22/08/2019 12:22 GMT+7

Tôi đi dạy học ở Trường Sa: Kỳ cuối: Dưới tán bàng Trường Sa

NGUYỄN HỮU PHÚ - Q.M.
NGUYỄN HỮU PHÚ - Q.M.

TTO - Thời tiết Trường Sa rất khắc nghiệt. Tôi chưa quen khí hậu nên cũng thường đau ốm, nhưng yên tâm vì có anh em quân y tận tình chăm sóc.

Tôi đi dạy học ở Trường Sa: Kỳ cuối: Dưới tán bàng Trường Sa - Ảnh 1.

Đảo Song Tử Tây - Ảnh: Q.ĐỊNH

Có lần, tôi không bước nổi ra khỏi giường để đến bệnh xá, lập tức anh Tuấn - bệnh xá trưởng Song Tử Tây - đến tận trường khám bệnh, phát thuốc...

Những đĩa rau như thuốc

Để giữ sức khỏe trên đảo, ngoài thể dục, mọi người rất chú trọng đến thức ăn xanh. Việc trồng rau trên đảo là cả vấn đề vô cùng phức tạp bởi thường xuyên sóng to gió lớn, mà mùa nắng cũng nóng cháy da. Nhưng cái khó khăn lớn nhất là nước ngọt quá hiếm để tưới tắm.

Việc chăm bón rau rất cực, phải che chắn kỹ lưỡng, chăm chút từng tí. Đêm đêm chúng tôi hay soi đèn bắt sâu. Nếu không thì chỉ qua một đêm sâu ăn hoặc hơi muối biển táp vào là nhiều luống rau vàng xạm, khô cháy. Mỗi bữa cơm trên đảo mà có đĩa rau sống hay tô canh rau là cả quá trình vất vả đẫm mồ hôi.

Ở bờ, tôi đã từng nghe chuyện nước ngọt ngoài đảo rất khan hiếm. Ra đảo, tôi mới tận mắt thấy nước ngọt được chắt chiu quý giá thế nào. Nước mưa được hứng từ mái nhà bắc ống dẫn xuống hầm chứa.

Có năm nắng hạn đến 7, 8 tháng. Việc dùng nước ngọt phải chắt bóp đến từng giọt, mà chủ yếu chỉ để dành ăn uống. Còn tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ... đều dùng nước lợ. Nước sinh hoạt thải ra được giữ lại hết để dành cho trồng trọt.

Tắm biển về, chúng tôi chỉ dám múc 1 - 2 gáo nước ngọt tráng sơ qua. Cho nên những cơn mưa ngoài đảo được ví như vàng.

Vào những ngày bão tố, tàu thuyền đồng bào đánh cá gần Song Tử Tây chạy vào âu tàu của đảo để tránh trú. Người trên đảo thường chia sẻ ít rau trái trồng được cho ngư dân xa bờ dài ngày thèm thức xanh. Khi thì cắt cho vài bó rau muống, rau ngót; người thì tặng trái mướp, trái đu đủ. Và ngư dân cũng tặng lại ít con cá, con ốc tươi ngon, còn nếu có bán thì giá cá mú cũng rẻ như tặng.

Là dân Khánh Hòa thạo biển cả, những ngày cuối tuần, tôi cũng theo dân đảo lội bộ trên rạn san hô để giăng lưới cá, đôi khi còn bơi loanh quanh bằng thuyền thúng. Bữa cơm cuối tuần tươi ngon hơn nhờ con cá, con mực bắt được. Riêng những ngày chúng tôi dạy học, đồng bào đi biển về được ít cá mú đánh bắt đều sẻ chia cho anh em.

Cuộc sống ban đầu của tôi trên đảo hơi bỡ ngỡ, nhưng sau đó là tháng ngày thật vui vẻ, hạnh phúc. Đêm trăng trên đảo thanh bình, rộn tiếng cười trẻ thơ. Có những trò chơi thật thú vị mà không phải bạn nào ở đất liền cũng biết. Dưới ánh trăng, các em thi xếp những hòn san hô chồng lên nhau, ai xếp được cao hơn mà không đổ thì thắng.

Em thua phải cõng em thắng đi một vòng tròn đã vẽ. Rồi chúng còn lấy vỏ sò áp vào tai nhau để nghe tiếng du dương của gió biển, hoặc nhặt lá bàng vuông kết lại làm mão vua. Tôi đã không nhịn được cười khi nhìn học trò mình nhặt hoa phong ba, chơi trò cô dâu chú rể, hoặc bịt mắt bắt dê quanh những cây bàng Trường Sa.

Mai này không còn được dạy học trên đảo, tôi sẽ khó quên tháng ngày ở đây. Tôi nhớ mãi lần đầu được hưởng cái tết Trường Sa vô cùng đặc biệt. Mùa xuân biển đảo thật nhẹ nhàng, thanh thoát, khó lời nào tả hết được.

NGUYỄN HỮU PHÚ

Tôi đi dạy học ở Trường Sa: Kỳ cuối: Dưới tán bàng Trường Sa - Ảnh 3.

Thầy Phú sang năm dạy học thứ 2 ở Song Tử Tây - Ảnh NVCC


Bánh chưng gói lá bàng Trường Sa

Trước Tết Nguyên đán một tuần, anh em chúng tôi gồm trường học, ủy ban, hộ dân và các chiến sĩ chung tay dọn dẹp vệ sinh, dù quanh năm đảo rất sạch sẽ. Anh Lương - hộ dân số 2 và anh Đoạn - hộ dân số 7 phụ trường cắt tỉa những bồn hoa, trồng lại những khóm cây bị héo úa.

Còn em Hiếu ở phân đội 2 thuộc cụm chiến đấu 2 và em Phương - phân đội 82 - 85 thì giúp quét sơn, tráng ximăng những chỗ bị bong tróc. Các lực lượng trên đảo chia từng khu vực quét dọn và cắm cờ, sơn sửa lại bảng khẩu hiệu.

Đặc biệt, mỗi nhà, mỗi đơn vị đều trang bị cho mình một cây mai, cây đào đón tết. Anh em lựa cành phong ba có dáng đẹp nhất; rồi chặt một nhánh đem về bỏ hết lá già, chỉ để lại chồi non trên ngọn, sau đó gắn bông mai, đào bằng vải được gửi ra từ đất liền. Những chậu hoa tết lai phong ba giúp vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Nhưng điều làm tôi vô cùng thú vị là chuyện gói bánh chưng, bánh tét ở Song Tử Tây. Ngoài gạo nếp, lá dong, lạt tre, đậu xanh, thịt heo ba chỉ gửi theo tàu hậu cần ra đảo, chúng tôi còn gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Mọi thứ được đảo phân chia cho các đơn vị và hộ dân về tự phơi lá, ngâm nếp, ướp thịt.

Sáng ngày 29 cuối năm, tất cả tập trung trước sân nhà ăn của đảo để cùng gói bánh. Không khí thật đầm ấm, rộn ràng. Hộ dân số 1 kết nghĩa với phân đội kỹ thuật thì ngồi gói chung với nhau, hộ dân số 5 kết nghĩa với cụm chiến đấu 1. Đơn vị nào kết nghĩa với nhau thì ngồi gói chung mâm.

Tôi đi dạy học ở Trường Sa: Kỳ cuối: Dưới tán bàng Trường Sa - Ảnh 4.

Thầy và trò cùng vui giờ ra chơi ở trường đảo - Ảnh: NVCC

Tôi rất thích gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Chiếc bánh trông thật lạ và đẹp mắt. Đơn vị nào cũng gói được đôi cặp, nhưng riêng đơn vị radar gói được nhiều nhất với gần 15 cái bánh vì đơn vị này trồng được nhiều cây bàng vuông nhất đảo.

Muốn có bánh chưng gói lá bàng vuông đẹp, anh em phải leo lên cây tìm hái những chiếc lá to nhất và xanh mướt. Việc tìm lá cũng rất kỳ công vì nắng gió khắc nghiệt ngoài đảo làm cho lá cây hay bị teo tóp, rách nát.

Khi gói bánh xong, nấu tập trung, mỗi đơn vị cắt người thay phiên canh chụm củi và vớt bánh. Sau đó, những chiếc bánh đượm tình quê hương này được trang trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên ba ngày tết.

Mùi vị bánh chưng gói lá bàng vuông cũng rất khác so với các loại lá khác. Cái vị chan chát, ngọt ngọt, mằn mặn của lá hòa quyện với mùi thơm dẻo của nếp, của đậu xanh, thịt heo... tạo nên hương vị bánh chưng Trường Sa rất độc đáo.

Đêm 30 tết, đảo Song Tử Tây tổ chức văn nghệ mừng xuân từ 20 giờ đến giao thừa. Các hoạt động diễn ra trong đêm như thi hát múa giữa các đơn vị, tổ chức chơi hái hoa dân chủ, ai khéo tay nhất. Đúng giao thừa, mọi người ngồi ngay ngắn, im lặng lắng nghe Chủ tịch nước chúc tết.

5h sáng mồng 1, đảo tổ chức cuộc thi vui bắt vịt. Vịt được thả 10 con trong âu tàu. 5 đội được tổ chức với mỗi đội 2 người ngồi trên thuyền thúng. Một người cầm vành thúng lắc, một người bắt vịt. Trong vòng 20 phút, đội nào bắt nhiều hơn thì thắng, và phần thưởng chính là những chú vịt bắt được.

Đến 6h, tôi cùng mọi người tập trung chào cờ đầu năm, rồi đi dâng hương chùa, tượng đài danh tướng Trần Hưng Đạo. Sau đó, các đơn vị đi thăm hỏi, chúc tết lẫn nhau. Khách đến chơi tết, chủ nhà lấy trà thay rượu uống mừng năm mới. Các em nhỏ trên đảo cũng xúng xính trong những bộ áo quần mới, được nhận lì xì mừng tuổi từ các anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Và khi bạn đọc đến đây thì chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho các em một mùa Tết Trung thu tràn ngập niềm vui ở Trường Sa ...

Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo Tôi đi dạy học ở Trường Sa - Kỳ 1: Rưng rưng đặt chân lên đảo

TTO - LTS: Tình nguyện ra Trường Sa để dạy học cho trẻ thơ nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, thầy Nguyễn Hữu Phú đã xem gần 2 năm gắn bó ở đảo Song Tử Tây là tháng ngày hạnh phúc nhất của đời mình.

NGUYỄN HỮU PHÚ - Q.M.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên