08/08/2007 06:05 GMT+7

Tôi đi làm tiếp tân

NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH (TP.HCM)
NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH (TP.HCM)

AT - Suốt năm thứ 2 đại học, tôi hầu như không có một cuối tuần rảnh rỗi. Nếu muốn ăn một bữa cơm thân mật với gia đình vào những ngày nghỉ thìđành chạy xe gần hai tiếng vào chiều thứ bảy. Ngủ một đêm và Chủ nhật phải đi từ 5 giờ sáng để kịp làm lúc 7 giờ. Tôi làm tiếp viên trong một nhà hàng đám cưới vào tất cả những ngày chủ nhật.

Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ 30 phút. Chủ nhật nào tôi cũng mang một thân xác mỏi nhừ, đau ê ẩm và nhớp nháp mồ hôi về phòng. Có lúc chẳng kịp tắm rửa, cứ thế lăn đùng ra ngủ ngon lành.

Những nhà hàng tôi làm đều nằm ven quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Đó là nơi dành cho phần lớn bộ phận công nhân viên làm việc trong những công ty, xí nghiệp nước ngoài. Vì vậy nó không sang trọng và đẹp như những nhà hàng trong nội thành. Thế cho nên công việc của tôi cũng không “chuyên nghiệp” như những nhân viên ở nhà hàng lớn. Tôi làm đủ thứ việc: lúc quét dọn, sắp xếp bàn ăn, gắp đá, bê thức ăn. Lúc đứng ngoài cổng giữa trưa nắng như thiêu đốt chỉ để... cười và chỉ cho khách đến dự chỗ... để xe.

Lúc xếp thức ăn dưới nhà bếp và cũng có lúc chạy tới lui vài nhà hàng khác (cùng một chủ) giống hệt một người quản lý bận rộn. Tóm lại là bất cứ nơi nào có việc thì cứ thế mà chạy trước tiên. Bởi tiếp viên toàn con trai, mà theo nguyên tắc thì họ chỉ việc chạy bàn. Ra thế, con gái như tôi trong một nhà hàng toàn con trai thì chỉ hiếm chứ không quí! Và dù không ai thừa nhận thì tôi vẫn biết mình là một “tay sai vặt” đa năng, không hơn không kém.

Nhưng phải công nhận lợi ích từ công việc mang lại không nhỏ chút nào. Một đứa chỉ chờ đến ngày chủ nhật để ngủ nướng đến trưa, ăn cơm do mẹ nấu và hăm hở theo lũ bạn đến một quán cà phê mát mẻ buôn chuyện. Bỗng dưng trở thành người bận rộn, cả ngày chủ nhật đầu tắt mặt tối. Bạn bè tôi nể phải biết. Mà những đồng tiền do công sức mình làm ra sao lại quý hóa đến thế! Tôi chi tiêu tiết kiệm và có kế hoạch hơn rất nhiều.

Tôi còn bỏ hẳn cái tính hậu đậu tưởng như vô phương cứu chữa tuy có gặp không ít trục trặc. Giờ thì mẹ tôi hoàn toàn yên tâm vào khả năng bếp núc của con gái. Tôi mà bày thức ăn và dọn chén bát thì khỏi phải nói: đẹp đẽ và nhẹ nhàng không tưởng nổi. Anh trai còn cho rằng tôi đã lén đi học một lớp... nữ công gia chánh. Tuyệt vời!

Sau khi hoàn tất công việc, đám nhân viên chúng tôi lại tụ tập ăn uống. Một cảnh đúng cách của sinh viên: mặt lấm tấm mồ hôi, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả, tiện thể hỏi luôn việc học hành. 21 giờ là lúc chúng tôi vội vã ra về. Cầm theo bảy mươi ngàn đồng, tiền công cho một ngày chủ nhật mệt lử. Số tiền đủ để một vài người bạn của tôi sống cho đến chủ nhật tuần sau, và cứ thế tiếp tục.

Điều thú vị nhất trong công việc của tôi là ngắm nhìn cô dâu chú rể. Nhìn những đôi uyên ương sánh bước bên nhau thật dễ chịu. Cái cảm giác có mặt trong một ngày trọng đại của họ (dù chỉ là phục vụ) thật thoải mái và đáng tự hào lắm chứ. Mỗi khi tôi mặc áo dài, khăn đóng đứng đón khách ngoài cổng nhà hàng thì rất ít người nghĩ tôi là nhân viên. Lạ thật, họ nghĩ tôi là một người quan trọng của nhà hàng, hoặc của cô dâu chú rể? Và cũng có người đoán tôi là... cô dâu, sao lại không chứ.

Có điều bên cạnh tôi không bao giờ có chú rể. Nhưng không phải tất cả những đôi uyên ương đều mang lại cho người ta cảm giác hạnh phúc. Tôi nhớ có một lần, khi chuẩn bị tiệc, tôi đã thấy một trong năm cô dâu ngày hôm ấy đẹp một cách kì lạ, nụ cười luôn nở trên môi nhưng đôi mắt buồn và đẹp ấy không rời khỏi cổng ra vào. Tôi đoán chắc cô ấy đang chờ người nào đó quan trọng lắm. Tôi lại gần và hướng dẫn cô dâu những thủ tục để chuẩn bị lễ cưới, sau đó tôi hỏi thân thiết:

- Chị đang chờ đợi ai phải không?

Cô dâu xinh đẹp ấy nhìn tôi, cái nhìn khiến người ta nghĩ đến cái đám cưới hôm nay chính là một bi kịch:

- Chị chờ gia đình hai bên. Không ai chấp nhận cái đám cưới này em ạ!

Tôi khẽ thở dài, cái hoàn cảnh này không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy vậy, tôi vẫn phải nhắc nhở:

- Chị cứ yên tâm vào phòng cô dâu trang điểm lại một chút, mặt chị đã bị lem vì khóc đấy. Sắp đến giờ làm lễ rồi!

Chị quay sang tôi như van xin:

- Em hãy bỏ bớt thủ tục nhé, không cần làm lễ, cũng không cần nhạc sống. Hãy tuyên bố thật nhanh nhé!

Tôi tỏ ra ngạc nhiên thật sự, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, dàn nhạc cũng đã khởi động từ lúc nào. Tôi biết làm sao trong tình huống này:

- Tại sao vậy chị? - Tôi căng thẳng thật sự.

Chị cúi mặt đau đớn:

- Không có đại diện hai họ. Vì anh ấy bị HIV…

Chưa nói hết câu cô dâu đã chạy tất tưởi để che giấu giọt nước mắt đắng cay. Tôi nhìn theo và bắt gặp chú rể đang đứng một góc khuất, gương mặt khôi ngô ấy nhìn theo cô dâu đầy xót xa. Tôi đứng như trời trồng, mọi suy nghĩ đều ngưng đọng, tất cả chỉ còn là giọt nước mắt chưa kịp rơi của cô dâu và ánh mắt xót xa của chú rể.

Một người bạn cùng làm ra gọi tôi đi chuẩn bị tiệc cho hội trường số 4 - hội trường của cặp uyên ương tội nghiệp kia. Và phút chốc, tôi có một quyết định thật táo bạo, tôi chạy đến người dẫn chương trình buổi tiệc, nói với anh ta rằng tôi muốn làm thay anh ta, tiền công sẽ vẫn thuộc về anh ta. Và tôi lại đến nói với chủ nhà hàng:

- Hội trường số 4 là lễ cưới của bạn em, họ yêu cầu em làm MC và em muốn thử làm việc này.

Sau khi trao đổi vài phút, thỏa thuận rằng tôi sẽ không làm ảnh hưởng đến nhà hàng cũng như không tính tiền công phục vụ cả ngày hôm đó. Tôi vui vẻ và hồi hộp trong công việc mới mẻ ấy. Không còn đủ thời gian để chuẩn bị điều gì, tôi vồ lấy cái micro và chạy lên sân khấu khi 20 bàn tiệc đã đầy kín khách khứa. Nhưng chỉ toàn là thanh niên, đó là bạn bè của cô dâu chúrể, hoàn toàn không có một người lớn tuổi nào. Và chưa bao giờ tôi thấy giọng mình hay ho, dõng dạc đến thế:

- Xin quý vị cho một tràng pháo tay để chào đón đôi uyên ương đẹp nhất ngày hôm nay…

Nhận thấy ánh mắt khích lệ của tôi, cô dâu chú rể nở nụ cười thật hạnh phúc và kiêu hãnh bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay reo hò, những tràng pháo hoa và kim tuyến rực rỡ màu sắc. Tất cả diễn ra theo sự sắp xếp mà tôi đã vội vã nghĩ ra nhưng lại thành công ngoài ý muốn. Tôi không đề cập đến hai họ, nhưng tôi nhắc đến công lao to lớn mà họ đã sinh ra cặp vợ chồng tuyệt đẹp này.

Và tôi đã thực sự mang lại tiếng cười không ngớt trong suốt tiệc cưới. Tôi làm đủ trò vui nhộn và hát đến khô cổ họng. Gần 200 khách mời nhảy múa và hát như chưa từng được hát, cô dâu chú rể cũng hò hét như không có chuyện buồn nào xảy ra. Tiệc tàn, khách khứa mệt lử vì cười nhiều và hát nhiều, cô dâu chú rể chìm đắm trong niềm hạnh phúc. Và khi tiễn họ lên xe, hai người xa lạ ấy đã ôm lấy tôi đầy biết ơn. Cô dâu nức nở trong nước mắt:

- Anh chị không dám mơ lại có được giây phút tuyệt vời này, cảm ơn em vì tất cả.

Và chú rể cũng không kìm được nước mắt:

- Anh sẽ mang ơn em đến suốt đời.

Chẳng biết tại sao tôi cũng khóc, tôi khóc vì ngoài cánh cổng chưa kịp khép kia, bố mẹ cô dâu chú rể đang vội vã đi vào. Và họ đã ôm lấy nhau đầy cảm động. Cái hình ảnh ấy, in đậm vào trái tim tôi đến mãi về sau.

Sau này dù có làm qua vài công việc bán thời gian khác , nhàn nhã và lương cao hơn, nhưng tôi vẫn rất vui khi nghĩ lại quãng thời gian làm ở nhà hàng. Một công việc có mức thu nhập không cao, thời gian làm việc không hề ít, mồ hôi và công sức bỏ ra cũng không nhỏ. Nhưng cái nhận được cũng thật xứng đáng: kinh nghiệm sống, sự kiên nhẫn, khéo léo, nhanh nhẹn và cả nụ cười luôn rạng rỡ.

ku009Zeb.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 (ra ngày 1-8-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên