TTCT - Đá trong đời sống văn hóa dân gian ở Phú Yên (NXB Lao Động), Lễ tục vòng đời “Trăm năm trong cõi người ta” (NXB Văn Hóa Thông Tin), Văn hóa sông nước Phú Yên và Việc làm nhà quê tại Phú Yên (NXB ĐH Quốc Gia) là bốn cuốn sách biên khảo của Trần Sĩ Huệ đều do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thẩm định và tài trợ kinh phí in ấn, vừa ra mắt bạn đọc. TTCT trò chuyện với ông nhân dịp này. Nhà văn Trần Huiền Ân - Ảnh: Phương TràTrần Sĩ Huệ là tên thật của nhà văn Trần Huiền Ân - tên tuổi rất quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc yêu văn chương.“Làm người nhà quê khó lắm”* Thưa ông, Trần Huiền Ân là bút danh ký trên những tác phẩm sáng tác, còn Trần Sĩ Huệ lại ký ở những tác phẩm biên khảo, vì sao có sự “phân khúc” ấy?- Qua những năm sáng tác, tôi ký Trần Huiền Ân thành quen, nhiều người không biết tên thật của tôi. Ngay ở Trường trung học Bồ Đề Hiếu Xương - nơi tôi dạy học từ năm 1970, mãi sau tháng 4-1975 học sinh mới biết tên thật của tôi là Trần Sĩ Huệ.Khi viết nghiên cứu, tôi muốn có sự “cân bằng tên tuổi”. Trần Sĩ Huệ (chữ Huệ không có bộ thảo đầu, tức là ơn huệ chứ không phải hoa huệ) là tên cha tôi đặt cho, được viết vào “Bổn trích lục bộ khai sinh”, được thầy giáo khi khen thưởng, khi nhắc nhở, được bạn bè, bà con trong làng xóm gọi hằng ngày, sao tôi có thể bỏ quên.Sáng tác là viết những điều do tôi nghĩ ra, lắm lúc phịa, nói chữ nghĩa là “hư cấu”, ký cái tên do tôi phịa: Trần Huiền Ân. Nghiên cứu là đi tìm sự thật đang có, đang còn hoặc đã mất, sắp mất, tôi ký tên thật do cha tôi đặt: Trần Sĩ Huệ cũng là để biết ơn cha mẹ, thầy giáo, cụ thể hơn là ba vị thầy suốt đời tôi tôn là “danh sư”: thầy Bùi Bình Hiếu dạy về thơ, thầy Võ Hồng dạy về văn và thầy Bửu Thọ dạy nghị luận cùng lịch sử, địa lý nước nhà. Chính ba vị “danh sư” ấy định hướng cho tôi ngay từ bậc trung học.* Từng đi dạy học rồi sáng tác, làm nghiên cứu... Nhưng dường như trong sâu thẳm ông tự cho mình là một người nhà quê và suốt đời làm bổn sự của một người nhà quê?- Tôi đâu dám cho mình là một người nhà quê. Làm người nhà quê khó lắm, hiểu biết mọi chuyện về nhà quê đã khó, có cái tâm của người nhà quê càng khó hơn.Khi còn trong bụng mẹ, tôi là dân thành thị, chào đời tại thành thị, rồi về nhà quê ở đến năm 20 tuổi mới chính thức giã từ bổn kiểng nhà quê, cứ tưởng là mình sẽ bay cao, bay xa, nói như thi hữu Tường Linh: Thuở ấy ta say mộng hải hồ. Mơ hoa trời lạ, bướm thành đô... Thế nhưng hồn quê, chất quê đã thấm đậm từ thuở ấu thơ, thành ra lúc nào tôi cũng mường tượng những sông suối ruộng đồng núi non, vẫn mang tâm sự con chim xa rừng lúc nào cũng thương cây nhớ cội.Lẩn thẩn đi tìm từng chi tiết nhỏ như tên nôm na của con chim họa mi là gì? Chim sơn ca là chim chiền chiện, chim hoàng oanh là chim nghệ vàng, hoa hoàng hậu là bông móng bò, ai cũng biết, thế nhưng tên dân gian của con họa mi đâu dễ có kẻ nói cho thông? May mắn là 20 năm sau, chiến tranh chấm dứt, tôi có dịp đi đi về về...* Viết về việc làm nhà quê tại Phú Yên hẳn ông phải đi nhiều, khảo sát và ghi chép nhiều. Sự tích lũy này bắt đầu từ đâu, thưa ông?- 20 năm sống ở nhà quê cho tôi một số vốn sống. Mặc dù làm việc chẳng ra sao, tay chân học trò lèo khèo, tôi cũng tập được sơ sơ việc cày đất thổ, làm cỏ thổ, vác củi, biết gánh, biết gùi, biết cưỡi ngựa... Dưới ruộng thì chịu thua, không cày bừa được, không cắt lúa được. Nhưng mà hay hỏi, hay tìm tòi, gần gũi với bà con, nghe họ giảng giải và may mắn là trời cho tôi trí nhớ kha khá, nhớ nhiều, nhớ lâu, hồi nhỏ học bài mau thuộc, cả trang văn xuôi, cả những bài thơ thật dài.Thời ấy chỉ đi bộ, trên những đoạn đường núi tôi cũng như bao người nhà quê thuộc lòng từng trảng bằng, từng khúc quanh, từng gốc đa, biết chỗ nào có chẹt đá, chỗ nào có hụp đất...Viết về việc làm nhà quê tất nhiên phải đi nhiều, khảo sát kỹ và ghi chép chi tiết. Về lại làng quê hỏi những chuyện ấy bà con vui vẻ bỏ cả ngày dẫn đi chỗ này chỗ kia nói chuyện, chỉ bảo. Khi viết Chân dung làng Vân Hòa (tác phẩm đang in, sắp xuất bản) tôi về gặp mấy người lớn tuổi, ngồi nhớ lại từng xóm, trong xóm có bao nhiêu nhà, nhà ai, rồi nhớ từng nhà, nhà nào ở chỗ nào, có mấy người, lớn nhỏ, tên gì, thế là tôi có một bảng thống kê dân số thời điểm nào đó rất chính xác.Khi viết Về một xóm quê: ấp Đá Bàn (tác phẩm đã được nghiệm thu) tôi cũng về tận nơi trò chuyện với bà con. Một bà chị nói: “Ba cái chuyện cây rừng đá núi đó mà cũng viết thành bài văn, bài thơ sao cậu Tám?”.“Tập tục thay đổi, nghệ thuật triệt tiêu”* Đến hôm nay, ông thấy có những việc làm nhà quê nào hay phong tục văn hóa nhà quê nào chỉ còn trong sách vở của chính ông?- Bây giờ cách làm nhà quê có khác, dùng máy cày thì không cần nuôi trâu cả bầy, dùng thuốc trừ cỏ thì khỏi khom lưng dang nắng làm cỏ, rổ rá bằng nhựa bán khắp nơi, giá rẻ, đâu cần tập đan tập lát; đường sá tốt, xe máy, xe tải khắp nơi thì không cần nuôi ngựa cưỡi, ngựa chở; công việc thay đổi dẫn theo tập tục thay đổi, nghệ thuật triệt tiêu, chẳng hạn không còn việc làm cỏ thì không còn điệu hát rập. Nhưng tôi chỉ là người nghiên cứu, ghi chép sự kiện, không đề nghị một biện pháp bảo tồn hay một khuyến cáo nào.Tôi hiểu rằng xã hội mỗi ngày một tiến hóa, cất chòi đánh bài (bài chòi) thì được mấy người hưởng ứng, tham gia; xem hò khoan trên tivi, trên sân khấu chứ có ai hò dưới sân trăng, chuyện lực điền đứng xếp thành đập lúa như quý vị trong Tự lực văn đoàn tả có còn đâu nữa! Làm sao có thể bắt thanh niên nam nữ ngày nay ưa thích những sinh hoạt ngày xưa? Đọc các sách nghiên cứu phong tục tập quán, may lắm là người ta nói một câu: “Té ra hồi xưa là như vậy... như vậy!”.* Đọc trong cuốn Văn hóa vật chất nông thôn Phú Yên (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản năm 2001) của ông thấy nhắc nhiều chuyện xưa thú vị. Chẳng hạn chuyện cái chòi mòng dùng canh trộm cắp, mọi người thay phiên nhau gác, mang lại giấc ngủ ngon cho cả làng... Ngày nay nông thôn không được thanh bình như xưa. Phải chăng có nhiều cái mới hôm nay không hợp với nông thôn?- Cái chòi mòng có thể nói là tượng trưng cho một hình thức tự quản ở nhà quê. Những tráng đinh hằng đêm đến đó canh gác bảo vệ sự bình yên của dân làng, thời ấy không lo ngại việc có người xa đến tạm trú, không cần trình báo làng xóm vì mỗi chủ gia đình chịu trách nhiệm khi có khách tạm trú. Ai lại đi trình báo, như vậy thiếu tế nhị, bạn bè hết muốn thăm nhau. Chỉ lo ngại cái anh đi ngoài đường ngay hay gian, do đó chỉ cần kiểm soát ngoài đường là đủ.Ngày xưa, tinh thần cộng đồng ở nông thôn rất cao, những hội hè đình đám cũng vậy. Cả những cuộc đi săn nai, đi thuốc cá, cùng nhau dốc sức cho công việc, không lảng tránh, không nạnh hẹ. Những nơi thờ phụng thần linh, dinh Ông, miếu Bà được tôn trọng. Người dân nông thôn hay nói: Nhờ ơn đất nước/xứ sở/ông bà... Đất nước là Tổ quốc, quốc gia, xứ sở là địa phương, làng xóm, ông bà là tổ tiên... mỗi con người sống dưới sự bảo trợ và có nghĩa vụ với đất nước/xứ sở/ông bà.* Được biết khi làm biên khảo, không chỉ một mình ông mà cả nhà cùng... xúm vào làm. Phải chăng mọi người trong nhà đều thích công việc này?- Đúng là vậy. Gia đình tôi có nếp quen là ai làm gì cả nhà đều biết và cùng làm cho vui. Trong các con thì con út thường đi với tôi, làm tài xế và nhiếp ảnh vì ở gần. Hai cha con ra Gành Đỏ tìm hiểu nghề làm mắm, ra Trung Trinh tìm hiểu nghề làm muối, ra Hòn Nần giữa vịnh Cù Mông tìm dấu vết miếu Biểu Trung. Tư liệu về nông nghiệp, thủy lợi, giao thông do con gái và con rể cung cấp.Lúc tôi đi làm công trình “Chợ ở Phú Yên” có vợ tôi cùng đi khắp các chợ trong tỉnh. Đến nơi vợ tôi hỏi chuyện người mua, kẻ bán để tôi ghi chép, có khi chụp ảnh, nhiều chuyện mình không phải là phụ nữ, không biết gợi ý, nếu không có vợ tôi thì thành thiếu sót. Hoặc là làm đủ loại mắm, rồi múc vào từng đĩa, thêm rau, thêm cà... (thức ăn của “bữa cơm rau mắm”) để tôi chụp ảnh minh họa công trình “Chất biển trong văn hóa ẩm thực”. Cũng chịu khó lên tận dấu tích đồn Trà Kê nơi huyện miền núi.Năm ngoái tôi viết về dây rừng, vợ tôi cũng góp nhiều công, nay đang viết về nghề đan lát, vợ chồng già lại về quê tìm hiểu từ cách chặt tre, chẻ nan đến các kiểu đan từ long mốt đến long năm. Cũng vui.* Xin cảm ơn ông.Nhà văn Trần Huiền Ân (Trần Sĩ Huệ) sinh năm 1937, quê quán làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông từng làm nghề dạy học, sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu...Các tác phẩm đã in gồm: Thuyền giấy, Năm năm dòng sông thơ, Lời trên lá, Rừng cao (thơ); Tiếng hát nhân ngư, Một nửa chân trời, Mùa hè quê ngoại, Khói của ngày xưa (truyện); Văn hóa vật chất nông thôn Phú Yên, Phú Yên miền đất ước vọng, Phú Yên thời khẩn hoang lập làng... (biên khảo), suốt một đời gắn bó với quê hương, đóng góp nhiều trong đời sống văn hóa nghệ thuật Phú Yên nói riêng, nước nhà nói chung.Một cuộc đời lặng lẽ dù không ít trầm luân cũng như hoạn nạn, nhưng Trần Huiền Ân không bao giờ cho rằng mình lầm khi làm văn nghệ. “Thi sĩ Tạ Ký viết: Yêu mà lời với lãi. Còn chi là tâm hồn. Tôi cũng vậy, trước sau vẫn yêu văn chương, có kể gì lời lãi” - nhà văn Trần Huiền Ân tâm tình. Tags: Đối thoạiTRẦN HUIỀN ÂNGặp gỡNgười nhà quê
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.