Tôi đi bán "nàng Quyên"

NGUYỄN VĂN THỌ 25/12/2010 12:12 GMT+7

TTCT - Tiểu thuyết Quyên là một trong ba tác phẩm đoạt giải B Cuộc thi tiểu thuyết lần 3 (2006-2009) của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả quyển sách là nhà văn Nguyễn Văn Thọ, hiện sống, đi về giữa Việt Nam và Đức, sau gần 21 năm làm thợ khách trên đất Đức.


Tác giả Nguyễn Văn Thọ bán và ký tặng sách tại Berlin - Ảnh: Lê Chương

Năm nhà văn Đức Gunter Wilhelm Grass nhận giải Nobel, thật thú vị khi quan sát ông, nhà văn lớn, bình thản ngồi ký rồi bán Cái trống thiếc cho độc giả giữa Hội chợ sách Leipzig. Sự thú vị ấy y như khi tôi còn bán ở chợ trời Đức ngắm anh nông dân xứ này mang trứng gà nhà ra bán, tự hào khoe với tôi những quả trứng vàng, nom đều như trái ngọc ở chợ trời...

Nhà văn lớn Grass làm thế, tại sao tôi chả mùi mẽ gì lại ngại ngùng không thử đi bán những cuốn sách do đau đớn vật vã viết ra, để thêm dù chỉ vài trăm bạn đọc - những người nhờ quan sát họ mà dựng thành Quyên. Họ sẽ ứng xử với Quyên ra sao? 

Sau khi Quyên xuất bản, mỗi lần trở sang Đức, tôi đều mang theo dăm chục cuốn, lại gửi cả bè bạn, tích cóp lại, cộng vào gần 400 cuốn Quyên đã tới Đức.

Buổi đầu đi bán sách ở Berlin, tôi đề nghị con gái út của tôi đi theo. Cháu sinh ở Đức, tôi muốn cháu tham dự trò chơi của tôi y như việc cháu đi phụ giúp bán hàng trong một cửa hiệu nước hoa tại trung tâm thương mại Stern, theo chương trình giáo dục lớp 10 ở Đức nhằm cho người ta ý thức: sự quý giá và tính bình đẳng của lao động.

Bữa đó, tôi bán được hơn 40 cuốn. Bà Trịnh Thị Mùi, doanh nhân tại chợ Marzahn, mua 10 cuốn tặng các thành viên của trung tâm văn hóa. Khi về, tôi nói với con rằng chúng tôi thu được 700 euro, nhưng quan trọng là có thêm ít nhất 40 gia đình sẽ đọc Quyên.

Lần thứ hai là tại Trung tâm văn hóa Viethaus - Berlin, nơi làm buổi ra mắt Quyên. Tôi mời thêm cháu Ina Thùy Dương, người hai lần đoạt giải nhất và nhì thơ toàn Đức, tới đọc thơ. Con gái tôi trổ tài hát tiếng Anh... Tiểu thuyết Quyên được trộn với văn hóa của những đứa trẻ Việt sinh ra ở Đức để hôm đó người ta vui hơn mà xếp hàng chờ lấy chữ ký... 

“Điều thú vị nhất hôm nay con có biết là gì không?”. Trên chuyến tàu đêm đó, tôi nói: “Là bố đã thấy độc giả tin ở những nhân vật trong sách bố có thật. Người ta hỏi Quyên ở đâu, Kumar với Quyên bây giờ có hạnh phúc không...”.

Quyên tới Đức gồm nhiều đường. Có người về Hà Nội mua, có người mua ở các quầy sách tại các trung tâm thương mại, hay do gia đình gửi từ Việt Nam sang và khi tôi đi bán sách, họ vẫn tới mua thêm nhằm xin một chữ ký. 

Một chị ở cách nhà tôi vài trăm cây số đã tìm tới, chỉ cuốn sách trên tay, nghẹn ngào kể: “Cuộc đời em cũng khốn khổ như chị Quyên của anh. Anh đã nói thay em. Em đã ba lần bị hãm hiếp khi vượt biên từ Nga sang Đức...” Rồi chị cắn môi như bật máu để nước mắt ràn rụa.

Khi đi bán sách, tôi bán giá một cuốn 15 hay 20 euro như các quầy sách chợ Việt Nam thường bán, ấy là rất thấp so với sách văn học của Đức (từ 50-60 euro). Nhưng bạn đọc thương yêu nhà văn, nhiều chị dúi đại vào tay tôi tờ 50 euro đỏ chói và bảo biếu thêm gói thuốc cho nhà văn viết nữa về chúng em nhé. 

Khi ấy tôi muốn òa khóc giữa đám đông vây quanh. Bởi tôi biết ở Đức không phải ai cũng giàu. Đứng dưới trời tuyết có ngày ế trỏng ế trơ, chỉ mong đủ tiền mua xăng về nhà, có người cả 10 năm không có tiền mua vé máy bay về thăm mẹ...

Lại có bận đi cùng nhà văn già Nguyễn Quang Lý, ở đầu xuống ga tàu điện ngầm chợt có tiếng gọi giật tên tôi lại. Hóa ra một ông chủ quầy báo người Việt nhận ra “nhà văn đầu trọc” trên bìa cuốn Quyên. Thế là câu chuyện râm ran cả giờ đợi tàu. 

Anh là giáo viên văn ở Việt Nam, bỏ nghề từ năm 1988. Anh bảo có sống ở Đức mới viết được về tuyết lạnh, về tinh thần, thân phận của chúng ta... Cái từ “chúng ta” khi ấy sao mà cảm động thế! Chúng ta tức là bạn đọc coi nhà văn thuộc về họ. 

Tôi tặng anh một cuốn sách. Chia tay, thật ái ngại khi giữ bàn tay lạnh cóng của anh cố ấn vào túi ngực tôi tờ 50 euro. Tiền ai lại chả thích. Song 50 euro có khi là cả ngày chợ của hai vợ chồng và hai đứa con. “Cầm lấy đi! Tôi biết ông đã dẹp hết việc làm ăn mà ngồi viết. Có thực mới vực được đạo chứ!”. Cứ như thế, người thợ khách viết văn lại cảm giác mắc nợ. Tôi nói với nhà văn lớn tuổi trên đường về nhà anh. Nhất định tôi phải viết một cuốn khác nói thêm về chúng ta!

Một lần đi trên tàu điện ngầm ở Berlin, có một người Việt đã già, còm nhom, đi cùng một người khá trẻ nhận ra tôi. Hóa ra cả hai bố con đều đọc Quyên. Họ là dân miền Nam, là thuyền nhân, vượt biên sau 1975. 

Trong câu chuyện ngắn ngủi trên tàu đêm, anh nói: “Trước kia tôi rất mặc cảm với đám anh em ra đi từ miền Bắc, tôi tới Berlin mà không bao giờ tiếp xúc. Đọc truyện của anh, nhất là Quyên, tôi mới hiểu thấu thêm dân Việt bên Đông Đức, hóa ra các bạn cũng cực khổ trăm bề...”.

 Như thế sự kết nối ở văn học vô tình góp phần hóa giải một chút trong nội bộ cộng đồng Việt ở hải ngoại, khi hoàn cảnh lịch sử đẻ ra khác biệt ý thức, tư tưởng và tình cảm...

Cuối năm, ngồi nhớ lại việc văn, chợt thấy những lúc đi bán sách gặp được người đọc của mình cũng là những phút giây hạnh phúc.

BHD mua bản quyền làm phim Quyên

Quyên là một câu chuyện cảm động về con người, đầy tình yêu và lòng thù hận, đầy hỗn mang và loạn lạc của cộng đồng người Việt ở Đông Âu khi bức tường Berlin sụp đổ, nhưng cũng đầy tình người và sự nhân văn. Chúng tôi mới chính thức thỏa thuận xong để ký hợp đồng mua quyền phóng tác Quyên thành phim điện ảnh.

Quyên là tiểu thuyết thiên nhiều về yếu tố tình cảm. Quyên khi chuyển thể thành phim sẽ được đẩy nhiều hơn về hành động. Chúng tôi đã làm việc với nhà văn và ông đã thống nhất để chúng tôi chuyển thể thành phim theo hướng này.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận