11/09/2022 10:59 GMT+7

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 1: Chập chững làm cò non

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Cò đất, hoặc gọi sang hơn là môi giới bất động sản, đang là nghề khá hot và được quan tâm hiện nay. Để hiểu được phần nào về nghề đang thu hút nhiều người này, chúng tôi đã nhập vai làm cò đất.

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 1: Chập chững làm cò non - Ảnh 1.

Với mức thu nhập cao nếu "mát tay", từ nông thôn đến thành thị, từ sinh viên mới ra trường tới dân trí thức hay những người đang làm các ngành khác cũng có thể làm môi giới tay trái hoặc hoàn toàn tay phải. 

Sau khi tìm hiểu, tôi bắt đầu ứng tuyển vào Công ty Hùng Anh (đã đổi tên) chuyên bán nhà phố (mặt tiền, hẻm, biệt thự) ở trung tâm TP.HCM với phân khúc từ 10 tỉ đồng trở lên, gồm các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 2 cũ, lâu lâu có "hàng" tốt thì cũng "đá" sang các quận khác.

Tôi đi xin việc

Tôi biết công ty này thông qua tin tuyển dụng từ Facebook với nội dung đọc vào mê tít: Thu nhập 300 - 500 triệu/tháng; Lương cơ bản lên đến 6 triệu đồng; Hoa hồng từ 47 - 70%; Data khách hàng có sẵn; Hỗ trợ marketing; Cơ hội thăng tiến lên cấp quản lý...

Một sáng đầu tháng 5, tôi được gọi đến phỏng vấn. Văn phòng của công là tòa nhà ba tầng đặt gần trung tâm TP.HCM, tuổi đời vừa tròn năm do mới tách ra từ một công ty bất động sản (BĐS) khá lớn và có tiếng.

Người phỏng vấn tôi là ông Nguyễn Văn Thức (đã đổi tên), giám đốc nhân sự. Sau vài câu hỏi thông tin cơ bản, tôi thật thà cho biết mình chưa từng làm môi giới, thấy bạn bè kiếm nhiều tiền quá nên muốn thử.

Ông Thức nói rằng nghề này không khó cũng không dễ làm, điều quan trọng phải có đam mê, kiên trì và khát vọng làm giàu. Ông cho hay ở công ty một người có thời gian trung bình ký được hợp đồng là khoảng 1,5 tháng. 

Và "không ngành nào có thể giàu hơn ngành BĐS với đôi bàn tay trắng. Anh cũng từ nghèo khó đi lên", ông Thức nói bước vô nghề này sẽ giúp tôi cải thiện tài chính, khả năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ với nhiều người giàu. Như để tôi "thèm" hơn, ông bắt đầu kể các "siêu sao" trong công ty.

"Có người mới vào ba ngày bán được nhà", "Bạn N. từ nhân viên siêu thị chuyển qua môi giới, mới vào không biết một cái gì mà mới đây còn ký được hợp đồng hơn 100 tỉ", "Anh Đ. hồi trước làm bác sĩ nha khoa, vô đây một tháng bán được căn 70 tỉ", "Chị này có tháng bán được ba căn", "Bé T. trước làm dancer rồi từ Đà Nẵng chuyển vô đây, mấy tháng nay bán được mấy căn rồi", "Làm nghề này tiếp xúc toàn người giàu, đẳng cấp"... là những điều khiến người mới như tôi không khỏi kích thích. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có người 4 - 5 tháng chưa có thành quả gì.

Khác với quảng cáo, ông Thức cho biết công ty không có lương cứng 6 triệu đồng/tháng nào cả, các chi phí đi lại, ăn uống nhân viên cũng phải tự lo, công ty chỉ hỗ trợ một phần marketing và đào tạo dạy nghề. 

"Đi làm BĐS đừng bao giờ quan tâm đến lương, em phải dồn mình vào chỗ chết để tìm ra con đường sống. Ở đây trước giờ không ai nhận lương nên hoa hồng cao lắm, từ 47% đến 70%, nếu có lương thì hoa hồng sẽ rất thấp, chỉ được 25% - 35%", ông nói.

Phần trăm hoa hồng này là hoa hồng tính trên doanh thu của sản phẩm đem về cho công ty, tức 47% - 70% của 1% phí môi giới. "Tính vậy thì sau khi chia cho công ty, tiền mình nhận về không hề cao đâu", một sale BĐS nói.

Ngoài bán nhà phố từ 10 tỉ đồng trở lên, công ty còn làm thêm mảng nhà thuê. Mảng này được nhận định dễ ký hợp đồng hơn nhà bán, hoa hồng vài triệu, thậm chí chục hay trăm triệu nếu căn đó cho thuê giá cao. 

Theo ông Thức, nhà thuê có thể làm nhanh, một tháng cho thuê 2 - 3 căn cũng giúp môi giới có thu nhập khá, duy trì cuộc sống trong lúc chờ bán được nhà.

Một khoản khác là tiền thông tin, tức ra ngoài tìm sản phẩm và nhập thông tin căn đó, số điện thoại chủ nhà và hình sổ đỏ/sổ hồng lên phần mềm. Khi nhà đó bán được thì người nhập thông tin sẽ được 10% trong 1% mà chủ nhà trả cho môi giới.

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 1: Chập chững làm cò non - Ảnh 2.

Lời rao tuyển dụng hấp dẫn - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Kiếm 100 - 200 triệu/tháng không khó"

Nghe hấp dẫn nhưng khi tôi bày tỏ lo lắng mình không bán được căn nào, ông Thức bảo thành công với nghề này không dễ cũng chẳng khó. "Công ty mỗi tháng 60% nhân sự bán được nhà thì khó hay dễ? 

Một người bán một, hai căn, kiếm 100 - 200 triệu/tháng trong nghề này không hề khó. Đừng nghĩ nghề này khó khăn, hãy nghĩ đó chỉ là thử thách và khát vọng sẽ át đi những cái khó đó", ông Thức cho biết.

Cũng nhấn mạnh với tôi như thế là anh Dương Đức Minh (đã đổi tên), trưởng phòng kinh doanh. Minh nói tôi sẽ có người hỗ trợ chốt sale từ A - Z. 

"Ký một hợp đồng doanh thu có thể bằng mấy người ta làm công ăn lương. Nghề này kiếm tiền khủng khiếp lắm", Minh nói và cho biết anh vào nghề BĐS từ năm 2015 sau khi bỏ văn phòng và khởi nghiệp thất bại.

Vị trưởng phòng 37 tuổi kể khi mới làm môi giới, anh không được gia đình ủng hộ vì lo bán nhà hàng chục tỉ không dễ, nghĩ anh không hợp làm môi giới. Sau mấy năm, Minh không nhớ mình đã bán bao nhiêu căn, chỉ khoe rằng nhờ làm BĐS mà anh vừa tậu căn nhà trị giá gần 7 tỉ ở Q.Phú Nhuận.

"Nghề nào cũng vô làm được BĐS, nhiều bạn ở đây tay ngang qua chứ đâu biết gì về BĐS. Tâm lý của bạn mới vào làm đều giống em là nghĩ sao bán được nhà mấy chục tỉ, thấy khó vì số tiền lớn quá nhưng thật sự không khó bán đâu, trong đây mọi người ký hợp đồng liên tục. 

Em hay bị thổi lỗ tai là làm không được đâu, cái này làm phải có duyên, nhưng chúng ta phải tự chủ động tạo ra cái duyên. Bản thân môi giới phải kiên trì đến cùng, với chủ nhà thì chịu xuống giá tí là tạo ra duyên, còn khách đồng ý lên giá một chút là có được cái duyên", người đàn ông quê Vũng Tàu cho biết.

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 1: Chập chững làm cò non - Ảnh 3.

Những ngày đầu tôi được yêu cầu tìm kiếm thông tin mua bán nhà trên mạng - Ảnh: L.PHAM

Phải có tiền dự phòng

Trong buổi trò chuyện, ông Thức hỏi tôi có để dành được nhiều tiền không, cha mẹ có chu cấp hay đang làm công việc nào khác không. 

"Khi vô nghề này, em phải có khoảng 10 triệu trong túi hoặc đủ tiền sống ít nhất 3 tháng vì trong thời gian đó, nếu chưa ký được hợp đồng bán nhà thì còn có tiền tiết kiệm để tiêu xài và chi phí đi làm, gặp chủ nhà, khách hàng, chạy quảng cáo", ông cho hay.

Sau đó ông ta nói qua các việc mà tôi phải làm trong tuần đầu gia nhập công ty. Đầu tiên, ông dặn tôi vào giao lưu với các đồng nghiệp. Tiếp theo là đi khảo sát nhà rồi về gọi chủ nhà check lại thông tin và đăng tin rao bán.

"Em chỉ cần tập trung đăng tin kiếm khách, khi có khách gọi thì hỏi nhu cầu của họ muốn mua nhà thế nào rồi tìm sản phẩm phù hợp. Sau đó dẫn khách đi xem, chốt sale rồi lấy phí trực tiếp từ chủ nhà. Mỗi khâu đều có người hướng dẫn, làm tới đâu hỏi tới đó rồi training (đào tạo - PV) sau", ông Thức dặn dò tôi.

Ông hẹn tôi hôm sau đến làm luôn với lời hứa sẽ giúp tôi bán được trong tháng đầu. "Muốn mua nhà Sài Gòn mà làm công ăn lương thì bao giờ mua được. Chỉ duy nhất một con đường, đó chỉ có thể là làm BĐS. Muốn trở thành nhà đầu tư phải bước qua nghề này trước", ông Thức nói.

Vậy là tôi về chuẩn bị nhập cuộc, viễn cảnh mình kiếm được "trăm củ" như nhiều người trong công ty khiến tôi háo hức vô cùng...

Trước khi về, ông Thức cho biết nhìn tôi trông khá hiền lành và có tố chất. "Anh mà là người đi mua nhà sẽ lựa chọn em vì có niềm tin, mua nhà sợ nhất là môi giới kê giá lên để lấy nhiều tiền. Anh quá ma lanh nên thích người hiền lành như vậy, em thật thà như này em có kê giá người ta cũng không nghi ngờ", ông nói.

"Cò non" là tôi bắt đầu nhập cuộc với kỳ vọng sẽ sớm ký hợp đồng, tháng nào cũng lên bục cầm cọc tiền như các "idol" trong công ty.

Kỳ tới: Nhập cuộc

'Cò' đất lại nườm nượp kéo về ngay sau kiến nghị xây cầu Mã Đà

TTO - Chỉ vài ngày sau khi có kiến nghị xây cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai, hàng trăm 'cò' đất và giới đầu cơ ồ ạt kéo về các xã Tân Hưng, Tân Lợi thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước mồi chài mua bán đất, phân lô bán nền.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên