT, đại học nhưng với kỳ thi đánh giá năng lực, vốn chỉ mới được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ năm 2018, thì không phải ai cũng đã từng trải nghiệm cảm giác là thí sinh của cuộc thi này.
Đường vào đại học cho thí sinh "lỡ thì"
Dù cũng là một kỳ thi để xét tuyển vào đại học nhưng sự thoải mái là điều dễ nhìn thấy ở các bạn trẻ, khác với cái không khí còn phần nặng nề và trịnh trọng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi đã mau chóng bắt gặp những bạn "lớn tuổi" như mình.
Võ An Khang (21 tuổi) là cựu học sinh Trường THPT Trương Định (Tiền Giang). Khang kể từ khi tốt nghiệp cấp III, Khang không đi theo số đông vào đại học, cao đẳng. 2 năm qua, Khang ở nhà phụ công việc kinh doanh của ba mẹ ở Tiền Giang, đến nay mới có nhu cầu học đại học.
Từ cuối năm 2021 đến nay, Khang ôn thi đánh giá năng lực. Lần giở lại sách giáo khoa, tải thêm các đề trên mạng, gia nhập các hội nhóm trên Facebook, Khang chọn cách tự ôn tập. "Cũng có một chút lo lắng nhưng mình vẫn khá thoải mái, không áp lực bằng kỳ thi tốt nghiệp ngày trước. Mình kỳ vọng sẽ vào được Trường ĐH Sài Gòn" - Khang nói.
Trước khi có kỳ thi đánh giá năng lực, những thí sinh "lỡ thì" như Khang nếu muốn vào những trường đại học công lập tốt thì thường phải thi lại tốt nghiệp THPT. Khi ngày càng có nhiều trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, cơ hội vào đại học với các bạn bắt đầu muộn đã rộng mở hơn. Năm nay có đến 81 trường đại học đăng ký sử dụng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tương tự, Phạm Thành Trung (19 tuổi, Nam Định) - hiện là sinh viên năm nhất khoa toán - tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 để chuyển hướng. Trung kể năm ngoái (2021) bạn không đậu vào khoa công nghệ thông tin nên chọn "học tạm" ở khoa toán - tin. Gần một năm qua, Trung dùi mài kinh sử thi đánh giá năng lực để đổi ngành.
Vừa học đại học, vừa ôn thi, Trung phải sắp xếp thời gian chi tiết và "cắt" bớt nhiều thú vui thời sinh viên. "Dù sao đánh giá năng lực vẫn nhẹ hơn thi tốt nghiệp. Các kiến thức dù rộng nhưng không quá sâu, phù hợp với những người đã không còn học phổ thông. Hơn nữa thi rất gọn gàng, chỉ mất một buổi thay vì từ 2 - 3 buổi như thi tốt nghiệp" - Trung nói.
Đề thi đòi hỏi tư duy
Phòng thi hôm nay của tôi có tổng cộng 27 thí sinh, vắng 3 bạn. Đúng 8h20, hai giám thị phát đề thi và 10 phút sau thì tính giờ làm bài. Chiến lược của tôi là làm nhanh 20 câu hỏi về tiếng Việt. Những câu hỏi khá dễ thở, nếu có một chút kiến thức nền sẽ làm được. Chẳng hạn, đề hỏi "Cái kết của truyện cổ tích thường như thế nào?".
Trong bốn đáp án "Bi kịch - Có hậu - Bỏ lửng - Bất ngờ", chắc hẳn đáp án phải là "Có hậu". Hay với câu "7 nong cơm 3 nong cà/ Uống một ngụm nước cạn đà khúc sông" đang nói về ai trong các nhân vật "Lang Liêu - Chử Đồng Tử - Thánh Gióng - Sơn Tinh", câu trả lời có lẽ không thể ngoài Thánh Gióng.
Một số câu hỏi về ngữ pháp, từ vựng có độ khó tăng dần. Một số câu đòi hỏi người học chỉ ra các biện pháp tu từ, nhân hóa, ẩn dụ. Có câu thí sinh phải xác định lỗi chính tả, chẳng hạn trong câu "Đọc giả mong muống được đọc những quyển sách có khả năng lôi cuống, lay động lòng người".
Qua tiếng Anh, hầu hết đều là những dạng ra đề đã gặp trong các bài thi thời phổ thông như tìm lỗi sai, đọc hiểu văn bản, cách viết lại câu chuẩn xác. Tôi mất khoảng 30 phút cho cả phần ngôn ngữ, gồm 40 câu tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó chỉ có khoảng 4 câu tôi phân vân.
Tôi nhảy cóc sang phần giải quyết vấn đề, bao gồm các câu hỏi hóa học, vật lý, sinh học, địa lý và lịch sử, mỗi môn khoảng 10 câu. Ở môn lịch sử, địa lý, đề cung cấp một hoặc nhiều đoạn văn để thí sinh dựa vào đó tìm kiếm thông tin trả lời. Các đoạn văn có thể được trích từ sách giáo khoa (chẳng hạn đoạn viết về thực dân Pháp trở lại Việt Nam sau năm 1946), hoặc từ các trang báo thời sự (chẳng hạn đoạn báo viết về xu hướng đô thị hóa tại TP.HCM).
Tôi trở lại làm phần 2 về toán, tư duy logic và phân tích số liệu. Ở phần này, ngoài một số câu đặc thù kiến thức lớp 12, các câu còn lại dường như học sinh cấp II cũng có thể tư duy tìm lời giải, như cách sắp xếp một đàn ngựa 7 con vào đàn hay cách sắp xếp những vị khách ngồi trong một bàn tròn. Ngoài ra, còn có những bảng thống kê số liệu để thí sinh dựa vào đó mà động não trả lời.
Có lẽ do đề "dễ thở" nên hầu hết các bạn vẫn giữ được sự vui vẻ hệt như lúc ban đầu, tiếng cười nói vẫn rộn ràng khắp sân trường đại học.
Bỏ tiền luyện thi không hiệu quả
M.H. (18 tuổi), quê Long An, chia sẻ bạn bị "trật tủ". Quyết định đăng ký thi đánh giá năng lực khi sắp hết hạn, H. cho biết để rút ngắn thời gian ôn tập, bạn đã đóng tiền khoảng 4 triệu đồng cho 2 khóa luyện thi trực tuyến với lời hứa chỉ cần ôn 12 bộ đề là bảo đảm nắm chắc kiến thức đi thi nhưng cuối cùng kết quả hôm nay không hề ưng ý.
"Công bằng mà nói, trong bài thi đánh giá năng lực, các công thức và bài mẫu rất ít. Mình khuyên các bạn nếu muốn thi đánh giá năng lực nên chuẩn bị từ sớm, tập trung học nghiêm túc trên lớp là đủ" - H. nói.
Thoải mái, nhẹ nhàng
Tôi thi tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) ở TP Thủ Đức. Ngay từ sáng sớm, thí sinh từ các tỉnh đã đổ về chật kín những con đường xung quanh. Bên trong sân trường, tiếng cười nói rôm rả, từng nhóm bạn ngồi vui đùa trên các ghế đá. Trang phục khá thoải mái, miễn là lịch sự, không nhất thiết phải áo trắng quần tây hay áo dài trắng. Nhiều phụ huynh được phép vào sân trường cùng con trước khi giờ thi bắt đầu.
Vừa thi vừa đi chơi
Nhóm bạn của Tạ Quang Huy (Trường THPT Pleiku, Gia Lai) và Nguyễn Tấn Tài (Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai) gồm 8 thành viên, từ phố núi xuống TP.HCM dự thi đánh giá năng lực. Chủ nhật mới thi nhưng các bạn đã có mặt tại TP.HCM vào thứ sáu, lại thuê khách sạn ở quận 1 (TP.HCM) để tiện đi đây đi đó.
Nhóm bạn của Tạ Quang Huy từ Pleiku (Gia Lai) xuống TP.HCM vừa thi vừa thăm thú một số nơi - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Cả nhóm đã dành một ngày thứ bảy dạo loanh quanh trung tâm Sài Gòn, thăm thú một số địa điểm, thưởng thức một số món ngon vô cùng thoải mái. Đến rạng sáng 27-3, nhóm mới bắt xe về Thủ Đức dự thi. Trước khi về, nhóm sẽ đi ngắm các trường đại học mình mong muốn vào học cho có thêm động lực ôn thi tốt nghiệp. "Hai chúng mình đều có chung mục tiêu sẽ vào Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)", Huy nói.
Hồ Nhật Quang (18 tuổi), học sinh Trường Nguyễn Văn Côn (Tiền Giang), chia sẻ cảm thấy vô cùng thoải mái cả trước và sau khi thi. Quang cho biết trường cấp III của bạn có khoảng 80 bạn dự thi, trường thuê xe hợp đồng chở các bạn lên TP.HCM.
"Giờ xong rồi chắc chúng mình sẽ kiếm chỗ nào ăn trưa ngon ngon, chắc sẽ ghé thêm một điểm nào đó chơi cho mát mát rồi về Tiền Giang. Chúng mình xem đây như một chuyến kết hợp vừa đi thi vừa chơi thư giãn trước khi vào giai đoạn ôn tập nước rút".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận